img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên)| Văn 9 tập 1 kết nối tri thức

Tác giả Hoàng Uyên 09:12 02/07/2024 110,478 Tag Lớp 9

Hiện nay, trên thế giới có vô vàn những vấn đề cần được giải quyết, nhất là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Bài soạn dưới đây VUIHOC sẽ hướng dẫn cách soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên)| Văn 9 tập 1 kết nối tri thức đầy đủ và chi tiết nhất.

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên)| Văn 9 tập 1 kết nối tri thức
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên)

1.  Viết bài về “Vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất ở địa phương em” 

Bài tham khảo 1:

Tài nguyên thiên nhiên là những của cải đã có sẵn trong tự nhiên. Con người khai thác và sử dụng chúng cho lợi ích của cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên nguồn tài nguyên thiên nhiên có trong tự nhiên không phải là vô tận. Do đó con người phải biết cách để khai thác sao cho hợp lý để chúng phục vụ cho lợi ích của con người một cách có hiệu quả.

Việt Nam đã được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới (xếp hạng 16/25 nước có mức độ đa dạng sinh học cao ở trên thế giới), với nhiều kiểu rừng, sông suối, đầm lầy,  rặng san hô... tạo nên môi trường sống dành cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã ở trên thế giới. Nước ta còn được biết đến là một trong 8 "trung tâm giống gốc" của những loại cây trồng, vật nuôi, trong đó có đến hàng chục giống gia súc và gia cầm.

Hệ sinh thái của Việt Nam vô cùng phong phú, bao gồm 11.458 loài động vật, trên 21.000 loài thực vật và có khoảng 3.000 loài vi sinh vật, trong đó có rất nhiều loài được sử dụng nhằm cung cấp vật liệu di truyền.

Tuy vậy hiện nay tài nguyên thiên nhiên ở trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng đang bị đe dọa một cách rất nghiêm trọng. Nước ta rừng vàng, biển bạc với đất phì nhiêu nhưng chúng ta quá chủ quan và đã phí phạm quá nhiều những tài nguyên này. Chúng ta giết động vật và chăn nuôi không giới hạn, phá rừng, lại làm quá nhiều thủy điện, đánh bắt cá không có giới hạn, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng. Hậu quả của những việc này chúng ta đã thấy ngay trước mặt, đó là cứ hàng năm chúng ta lại phải chịu thiên tai càng nhiều hơn và nặng nề hơn. Thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm từ vài trăm cho đến vài ngàn tỷ đồng, thiệt hại cho nguồn ngân sách quốc gia. Nếu chúng ta biết hành động đúng thì nguồn ngân sách ấy có thể sử dụng cho phúc lợi và phát triển xã hội.

Đứng trước hiện trạng như thế, nhà nước đã đề ra những giải pháp tức thời và lâu dài để có thể sử dụng được, khai thác tài nguyên một cách lâu dài và chủ động. Thứ nhất, đó chính là việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả khai thác cũng như sử dụng tài nguyên, chủ động ứng phó với những biến đổi khí hậu nhằm phục vụ chi phát triển bền vững. Trong quá trình sử dụng tài nguyên, không chỉ khai thác một cách tiết kiệm, có hiệu quả những nguồn tài nguyên hiện có, mà cần coi trọng việc sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo, vật liệu mới; hạn chế tối đa, từng bước tiến đến chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ đồng thời thúc đẩy chế biến sâu; sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giảm mức phát thải khí nhà kính. Đối với những loại khoáng sản chiến lược đặc thù bao gồm than, dầu khí,... cần phải có chính sách cụ thể, cân đối giữa nhập khẩu với xuất khẩu. Thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp phục hồi môi trường sau quá trình khai thác khoáng sản; ngăn chặn và từng bước khắc phục được sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do chủ quan con người, nhất là do những dự án phát triển kinh tế gây ra.

Thứ hai, đó là việc tăng cường việc quản lý tài nguyên. Tài nguyên là tài sản của quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, phải được đánh giá một cách đầy đủ, hạch toán trong nền kinh tế, và được quản lý một cách có hiệu quả, bền vững, gắn với mục tiêu phát triển cả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, theo một hướng bảo đảm được tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng giai đoạn.

Thứ ba, chúng ta cần phải chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở đây, trọng tâm là tiến hành đầu tư thích đáng cho những công trình trọng điểm quốc gia, những chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động xây dựng, triển khai cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện những chương trình, kế hoạch ứng phó với việc biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai ở từng giai đoạn; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như giám sát biến đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Và cuối cùng, đó là việc đẩy mạnh những hoạt động bảo vệ môi trường. Trước tiên, hoàn thiện được hệ thống pháp luật, ban hành những chế tài đủ mạnh để có thể bảo vệ môi trường, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt được tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường việc phòng, ngừa và kiểm soát những nguồn gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn và từng bước khắc phục được sự xuống cấp của môi trường tự nhiên. Hạn chế tiến đến khắc phục căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường của nhiều cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, các lưu vực sông, không để phát sinh thêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp đó, để đẩy mạnh những hoạt động bảo vệ môi trường, cần phải bố trí hợp l‎ý nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho những công trình trọng điểm phục hồi môi trường dân sinh; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành những chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt được tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Toàn xã hội cần phải tăng cường phổ biến pháp luận và tuyên truyền ứng phó với những thiên tai hay biến đổi khí hậu.

Mỗi bước tiến nhỏ của mỗi người có thể tạo nên một sự thay đổi lớn, và chúng ta cần phải tự hỏi mình: "Hôm nay, tôi đã làm được gì để bảo vệ môi trường?". Cả xã hội phải cùng đồng lòng thì tài nguyên thiên nhiên mới có thể phát triển dồi dào đúng cách, tạo ra nguồn sống và duy trì tương lai cho con em chúng ta.

Bài tham khảo 2:

Thiên nhiên và tạo hóa đã ban tặng cho tất cả chúng ta một vô vàn những kho báu quý báu. Nhờ vào sự hiện diện của thiên nhiên, đất nước của chúng ta mới có thể phát triển và thịnh vượng như ngày hôm nay. Thiên nhiên đóng một vai trò không thể thiếu và quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người.

Thiên nhiên, theo một cách hiểu đơn giản, là tất cả những gì tồn tại trong tự nhiên và không phụ thuộc vào bất cứ tác động nào của con người. Nó bao gồm nước, đất đai, rừng, động thực vật cùng với tài nguyên thiên nhiên. Thiên nhiên đóng vai trò vô cùng to lớn bởi vì nó cung cấp những điều rất quý báu mà cuộc sống của chúng ta có thể dựa vào. Đầu tiên, thiên nhiên là nguồn cung cấp nước cho tất cả chúng ta, là nguồn sống cho cuộc sống của con người. Nếu không có nước, sự sống sẽ không thể nào tồn tại. Nước là một yếu tố quan trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ việc uống nước mỗi ngày cho tới việc trồng trọt và sản xuất. Nó còn giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì môi trường tự nhiên cùng với hệ sinh thái. Ngoài ra, thiên nhiên còn cung cấp đất đai cho chúng ta để trồng trọt và xây dựng. Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng thiết yếu để sản xuất thực phẩm và xây dựng nên cơ sở hạ tầng. Nó là nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia cùng với nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những người hiểu rõ được giá trị của thiên nhiên và bảo vệ nó, vẫn còn tồn tại một số người tham lam và thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ tiếp tục phá rừng và chặt phá cây cối một cách bất hợp pháp nhằm tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, làm mất cân bằng cho môi trường và gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi sự can thiệp thật mạnh mẽ từ phía chính phủ cùng với các cơ quan chức năng, cần phải thiết lập những biện pháp răn đe và xử lý kịp thời để có thể ngăn chặn những hành vi này.

Tất cả những vấn đề đó đã làm cho chúng ta nhận thức được sâu sắc hơn về sự ảnh hưởng của môi trường đến với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải có nhận thức về tình hình khẩn cấp ấy và phải hành động. Là học sinh, chúng ta có thể tham gia vào việc trồng cây, gây rừng và duy trì sạch đẹp môi trường của mình. Cùng với đó, việc thu gom rác thải, sau đó tái chế và xử lý chất thải độc hại đúng cách cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cần hưởng ứng những sự kiện và ngày lễ môi trường, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ, cần phải có chính sách rõ ràng và luật pháp hạn chế khí CO2 từ ngành công nghiệp và ứng phó với những vấn đề môi trường.

Về cơ bản, thiên nhiên là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu của chúng ta và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người. Chúng ta cần phải nâng cao ý thức và đảm bảo bảo vệ và duy trì thiên nhiên cho tương lai của chính chúng ta và cả thế hệ mai sau.

>> Xem thêm: Soạn văn 9 Kết nối tri thức

2. Viết bài về “Khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong phát triển kinh tế biển của nước ta” 

Bài tham khảo 1:

Như chúng ta đã biết thì hiện nay tình trạng ô nhiễm vẫn đang diễn ra khắp nơi như ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí và cũng không nằm ngoài sự ô nhiễm ấy chính là ô nhiễm môi trường biển. Trong thời gian gần đây, báo chí cũng như những phương tiện thông tin đại chúng khác đã đưa rất nhiều thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng ven biển miền Trung làm cho cuộc sống của người dân tại nơi đây đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn nữa.

Sự việc này đã gây nên nhiều mối lo ngại về việc có nên sinh sống tiếp ở vùng đất này. Chưa có một bài báo nào nói về nguyên nhân chính thức đã gây ra sự việc nói trên tuy nhiên điều chúng ta có thể dễ dàng thấy nhất đó chính là môi trường biển đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn.

Biển là nơi rất giàu có và đa dạng về mặt tài nguyên, chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Không những thế, biển còn là nơi dễ dàng phát triển về mảng du lịch và phát triển ngành chăn nuôi thủy hải sản.

Tuy biển đẹp là vậy, có ích là vậy nhưng biển cũng đang dần bị ô nhiễm vì nhiều tác nhân mà tác nhân chủ yếu lại chính là do con người. Điều đầu tiên phải kể tới đó chính là do ý thức của người dân.

Hàng ngày có đến hàng tấn rác thải chưa được xử lý đổ xuống biển, người dân sống ven biển cũng lấy bờ biển để làm nơi đổ rác. Hành động thiếu ý thức của người dân cũng góp phần làm môi trường biển ngày càng ô nhiễm hơn.

Ngoài ra, nhiều nhà máy và xí nghiệp cũng xả nước thải cùng với những hóa chất vô cùng độc hại ra biển không những làm cho biển ô nhiễm thêm mà còn có tác hại xấu tới sức khỏe con người và mọi loài sinh vật sống ở nơi đây.

Ô nhiễm môi trường biển còn xảy ra tại một số cảng hàng hải do tàu thuyền đi ra đi vào nhiều, nạo vét luồng lạch và đổ rác thải,…, một số cảng biển còn có lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép ví dụ như cảng Vũng Tàu vượt đến 3,1 lần. Nhiều người dân còn đánh bắt cá bằng cách sử dụng đến bom mìn lây nhiễm rất nhiều chất hóa học có hại.

Nguyên nhân thứ hai dẫn tới tình trạng biển bị ô nhiễm là do những mặt trái tồn đọng trong sự phát triển xã hội. Xã hội đang ngày càng phát triển và đồng thời nhu cầu của người dân cũng ngày càng được nâng cao, ngành du lịch biển cũng từ ấy mà phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên du lịch ngày càng phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc tài nguyên của biển bị khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên biển đồng thời cũng thải ra một lượng rác thải không hề nhỏ xuống biển. Và một nguyên nhân nhỏ nữa chính là việc tràn dầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng làm tăng lượng tiêu thụ dầu mỏ. Lợi ích kinh tế đi kèm với việc dầu bị khai thác quá mức đã làm cho một lượng dầu lớn bị rò rỉ ra biển gây ra ô nhiễm biển, các loài cá cũng từ đấy mà chết do không có đủ oxy để tiếp tục sống gây thiệt hại rất to lớn cho môi trường biển cũng như những vùng nuôi trồng hải sản.

Nguyên nhân cuối cùng có lẽ là do nhiều cơ quan quản lý còn lỏng lẻo và chưa thực sự thắt chặt công việc kiểm soát vấn đề xử lý rác thải của nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp và những khu du lịch.

Ô nhiễm môi trường biển dẫn tới nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Nó gây hại trực tiếp tới sức khỏe con người và dần làm mất đi những nguồn lợi ích từ biển như hải sản, du lịch biển,… Một nghiên cứu vào năm 2008 đã cho thấy hàng năm Việt Nam đã mất đi khoảng 69 USD thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém. Môi trường biển bị ô nhiễm cũng làm giảm đi sức hút đối với các khách du lịch.

Để góp phần bảo vệ môi trường nói chung cũng như môi trường biển nói riêng thì mỗi người cần phải nâng cao ý thức cùng với trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường như không được xả rác bừa bãi ra biển hay tổ chức những cuộc đi thực tế và thu dọn bãi biển,…

Những cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải tăng cường việc quản lý để giảm thiểu lượng rác thải có hại ra môi trường biển nhằm giữ cho cảnh quan thiên nhiên không bị cướp đi dưới bàn tay tử thần và để cho những người dân sống bám vào biển giảm phần nhọc nhằn về miếng cơm manh áo.

Khóa học DUO cung cấp cho các em nền tảng kiến thức vững chắc, bứt phá điểm 9+ trong mọi bài kiểm tra trên lớp.

Bài tham khảo 2:

Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế với trên 1. 000. 000 km² và trên 3. 000 đảo lớn và nhỏ khác nhau, hai quần đảo đó là Trường Sa và Hoàng Sa, bờ biển kéo dài hơn 3. 260 km. Đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược về biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Nhưng thực trạng về ô nhiễm môi trường biển vẫn đang là vấn đề báo động “đỏ”.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp và du lịch tràn lan; nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng lên và nghèo khó; lối sống giản đơn kèm theo dân trí thấp; thể chế và chính sách còn bất cập…

Hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải ở trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không thông qua xử lý ra những con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra ngoài biển. Đơn cử trong quá trình nuôi trồng thủy sản cũng làm phát sinh đáng kể một lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu chính là những loại phân bón, thức ăn nhân tạo được sử dụng trong nuôi trồng.

Bình quân một ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường tầm khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn mét khối nước thải tính trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm trên 600 nghìn ha, mỗi năm sẽ thải ra ngoài môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn.

Qua nghiên cứu, điều tra của Viện Hải dương học Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường biển cùng với hải đảo còn do nhiều địa phương khai thác và sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển dẫn đến thiếu nước ngọt, xói lở và sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Việc khai thác hải sản bằng mìn hay sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt rất nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, gây nên hậu quả nặng nề cho nhiều vùng sinh thái biển. Nhiều hoạt động du lịch cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và cảnh quan tự nhiên của biển. Điển hình như Vườn quốc gia Cát Bà với 5. 400 ha mặt nước, ngày trước từ một hòn đảo trong lành, ngày nay môi trường ở đây đã bị biến đổi kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch kết hợp với nuôi trồng thủy sản, bởi vì mỗi ngày có đến hàng nghìn tấn rác đổ trực tiếp ra biển.

Một nguyên nhân gây ô nhiễm biển nữa phải kể đến là tràn dầu rò rỉ do hoạt động của nhiều tàu và do những sự cố hư hỏng hay đắm tàu chở dầu, hoặc do sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có đến hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với một khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh thêm 5. 600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn độc hại còn chưa có bãi chứa và chưa có nơi xử lý. Đó là chưa kể đến tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí ở trên biển không ngừng gia tăng.

Hàng năm, trên 100 con sông của nước ta thải ra biển khoảng 880km³ nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo rất nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển bao gồm các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và rất nhiều chất độc hại từ những khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, những khu nuôi trồng thủy sản ven biển và cả những vùng sản xuất nông nghiệp.

Năm 2010, lượng chất thải đã gia tăng rất lớn tại các vùng nước ven bờ, trong đó dầu khoảng 35.160 tấn/ngày và nitơ tổng số 26-52 tấn/ngày, còn tổng amoni là 15-30 tấn/ngày. Báo cáo hiện trạng môi trường đã chỉ ra rằng chất lượng của môi trường biển và vùng ven biển vẫn tiếp tục bị suy giảm.

Nước biển của một số khu vực đang có biểu hiện bị axit hóa do độ pH ở trong nước biển tầng mặt biến đổi. Nước biển ven bờ có những biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm và một số chủng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện tại vùng biển Nam Trung bộ, đặc biệt tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận làm chết nhiều loại tôm cá đang được nuôi trồng tại vùng này.

Chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn tới nơi cư trú tự nhiên của các loài động thực vật bị phá hủy, gây tổn thất to lớn về đa dạng vùng bờ. Khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và có trên 70 loài đã được xếp vào sách đỏ Việt Nam.

Ô nhiễm môi trường biển còn xảy ra tại các cảng do liên quan tới hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng, việc nạo vét luồng lạch và đổ phế thải. Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt khi đổ ra biển chưa qua xử lý nên chỉ số vi trùng học luôn luôn ở mức cao. Ở một số cảng đáng báo động có hàm lượng thủy ngân đã vượt ngưỡng cho phép, như cảng Vũng Tàu vượt 3,1 lần hay cảng Nha Trang vượt 1,1 lần…

Môi trường biển bị ô nhiễm đã dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình nhất là hệ sinh thái san hô. Vùng biển Việt Nam có khoảng 1. 122km² rạn san hô, nếu hệ sinh thái ấy bị mất đi, biển nước ta có nguy cơ sẽ trở thành “thủy mạc” không còn có tôm cá nữa. Đó là thông điệp mà những nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên nước ta đã và đang cảnh báo.

Theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đến nay đã có khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống nghèo (độ phủ từ 0 đến 25%), 60% thuộc loại thấp (từ 26 đến 50%), 17% còn tốt (từ 51 đến 75%) và chỉ còn 3% rất tốt (trên 75%).

“Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như tình hình hiện nay. Mỗi năm, mất hơn 50 tấn san hô chưa kể mất san hô đen tại Quảng Bình, Quảng Trị, Hải Phòng, Quảng Ninh, theo đà này 20 năm nữa san hô sẽ không còn trong vùng biển Việt Nam” – theo Viện Hải Dương học Việt Nam cảnh báo.

3. Viết bài về “ Quan điểm sống xanh và ý nghĩa của nó”

Bài tham khảo 1:

Sống xanh ngày nay không chỉ là một lối sống mà nó còn đang dần trở thành yêu cầu của xã hội. Trong tác phẩm "Sống Xanh" của tác giả Jen Chillingsworth, tác giả đã rất mạch lạc về triết lý "Ăn sạch – Uống lành – Sống bền vững". Sự liên kết vô cùng mật thiết giữa con người và môi trường tự nhiên không thể nào phủ nhận. Trước tình trạng hiện tại của hành tinh, ngày càng có nhiều người chọn lựa một lối sống xanh hơn, nhằm bảo vệ cho cả tương lai của bản thân và hành tinh mà chúng ta vẫn đang sống.

Sống xanh, đơn giản là một cách tiếp cận hoàn toàn thân thiện với môi trường, hòa mình vào với sự hài hòa của tự nhiên. Trong xã hội hiện đại, nơi mà cuộc sống đang có đầy sôi động, lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà nó còn được xem là một lối sống tích cực, mang đến nhiều lợi ích cho cả cá nhân lẫn cộng đồng.

Lịch sử của loài người luôn được kết nối vô cùng chặt chẽ với tự nhiên. Mọi nền văn minh và tiến bộ đều được phát triển từ những nguồn tài nguyên mà Trái Đất ban tặng. Nhưng hiện nay, mọi thứ dường như đã có sự thay đổi. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ cùng với sự gia tăng về dân số đã khiến cho chúng ta tiêu thụ quá nhiều tài nguyên tự nhiên, đồng thời cũng tạo ra một lượng rác thải lớn không thể kiểm soát. Sự phụ thuộc vào công nghệ cùng với sự tiện lợi của cuộc sống hiện đại đã làm cho chúng ta ngày càng xa lạ với tự nhiên. Những tòa nhà chọc trời hay những cống đường quá tải và những khói bụi từ nhà máy cũng đang dần bao phủ lấy hành tinh. Tình trạng ấy là một cảnh báo rất đáng lo ngại. Ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải thay đổi cách sống và chọn lựa ra lối sống xanh để có thể bảo vệ môi trường.

Lối sống xanh không chỉ là một khái niệm, mà đó còn là một hành động cụ thể. Nó thể hiện thông qua việc sử dụng những sản phẩm có khả năng tái chế hoặc thân thiện với môi trường, cần cân nhắc trong việc sử dụng tài nguyên, và chọn lựa ra thực phẩm và lối sống lành mạnh. Mục tiêu của lối sống ấy là đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người mà không gây tổn thương đến môi trường. Điều này không chỉ đơn giản là một xu hướng mà còn là trách nhiệm của tất cả mọi người ở trên hành tinh này.

Thực hiện lối sống xanh mang đến nhiều lợi ích không chỉ cho môi trường mà còn cho sức khỏe cũng như tinh thần của chúng ta. Việc giảm ô nhiễm môi trường hay giảm lượng rác thải và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý không chỉ giúp bảo vệ cho hành tinh mà còn làm gia tăng chất lượng cuộc sống của chúng ta. Sống xanh cũng giúp cho chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn, bằng cách dành nhiều thời gian cho tự nhiên hơn là cho công nghệ, chăm sóc động vật và sống một cuộc sống bình dị hơn

Nếu chúng ta không chọn lối sống xanh, thì không xa, hành tinh của chúng ta sẽ biến thành một bãi rác khổng lồ. Loài người và nhiều loài sinh vật khác sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu cùng với sự ô nhiễm môi trường. Tiền bạc và công nghệ không thể nào cứu vãn được tình trạng này. Đáng tiếc là, hiện nay, mặc dù nhận thức về lối sống xanh đang dần được nâng cao, nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện nó vẫn còn đang bị hạn chế.

May mắn thay, việc thực hiện lối sống xanh lại không hề khó khăn. Chúng ta có thể bắt đầu từ những thói quen đơn giản hàng ngày như tiết kiệm năng lượng, sử dụng những sản phẩm dễ tái chế và thân thiện với môi trường, và giảm thiểu việc dùng những hóa chất có hại. Trong việc ăn uống, chúng ta có thể lựa chọn những thực phẩm hữu cơ và hạn chế việc lãng phí thức ăn. Bằng cách này, chúng ta không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn tạo ra một cuộc sống bền vững hơn cho chính chúng ta và cho cả thế hệ tương lai.

Tóm lại, có rất nhiều cách để chúng ta có thể sống xanh và sống lành. Hãy chọn lựa cho mình một cách sống xanh phù hợp, để chúng ta có thể nâng cao được chất lượng cuộc sống của mình và bảo vệ được hành tinh mà chúng ta vẫn gọi là ngôi nhà chung.

Bài tham khảo 2:

Trái Đất đang báo động về sự ô nhiễm trầm trọng cùng với sự cạn kiệt của những nguồn tài nguyên hơn bao giờ hết. Hành tinh của chúng ta đang trên đà phát triển với tốc độ không bền vững, dự kiến dân số trên thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050, cần tới hai hành tinh để đáp ứng được mức tiêu thụ của con người như hiện tại. Chính vì thế, sống xanh là lối sống rất tích cực, hữu ích và đang trở thành một lối sống được khá nhiều người lựa chọn. Sống xanh không chỉ đem đến sức khỏe tuyệt vời cho chúng ta mà còn góp phần giúp bảo vệ môi trường.

Vậy thì sống xanh có nghĩa là gì? Hiểu đơn giản, sống xanh là lối sống lành mạnh và bền vững, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Lối sống ấy hướng tới đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không làm suy kiệt đi tài nguyên cho các thế hệ tiếp theo. Sống xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu cho tương lai, không chỉ là trách nhiệm mà còn là đặc ân đối với bất kỳ ai trên hành tinh này. Mục tiêu của cách sống này là nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm tác hại của khí thải nhà kính. Tránh lãng phí bất kể nguồn tài nguyên nào từ vật dụng, thực phẩm, cách thức di chuyển,.. Sống xanh là một sự cam kết của cá nhân đối với môi trường chung của Trái Đất.

Trước hết, hãy bắt đầu từ chính thói quen sinh hoạt đơn giản của chúng ta. Để tiết kiệm và giảm lượng chất thải ra ngoài môi trường đất, chúng ta cần phải thay đổi một số thói quen sinh hoạt mỗi ngày. Những đồ vật xung quanh chúng ta bao gồm đồ may mặc, đồ nội thất, những thức ăn đóng hộp và đồ uống đóng chai... đều đã trải qua một quá trình sản xuất gây tác động xấu tới môi trường. Để giảm bớt những ảnh hưởng ấy, hãy chọn những món đồ thân thiện với thiên nhiên được làm thủ công không thông qua sản xuất đại trà, hoặc đồ vật được làm từ những chất liệu có khả năng tái chế và dễ phân hủy như gỗ, thủy tinh thay cho vật dụng nhựa. Bên cạnh đó, cần phải hạn chế việc sử dụng những chất tẩy rửa làm từ hóa chất, thay vào đó nên sử dụng những chất tẩy rửa sinh học và dụng cụ dọn dẹp có nguồn gốc từ vật liệu thực vật. Những hành động đó chính là cách giúp bảo vệ được nguồn nước sạch và hệ sinh thái của những loài sinh vật và giúp giảm thiểu lượng rác thải ra ngoài môi trường.

Thứ hai, chúng ta cần phải học cách “ăn sạch”. Thực phẩm “xanh” chính là thực phẩm hữu cơ và tươi ngon. Bằng cách lựa chọn thực phẩm tươi sống tại nguồn, bạn đang khuyến khích việc nuôi trồng tự nhiên từ những doanh nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả. Khi nấu ăn bạn cũng có thể góp phần tiết kiệm được tài nguyên bằng cách lựa chọn những đồ dùng nấu nướng có nguồn gốc từ thực vật thay vì nhựa, chọn nồi chảo chất lượng để có thể nấu nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn, đậy kỹ nắp nồi lúc nấu nướng để đồ ăn nhanh chín hơn, tiết kiệm được năng lượng hơn, tắt bếp từ và rút phích cắm hoặc vặn kỹ bình gas khi đã nấu nướng xong, thay thế màng bọc thực phẩm bằng những dụng cụ dự trữ thức ăn có thể sử dụng nhiều lần. Lượng khí Mê-tan do thức ăn thừa thải ra có tác hại rất khủng khiếp cho môi trường hơn cả khí carbon dioxide. Chính vì thế, chúng ta cần phải điều chỉnh lại thói quen trong nấu nướng và ăn uống, hạn chế việc loại bỏ những thức ăn thừa bằng cách nấu vừa đủ và bảo quản bằng những vật dụng được làm từ thủy tinh.

Thứ ba, mỗi người cần phải tiết kiệm và sử dụng năng lượng điện sao cho hợp lý. Nguồn điện bạn sử dụng cho những vật dụng hằng ngày được sản xuất trong nhiều nhà máy nhiệt điện hoặc thủy điện, và cả hai hình thức ấy đều gây tác động xấu tới hệ sinh thái. Hãy tham gia chiến dịch giờ Trái Đất (Earth Hour) mỗi ngày bằng cách tắt bớt bóng đèn và thiết bị điện không cần thiết để giảm bớt chi phí sinh hoạt hàng tháng, mà còn hạn chế được nguồn điện cần sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường. Dùng nước hợp lý cũng là một cách để “sống xanh”, nước sạch đang được xem là một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất. Với xu hướng ấm dần lên của Trái Đất, nguồn tài nguyên quan trọng ấy đang dần bị cạn kiệt. Tiết kiệm nước sẽ giúp hệ thống lọc nước của các thành phố giảm bớt công suất làm việc và vẫn bảo đảm được lượng nước đến mọi người. Hơn thế, việc hạn chế sử dụng nước đóng chai cũng đồng nghĩa với việc bạn đang làm giảm đi hiệu ứng nhà kính vì nước đóng chai vốn được tạo ra từ quy trình sản xuất chai nhựa, vận chuyển và một lượng lớn rác nhựa đã bị thải ra môi trường. Sử dụng phương tiện di chuyển công cộng nhằm tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế được khí thải. Đi bộ hoặc đạp xe vừa giúp cải thiện được sức khỏe vừa giúp giảm thiểu lượng CO2 và chất phóng xạ thải ra môi trường từ quá trình đốt cháy nhiên liệu cho những loại xe chạy bằng động cơ.

Thứ tư, chính là việc sử dụng và tái chế. Đồ nhựa thường rất khó để phân hủy và mất đến 1000 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Vậy nên để “sống xanh”, hãy tái sử dụng những vật dụng được làm từ nhựa một cách thông minh. Như rửa sạch rồi phơi khô các loại túi nhựa có thể tái chế, refill (làm đầy lại) những bình nhựa đựng dầu gội, sữa tắm,… đã sử dụng hết. Đồng thời, hạn chế sử dụng đến đồ nhựa một lần, phân loại rác thải đúng theo quy định để việc tái chế được dễ dàng hơn. Đối với chất thải hữu cơ, chúng ta có thể ủ chúng để tạo ra phân bón sinh học nhằm tránh lãng phí và giảm bớt lượng rác thải ra môi trường.

Cuối cùng, chúng ta không thể không nhắc đến xu hướng thời trang xanh. Chọn lựa quần áo được làm từ chất vải cotton tự nhiên vì chúng yêu cầu ít tài nguyên hơn so với các loại vải may mặc thời trang khác. Đối với việc giặt giũ mỗi ngày, hãy chọn mua nước giặt hoặc bột giặt được chiết xuất từ những nguyên liệu giặt tẩy từ tự nhiên. Ngoài ra, việc phơi khô tự nhiên thay cho sấy cũng giúp bạn tiết kiệm được tài nguyên điện. Hơn thế, hãy suy nghĩ về việc mua lại trang phục cũ (second-hand). Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp giảm bớt đồ đạc dư thừa, tìm hiểu về lối sống tối giản cũng chính là một cách để sống xanh và nhẹ nhàng hơn khi giảm thiểu được đồ đạc trong cuộc sống.

Qua đây, có thể thấy rằng, lối sống xanh không chỉ đem đến lợi ích cho sức khỏe của con người mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hành tinh. Chúng ta cần phải nhận thức và hành động tuân theo lối sống xanh, từ việc sử dụng những sản phẩm hữu cơ tới việc ứng dụng những phương tiện giao thông công cộng, để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường và đảm bảo được sự phát triển bền vững của hành tinh.

4. Viết bài về “ Tình trạng thiếu nguồn nước sạch trong cuộc sống của con người hiện nay” 

Bài tham khảo 1:

Nhắc đến nước, người ta thường nghĩ đến một cái gì đó dồi dào, bao la và vô tận, bởi trên thực tế có hơn 70% diện tích bề mặt trái đất là nước. Thế nhưng khi nói đến nước ngọt đó lại là điều ngược lại bởi chỉ có khoảng 2,5% nước ngọt có thể sử dụng, nước ngọt đã ít nước sạch lại càng khan hiếm hơn. Trong bối cảnh sự phát triển đang không ngừng của đất nước, càng ngày chúng ta lại càng sử dụng nhiều nước, nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt đã bị đe dọa ô nhiễm mỗi ngày. Cần phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của nguồn nước sạch từ đó mới có thể chung tay gìn giữ và bảo vệ nguồn nước sạch.

Liên Hợp Quốc đã có những dự báo về nguồn nước sạch vào năm 2020, khi đó nhu cầu nguồn nước sạch trong sản xuất, công nghiệp và sinh hoạt của người dân đều tăng lên gấp đôi, sẽ có khoảng 40% dân số trên thế giới phải sống trong cảnh thiếu thốn nước sạch vì những hệ luỵ không tiết kiệm và không bảo vệ nguồn nước. Thực trạng nước sạch ở Việt Nam cũng đang trong tình trạng đáng báo động vì ô nhiễm và khan hiếm nước sạch, khoảng 20% dân số chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch và 30% dân số chưa nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của nguồn nước sạch. Vì thế rất cần thiết phải nâng cao nhận thức của mọi người dân về vai trò của nguồn nước sạch để từ đó mọi người mới biết trân trọng và bảo vệ nguồn nước sạch. Thứ nhất, nguồn nước sạch được sinh ra trong tự nhiên là thành phần quan trọng trong những quá trình phát triển tự nhiên, có nguồn nước sạch thì mới có cây xanh tươi tốt, bầu không khí trong lành cùng với hệ sinh thái phát triển.

Thứ hai, nguồn nước sạch là không thể nào thiếu trong các quá trình sản xuất sinh hoạt, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến, không có nước sạch thì không thể tưới tiêu, chăm bón hay vệ sinh. Sinh hoạt của con người từ việc tắm rửa và ăn uống đều cần tới nước sạch, chính vì vậy nước sạch sẽ quyết định tới sức khoẻ của con người. Nước sạch có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống cũng như sức khỏe của con người, chỉ cần bạn ăn phải nguồn nước bị ô nhiễm bạn sẽ gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe, hàng năm có gần 200 nghìn người mắc phải các các bệnh về ung thư có liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Chỉ cần có một con kênh bị đổ rác thải hay phân chuồng hoặc nước xả thải tức khắc nguồn nước ô nhiễm sẽ lan ra khắp nơi, ngấm vào đất, bầu không khí sẽ bị ô nhiễm không thể nào hít thở được. Như vậy nếu không có nguồn nước sạch thì chúng ta không thể đảm bảo được những nhu cầu về mặt sinh hoạt thiết yếu chứ chưa nói tới việc sản xuất, công nghiệp hay sức khoẻ. Nguồn nước sạch có hạn và hạn hẹp vì thế mọi người phải biết sử dụng một cách tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả nguồn nước sạch, tuy có thể bỏ tiền ra để mua nước sạch nhưng hãy sử dụng tiết kiệm và nghĩ tới lúc dù có tiền cũng không thể nào mua được nước sạch để dùng. Bên cạnh đó cần phải hạn chế những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ nguồn nước khỏi bị nhiễm bẩn, nhiễm độc.

Vai trò của nguồn nước sạch đối với con người hết sức quan trọng và không thể nào thay thế được, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ cũng như cải thiện nguồn nước sạch. Bảo vệ nguồn nước sạch không chỉ là việc riêng của một cá nhân, tổ chức hoặc đoàn thể nào mà là của chung cho toàn xã hội, hãy chung tay để bảo vệ nguồn nước sạch vì chính sức khoẻ, sự phát triển cũng như sự tồn tại của chúng ta.
Lộ trình khóa học DUO dành riêng cho cấp THCS sẽ được thiết kế riêng cho từng em học sinh, phù hợp với khả năng của các em cũng như giúp các em từng bước tăng 3 - 6 điểm trong bài thi của mình.

Bài tham khảo 2:

Nước quan trọng là thế, nhưng hiện nay, thế giới vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị thiếu nước sạch và nguồn nước đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hay thiếu nước sạch sinh hoạt làm gia tăng nguy cơ mắc những bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da và một vài căn bệnh khác. Trung bình có khoảng 1,5 triệu trẻ em bị chết vì bệnh tiêu chảy mỗi năm. Theo ước tính của WHO, cho đến nay có khoảng 130 triệu người đang phải đối mặt với việc sử dụng nước bị nhiễm arsenic với nồng độ cao hơn so với nồng độ cho phép là 10 mg/lít. Vì vậy, vai trò của nước sạch đối với đời sống rất quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

Nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất công nông nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ cùng với sự phát triển vượt trội về kinh tế xã hội và sự bùng nổ dân số. Ở rất nhiều vùng và lưu vực sông, lượng nước cần sử dụng có thể gấp vài lần tổng lượng nước có khả năng cung cấp, nghĩa là chẳng những vượt quá xa với ngưỡng lượng nước cần có để duy trì được sinh thái mà còn không có nguồn nước tại chỗ để có thể cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất.

Những rừng xanh bạt ngàn tại Trường Sơn, Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc đang bị chặt phá để lại nhiều núi đồi trơ trọi và xám ngắt, canh tác nông lâm nghiệp không được hợp lý và thải chất thải bừa bãi vào những thuỷ vực… đã và sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, làm cho nguồn nước bị cạn kiệt và ô nhiễm, hạn hán có khả năng càng ngày càng khốc liệt. Nguy cơ thiếu nước sạch cũng ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn ở những vùng mưa ít.

Nhận thức về giá trị của nguồn nước đối với cuộc sống của con người chính là một trong những ưu tiên hàng đầu bởi mục tiêu phát triển bền vững của mọi quốc gia. Con người hoàn toàn có thể bảo đảm tài nguyên đáp ứng được những nhu cầu ở hiện tại của mình mà không gây phương hại tới việc đáp ứng nhu cầu của những thế hệ tương lai, đồng thời giảm thiểu những tổn hại tới hệ thống kinh tế – xã hội và môi trường.

Do sự biến đổi về nhiệt độ cùng lượng mưa, hiện nay nhiều nơi ở trên thế giới thường xuyên không có đủ nước để có thể đáp ứng nhu cầu của con người khi 70% diện tích của Trái Đất được nước bao phủ nhưng chỉ 0,3% tổng lượng nước nằm trong các nguồn ấy có thể khai thác sử dụng làm nước uống. Vì thế, trong thế kỷ XXI, tình trạng thiếu nước cũng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng nhất trong những vấn đề về nước, đe dọa đến sự phát triển bền vững. Theo đánh giá của những cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia ở trên thế giới bị thiếu nước và tới năm 2025, con số này sẽ rơi vào khoảng 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới bị rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng . Ở một vài quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người cũng đang bị giảm đáng kể. Và mặc dù, Hội nghị về nước của Liên hợp quốc trong năm 1997 đã thống nhất, “tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác hay địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền được tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng bảo đảm cho những nhu cầu cơ bản của mình, theo đó, tiếp cận với nước uống chính là quyền cơ bản của con người”, song, cho tới nay, số người thiếu nước sạch vẫn không ngừng gia tăng.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm nước có thể thấy được do những yếu tố sau: Một là, sự gia tăng nhanh của dân số thế giới. Ngày nay, theo đà tăng của dân số, lượng nước sử dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt không ngừng tăng. Theo đó, những tác động tiêu cực của tình trạng gia tăng dân số hiện nay ở trên thế giới ngày càng nhiều. Đó là sức ép rất lớn tới tài nguyên nước do khai thác quá mức phục vụ cho những nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm và sản xuất công nghiệp; tạo ra những nguồn thải tập trung vượt quá khả năng tự phân hủy của môi trường tự nhiên ở các khu vực đô thị hay khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… gây ô nhiễm đến nguồn nước sạch. Sự chênh lệch về tốc độ phát triển dân số giữa những nước công nghiệp hóa với các nước đang phát triển gia tăng, dẫn tới sự nghèo đói ở những nước đang phát triển và sự tiêu phí dư thừa ở những nước công nghiệp hóa. Sự chênh lệch ấy ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa những nước phát triển công nghiệp với các nước kém phát triển dẫn tới tình trạng di dân dưới mọi hình thức, ảnh hưởng đến sự phân bố các nguồn nước.

Hai là, môi trường sinh thái đang bị phá hoại bởi nạn chặt phá rừng, biến đổi khí hậu,… Trong nhiều năm vừa qua, nạn chặt phá rừng bừa bãi đã gây nên những hiểm họa làm biến dạng hệ sinh thái và tăng nguy cơ khan hiếm nước, đất bị xói mòn và thoái hóa. Theo các chuyên gia, tốc độ nạn phá rừng hiện nay sẽ dẫn đến 2 tỷ người, tức là 20% dân số thế giới bị thiếu nước vào năm 2050. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước đó sống tại những quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, nguồn thực phẩm cũng sẽ có nguy cơ bị đe dọa vì nước sử dụng để tưới tiêu cũng trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, sự nóng lên của Trái đất cũng khiến cho nạn hạn hán kéo dài, tình trạng mực nước biển dâng cao, đồng nghĩa với việc cạn kiệt nguồn nước ngọt quý hiếm ở một số nơi và khu vực trên thế giới.

Ba là, sự ô nhiễm về tài nguyên nước. Cùng với tốc độ phát triển đô thị hóa, những khu công nghiệp hiện đại là số lượng chất thải làm nhiễm bẩn nguồn nước đang ngày càng khó kiểm soát. Việc sử dụng thuốc trừ sâu ở trong nông nghiệp, lượng nước thải ra ngoài môi trường của những nhà máy luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, thực phẩm, cùng với lượng nước thải tạo ra do sinh hoạt… khiến nguồn nước sạch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bốn là, sử dụng và quản lý tài nguyên nước chưa hợp lý. Sự cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước cũng như sự khan hiếm nguồn nước đang ngày càng trầm trọng do chưa thực sự có những biện pháp quản lý tốt nguồn tài nguyên nước. Tài nguyên nước hiện vẫn chưa được công nhận giá trị một cách đầy đủ và công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo. Hầu hết những quốc gia đều chưa có nhiều hệ thống để giám sát thích hợp cho cả khối lượng lẫn chất lượng của nước và đặc biệt là việc sử dụng nước lãng phí.

Vì thế, yêu cầu đặt ra cho nhân loại ngày nay chính là chúng ta phải làm gì để có thể giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước sạch? Trước hết cần phải nhận thức rõ ràng việc sử dụng nguồn nước phải đi đôi với việc bảo vệ vì nước không phải là tài nguyên vô tận. Các cơ quan chức năng cần phải có nhiều hoạt động tuyên truyền chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước hơn, đưa ra nhiều biện pháp để kêu gọi tất cả những thành viên trong xã hội nâng cao được ý thức, cùng hành động tích cực và sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên này. Nhà nước cần phải đưa ra những chính sách bảo vệ môi trường mới, những chính sách nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm có tính răn đe đối với những nhà máy xí nghiệp, đầu tư xây dựng những dự án công trình xử lý nước thải; người dân phải sử dụng sao cho hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước, có ý thức với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, không lạm dụng các hóa chất, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, không đổ rác thải bừa bãi xuống sông hồ, mỗi cá nhân nên tích cực vận động và tuyên truyền để mọi người quan tâm đến tầm quan trọng của nguồn nước sạch, nâng cao được ý thức trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Bạn có thật sự muốn cho bản thân và xã hội có một cuộc sống khỏe mạnh? Vậy hãy hành động để có thể bảo vệ cuộc sống của chính bạn và những người xung quanh bằng cách sử dụng thật hợp lý và tiết kiệm nguồn nước.

5. Viết bài về “ Tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của con người” 

Bài tham khảo 1:

Một trong những vấn đề nóng đang được cả xã hội quan tâm nhất hiện nay, đó chính là vấn đề biến đổi khí hậu. Khi cuộc sống của con người ngày một phát triển, sự tác động tới môi trường ngày càng lớn, dẫn tới khí hậu sẽ bị biến đổi khắp toàn cầu. Đây đang là vấn đề rất đáng lo ngại không chỉ của riêng một quốc gia nào mà là của cả nhân loại.

Biến đổi khí hậu có thể được hiểu đó là sự thay đổi về khí hậu, âm thầm ngày ngày diễn ra trong suốt một khoảng thời gian, tác động trực tiếp tới khí hậu, tới môi trường sống của loài người cũng như của hàng nghìn sinh vật khác sinh sống trên trái đất. Biến đổi khí hậu có thể là sự nóng lên của trái đất hoặc nước biển dâng cao do hiện tượng băng tan, cũng có thể đó là sự thay đổi hoạt động trong quá trình hoàn lưu khí quyển…Và những thiên tai mà nhân loại đang phải hứng chịu trước mắt chính là động đất, núi lửa và sóng thần… dẫn tới sự thiệt hại rất lớn cho nhân loại.

Vậy nguyên nhân là do đâu, vì đâu mà dẫn đến biến đổi khí hậu? Đầu tiên phải kể tới chính do sự tác động của con người tới thiên nhiên như việc chặt phá rừng dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân bằng; sử dụng bừa bãi những loại hóa chất và thuốc trừ sâu có hại cho môi trường… rồi chất thải từ công nghiệp được thải ra của những nhà máy sản xuất công nghiệp, khói từ các khu đô thị, giao thông… dẫn tới hiệu ứng nhà kính và sự nóng dần lên của trái đất. Chính con người đã và đang ngày đêm đục khoét cũng như khai thác những nguồn tài nguyên quý giá và làm biến dạng lớp vỏ trái đất. Không chỉ vậy, chiến tranh nổ ra liên miên với khói lửa, bom đạn, vũ khí hạt nhân.., cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của chúng ta. Tất cả sẽ như một ngòi nổ dẫn tới sự giận dữ của thiên nhiên, dẫn tới sự diệt vong của trái đất và loài người vào một tương lai không xa.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của những sinh vật ở trên trái đất, bao gồm cả con người. Những hiện tượng xảy ra liên tiếp nhau gần đây như bão lũ, sóng thần và động đất, núi lửa… đã làm cho chúng ta phải gánh chịu biết bao nhiêu đau thương. Chưa kể tới sự xuất hiện ngày càng nhiều của những căn bệnh lạ mà nền y học thế giới chưa tìm ra được nguyên nhân cũng như phương án chữa trị, tất cả đều vì biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường sống mà ra.

Để ngăn chặn cũng như làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức để bảo vệ trái đất và bảo vệ môi trường sống xung quanh. Mỗi một người chỉ cần có ý thức hơn, sẽ giúp cho trái đất mỗi ngày không phải gánh chịu những tổn hại nặng nề hơn nữa. Ngoài ra nhà nước và các cơ quan chức năng, ban ngành cần phải có những biện pháp cứng rắn, sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ chuyên chặt phá rừng và xả chất thải gây hại cho môi trường không khí cũng như môi trường nước. Tuyên truyền và vận động mỗi cá nhân phải tích cực hơn, có ý thức bảo vệ môi trường sống, để có thể giảm thiểu tối đa những tác hại tới thiên nhiên.

Thật vậy, có thể thấy rằng biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của riêng mỗi chúng ta, mà là của toàn xã hội và toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay để xây dựng và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, cho một tương lai tươi đẹp ở phía trước.

Bài tham khảo 2:

Trong bối cảnh xã hội đang ngày càng phát triển, chúng ta không chỉ quan tâm tới vấn đề kinh tế mà còn dành sự chú ý đặc biệt đến môi trường khí hậu. Trên khắp thế giới, biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu khi ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của chúng ta.

Biến đổi khí hậu của Trái Đất chính là sự thay đổi ở trong hệ thống khí hậu, do cả yếu tố tự nhiên lẫn tác động nhân tạo trong một khoảng thời gian cụ thể nào đó. Nó bao gồm sự nóng lên của trái đất, sự tăng mực nước biển do tan băng, sự thay đổi cường độ của quá trình hoàn lưu khí quyển, và chu trình tuần hoàn nước ở trong tự nhiên, cũng như những hiện tượng như nóng lên toàn cầu hay hiệu ứng nhà kính,...

Những thách thức của biến đổi khí hậu không còn quá xa lạ khi chúng ta thường xuyên được nghe về tăng nhiệt độ trung bình ở nhiều quốc gia. Nhiều hiện tượng kỳ lạ xuất hiện, như tuyết rơi tại sa mạc hoặc nhiệt độ lên tới gần 60 độ C. Số liệu thống kê cho thấy rằng cơn bão ở biển Đông có chiều hướng sẽ gia tăng, mùa bão kéo dài và quỹ đạo của bão cũng không dự đoán được. Trong khi ở Mỹ, lũ lụt kinh hoàng đã gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng tới kinh tế quốc dân.

Đằng sau biến đổi khí hậu chính là sự giải thích cho nhiều hiện tượng ấy. Một phần nhỏ chính là do sự biến đổi của tự nhiên, nhưng phần lớn lại là do con người. Dân số gia tăng, nhu cầu về nhà ở cũng như thực phẩm tăng cao, cùng với quá trình khai thác gỗ một cách không kiểm soát và đốn hạ gỗ rừng quý hiếm. Những nhà máy và xí nghiệp đang xả thải nước chưa thông qua xử lý trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm nặng nề như vụ xả thải của xí nghiệp Formosa tại Hà Tĩnh, Việt Nam. Khói bụi từ xe máy và công nghiệp đã gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Con người chính là nguyên nhân chính của quá trình biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu mang đến quá nhiều hậu quả tiêu cực, từ lụt lội, mất mát rừng, cho đến sự suy giảm đa dạng sinh học và nhiều loại cây quý hiếm đang ở trên bờ vực tuyệt chủng. Đối diện với những thách thức đó, chúng ta cần phải có biện pháp ngăn chặn. Mỗi người cần phải thức tỉnh và đóng góp vào quá trình bảo vệ môi trường: giảm rác thải, trồng nhiều cây xanh, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường,... Chính phủ cũng cần phải thực hiện chính sách khai thác có trách nhiệm đồng thời kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để có thể bảo vệ hành tinh chung của chúng ta.

Trái Đất là ngôi nhà chung của tất cả chúng ta, vì thế, chúng ta cần phải đoàn kết và hành động để có thể bảo vệ nó khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chỉ khi chúng ta đồng lòng thì ngôi nhà này mới có thể giữ được vẻ xanh tươi và tồn tại mãi mãi.

 Trên đây là phần Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (con người trong mối quan hệ với tự nhiên) Văn 9 tập 1 kết nối tri thức của VUIHOC. Hy vọng thông qua những bài viết tham khảo ở trên, các em đã nắm được các ý cần có trong một  bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.

 

HỌC ONLINE CÙNG GIÁO VIÊN TOP 5 TRƯỜNG ĐIỂM QUỐC GIA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học cá nhân hóa, giúp con tăng 3 - 6 điểm chỉ sau 1 khóa học

⭐ Học chắc - ôn kỹ, tăng khả năng đỗ vào các trường chuyên cấp 2, cấp 3 

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo mong muốn và thời gian biểu cá nhân 

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô, hỗ trợ con 24/7  

⭐ Học lý thuyết đi đôi với thực hành, kết hợp chơi và học giúp con học hiệu quả 

⭐ Công nghệ AI cảnh báo học tập tân tiến, giúp con tập trung học tập

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập được biên soạn bởi các thầy cô TOP 5 trường điểm quốc gia

Trải nghiệm khóa học DUO hoàn toàn miễn phí ngay!!
 

 

Ngoài phần soạn bài VUIHOC đã hướng dẫn phía trên, nếu các em có nhu cầu tham khảo thêm về những bài soạn văn khác, thậm chí là những bài soạn khác của môn học khác, các em đừng chần chừ, hãy truy cập ngay vào website chính thức của VUIHOC là vuihoc.vn để tự đăng ký cho bản thân mình những khoá học một cách nhanh nhất và được nghe giảng bài trực tiếp từ những thầy cô giáo có chuyên môn cao và đầy nhiệt huyết của VUIHOC nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

 

Banner after post bài viết tag lớp 9
| đánh giá
Hotline: 0987810990