Kỹ năng làm bài trắc nghiệm đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là bước vào kỳ thi THPT Quốc Gia 2023. Đứng trước kỳ thi quan trọng, chắc hẳn nhiều bạn học sinh đang gặp phải khó khăn trong quá trình ôn luyện môn Toán. Đừng lo lắng quá, VUIHOC sẽ giúp các bạn giải quyết các vấn đề khó khăn trong bài viết dưới đây. Hãy cùng VUIHOC khám phá về kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn Toán THPT hiệu quả và chi tiết nhất năm 2023 nhé.
1. Đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán 2023 có gì mới?
Có thể thấy, tỷ lệ và nội dung của đề minh họa năm nay cơ bản giống với 2 năm gần đây nhất là 2021 và 2022. Bên cạnh đó, năm nay môn Toán đánh dấu sự quay trở lại của kiến thức tích phân hàm ẩn sau 3 năm vắng bóng nhường chỗ cho ứng dụng hình phẳng. Điều này là hợp lý vì nó không gây xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, hoàn toàn phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đề thi cơ bản sẽ bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây. Tuy nhiên, trong đề vẫn sẽ xuất hiện một số câu hỏi và cách cho dữ kiện đề bài ở dạng mới lạ nhằm mang tính thử thách năng lực dành cho những bạn thí sinh muốn đạt điểm tuyệt đối. Bên cạnh đó, đề thi năm nay sẽ có dạng câu hỏi mới liên quan đến kiến thức về min – max và quỹ tích điểm thỏa mãn điều kiện cho trước ( khoảng câu 49) nhằm mang tính phân loại cao. Để giải quyết được câu hỏi ở tầm này, các em học sinh cần biết kết hợp nhiều kiến thức liên quan đến hình học oxyz như cách tính khoảng cách hay góc trong không gian.
>>>Xem thêm: Những thông tin quan trọng về đề thi Toán THPT Quốc gia 2023
2. Kỹ năng làm bài trắc nghiệm đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán
2.1. Nắm chắc kiến thức môn Toán từ cơ bản
Nắm chắc kiến thức cơ bản chính là bí quyết cần thiết và quan trọng nhất để làm bài thi THPT Quốc gia môn Toán được tốt nhất. Nhiều bạn thí sinh thường chủ quan ở các câu hỏi dễ nên sẽ rất dễ bị mất điểm đáng tiếc. Bởi vậy hãy học thật kỹ những kiến thức cơ bản theo từng chuyên đề như hàm số, thể tích hay khoảng cách, tích phân và đạo hàm…
Mỗi một chuyên đề đều cần phải nắm vững những lý thuyết cơ bản từ khái niệm, định nghĩa đến công thức và các dấu hiệu nhận biết cho từng dạng để có thể tỉnh táo nhất trước những câu hỏi có đáp án nhiễu nhằm đánh lạc hướng thí sinh. Các bạn học sinh sẽ chính thức đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho nền tảng kiến thức của mình, đó chính là tiền đề cho những bước tiếp theo trong cuộc đời các bạn. Vậy nên hãy thật cố gắng, kiên trì và nỗ lực nhé.
2.2. Phân bổ thời gian làm bài hợp lý
Khi làm bài thi trắc nghiệm khách quan, một trong những khó khăn lớn nhất là áp lực về thời gian, bởi các thí sinh phải vận dụng cả kỹ năng lẫn kiến thức để tìm ra đáp án chính xác trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Do đó, khi nhận được đề, ngay lập tức các thí sinh hãy nhìn tổng quát một lượt đề thi để đánh giá những câu hỏi dễ và ưu tiên xử lý những câu đó trước tiên.
Khoảng 20 câu đầu chủ yếu thuộc dạng nhận biết và vận dụng ở mức độ cơ bản nên nhất định phải làm đúng mà còn phải làm cực kỳ nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác. Thí sinh hãy dành khoảng 25 đến 30 phút để làm 30 câu đầu rồi tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Với khoảng 20 câu sau thì thời gian 40 phút, 10 câu đầu sẽ cần khoảng 15-20 phút vì đây là những câu hỏi bắt đầu phải tư duy và suy nghĩ khá nhiều nên cần phải cẩn thận trong việc tính toán và chọn đáp án vì ở những câu hỏi này khá nhiều những bẫy dễ gây nhầm lẫn để nhằm phân loại học sinh. Từ câu số 40 đổ đi, lượng kiến thức cần có để có thể chinh phục được là rộng vô cùng. Sau khi làm xong, thời gian còn lại 5-10 phút hãy kiểm tra lại thật kỹ toàn bộ bài thi.
Nên nhớ rằng thời gian không có nhiều nên thí sinh hãy tận dụng từng giây phút để làm bài thi, tránh để mất thời gian vô nghĩa vào những chuyện linh tinh như ra ngoài đi vệ sinh hoặc quên đồ dùng học tập….
2.3. Sử dụng máy tính cầm tay một cách thành thạo
Kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay là kỹ năng gần như quan trọng nhất, nó rất cần thiết để tối ưu thời gian làm bài và chinh phục những câu hỏi từ khó tới dễ. Nếu những câu hỏi liên quan đến tích phân cực trị hay tính hình học mà làm theo cách tính tay thông thường thì các bạn sẽ mất ít nhất 2,5 phút. Nhưng nếu sử dụng máy tính tốt những câu này thì chỉ mất khoảng 30s hoặc 1 phút cho mỗi câu. Chưa kể có nhiều câu có cách giải rất phức tạp nhưng nó được giải quyết bằng máy tính một cách nhanh chóng.
>>>Xem thêm: Cách bấm máy tính thi THPT Quốc gia chinh phục các dạng Toán trắc nghiệm
2.4. Học nhiều công thức tính nhanh
Để chinh phục được điểm tốt môn Toán thì việc học thật nhiều công thức tính nhanh là điều cần thiết và bắt buộc. Khi đã có công thức, các bạn chỉ cần đưa công thức đó vào máy tính và bấm là sẽ được kết quả nhanh chóng.
Những công thức đó cũng không phải có gì mới mẻ bởi tất cả đều được suy ra từ những công thức tự luận gốc trước đó và được biến đổi, rút gọn để đưa biến cần tìm ra ngoài giúp học sinh có thể áp dụng trực tiếp. Do đó, hãy cố gắng sưu tầm và học nhiều công thức tính nhanh nhất có thể.
2.5. "Đối phó" những phương án nhiễu trong đề thi trắc nghiệm
Câu hỏi thi toán trắc nghiệm có nhiều dạng, tuy nhiên trong bài thi THPT Quốc gia sẽ chỉ xuất hiện câu hỏi dạng đó là lựa chọn 1 đáp án chính xác nhất trong 4 phương án. Trong đó, có 1 đáp án đúng, 3 đáp án còn lại là các đáp án nhiễu, yêu cầu thí sinh phải chọn ra đáp án đúng mà không cần trình bày bài giải. Lưu ý, có hai loại phương án nhiễu xuất hiện trong đề thi:
- Loại 1 – nhiễu xa: 3 phương án sai tách biệt với phương án đúng, các bạn sẽ dễ dàng tìm được đáp án ngay.
- Loại 2 – nhiễu gần: 3 phương án sai gần giống phương án đúng, có khả năng gây rối loạn cao cho thí sinh khi lựa chọn. Để loại được phương án sai bắt buộc thí sinh cần phải có kiến thức cơ bản và suy luận tốt.
3. Lộ trình ôn luyện đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán bài bản nhất
3.1. Lộ trình ôn thi THPT Quốc gia môn Toán với mục tiêu đạt điểm trung bình
Trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán, các câu hỏi sẽ được phân bổ theo các cấp độ từ dễ, trung bình đến khó nhằm mục đích phân loại năng lực thí sinh. Vì thế, với mục tiêu điểm trung bình khoảng 5-6 điểm môn toán thì các bạn học sinh không cần phải ôn tập kiến thức quá khó và nặng. Bên cạnh đó, các bạn chỉ đơn giản nắm vững kiến thức và hãy làm thật thành thạo các bài tập ở dạng cơ bản để khi làm bài thi đảm bảo không được sai ở những câu hỏi dễ, trung bình là sẽ đạt được 5-6 điểm. Hãy chú trọng ôn tập 2 chuyên đề: Tích phân và số phức nhất. Bởi đây là 2 chuyên đề có những câu hỏi dễ lấy điểm nhất.
-
Chuyên đề Tích phân: trong chuyên đề này các bạn cần tự luyện, nắm chắc được phương pháp giải của từng dạng bài tập.
-
Chuyên đề Số phức: ở chuyên đề này, các bạn hãy học theo 4 chủ đề tương ứng với 4 nội dung của kiến thức. Mỗi chủ đề sẽ học theo một lộ trình.
3.2. Lộ trình ôn thi THPT Quốc gia môn Toán với mục tiêu đạt điểm 7-8
Để đạt được 7-8 điểm môn Toán thì bên cạnh việc nắm chắc kiến thức cơ bản, các bạn học sinh cần phải tìm và ôn luyện lại toàn bộ phần lý thuyết và các dạng bài xuất hiện trong đề thi môn toán THPT của những năm trước. Bên cạnh đó, cần nắm chắc được các công thức và phương pháp giải toán nhanh đồng thời rèn luyện kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay đảm bảo nhanh và chính xác.
Hãy cố gắng hoàn thành ít nhất 5 đề thi đạt được mức 8 điểm để có thể vừa tổng hợp lại kiến thức, trau dồi thêm kiến thức, vừa nâng cao kỹ năng làm bài để tối ưu thời gian làm bài nhất.
3.3. Lộ trình ôn thi THPT Quốc gia môn Toán với mục tiêu đạt điểm 9 trở lên
Đây là số điểm ở mức gần như tuyệt đối, do đó, để làm được mức này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức và năng lực thật sự. Bên cạnh việc thực hiện lộ trình ôn thi giống với mục tiêu điểm trung bình và khá thì các bạn học sinh cần phải làm thật nhiều đề thi thử môn toán giống như đang làm bài thi thật. Mỗi khi làm đề hãy bấm thời gian 90 phút như thời gian thi thật và sử dụng phiếu trắc nghiệm giống form mẫu để tô đáp án, tạo cho các bạn cảm giác giống như đang tham dự kỳ thi thật.
Nếu gặp những câu chưa làm được hoặc dạng bài mới lạ, hãy note lại để tìm hiểu và luyện dần. Tham gia các nhóm ôn tập để cùng nhau tìm ra những công thức, mẹo giải nhanh và học tập hiệu quả hơn. Đặc biệt hãy tích cực luyện đề thi và tìm cách giải những bài toán khó ở mức vận dụng cao có trong đề.
4. Một số điểm thí sinh cần lưu ý khi làm bài thi môn Toán
a) Bình tĩnh, tự tin, trung thực
Đây là kỳ thi quan trọng nên áp lực trước giờ làm bài là điều không tránh khỏi. Điều đó có thể gây phân tâm khi làm bài, ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các thí sinh. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, việc đầu tiên các bạn thí sinh cần học tập nghiêm túc, trung thực trong khi làm bài thi, xác định đúng năng lực của bản thân, không cầu may hay trục lợi.
b) Phân bố thời gian làm bài hợp lý
Đề thi gồm có 50 câu hỏi, sẽ được sắp xếp theo thứ tự mức độ khó tăng dần, khoảng 20 đến 30 câu đầu tiên sẽ là các câu hỏi ở mức độ thông hiểu, nhận biết. Bởi vậy các bạn học sinh cần tận dụng thời gian để chọn nhanh đáp án đúng, không nên ôm đồm hay dành thời gian quá lâu cho một câu nào đó lạ và bạn chưa làm được.
c) Đọc nhanh nhưng đủ, hiểu sâu
Sau khi được phát đề, các em học sinh có khoảng 5 phút để đọc lướt nhanh 1 lượt kiểm tra lại đề thi. Nếu có gì bất trắc hãy báo ngay cho giám thị. Thí sinh hãy tổng hợp tất cả các dữ kiện đề bài cho, đặc biệt ưu tiên các dữ kiện quan trọng hơn để có thể loại đáp án nhiễu càng nhiều càng tốt. Để tổng hợp được dữ kiện, các bạn cần phải phân loại, nhận biết được kiến thức liên quan. Hãy gạch chân dưới những cụm từ quan trọng trong câu hỏi để làm bài được tốt nhất.
d) Tận dụng tối đa các công thức tính nhanh và máy tính cầm tay
Các em thí sinh có thể dùng kết quả của đáp án để loại trừ đi đáp án sai là một phương pháp khá hay và phổ biến. Bên cạnh đó, các tính năng lập bảng, lập hệ phương trình hay giải nghiệm,… bằng máy tính cầm tay cũng giúp các bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian trong quá trình làm bài thi.
e) Không nên chủ quan với các câu hỏi vận dụng, liên hệ thực tế
Mặc dù số lượng câu hỏi thực tiễn chiếm ít trong đề thi, nhưng nó đều có tính thời sự và tính phân hóa cao,… Bởi vậy những câu hỏi này đang là xu thế được nhiều trường đại học lựa chọn làm câu hỏi trong các kỳ thi đánh giá năng lực. Vậy nên, các em học sinh cần phải tập luyện thật kỹ càng để khi làm bài thi không lúng túng trước những câu hỏi này.
g) Tô đúng, tô đủ, không bỏ đáp án trống
Các bạn thí sinh cần thực hiện việc tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm được phát theo đúng quy định và theo sự hướng dẫn của giám thị phòng thi. Các bạn học sinh có thể làm được câu nào thì tô ngay đáp án câu đó. Hoặc các em cũng có thể khoanh chọn đáp án trên đề thi hết lượt rồi sau đó mới tô trên phiếu trả lời khoảng 15 phút trước khi hết giờ làm bài để có thể hạn chế việc sử dụng tẩy nhiều khi muốn thay đổi lựa chọn đáp án.
Bên cạnh việc có kiến thức tốt, yếu tố may mắn cũng là một phần luôn tồn tại trong mỗi kỳ thi. Nếu có câu nào không làm được, các em vẫn nên lựa chọn 1 đáp án nào đó, không được bỏ trống. Nhưng trước khi “lụi” một đáp án, các bạn thí sinh nên suy nghĩ 1 chút để loại các phương án nhiễu, hoặc phỏng đoán các kết quả hợp lý hơn.
Qua bài viết này, VUIHOC mong rằng có thể cung cấp cho các em những thông tin mới nhất và hữu ích về những lưu ý khi ôn tập và cách làm bài thi trắc nghiệm môn Toán THPT năm 2023. Các em cũng đừng quên tham khảo lộ trình ôn luyện Toán thi THPT Quốc gia và phương pháp tổng ôn Toán thi THPT Quốc gia 2023 được nhà trường VUIHOC chia sẻ trong các bài khác. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!
>>>Xem thêm: Phương pháp ôn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên thi THPTQG hiệu quả nhất cho 2k5