Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (thể hiện ý kiến phản đối một quan niệm, một cách hiểu khác về vấn đề)| Văn 7 tập 2 kết nối tri thức
Những vấn đề trong đời sống đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận. Cùng tham khảo phần Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (thể hiện ý kiến phản đối một quan niệm, một cách hiểu khác về vấn đề)| Văn 7 tập 2 kết nối tri thức dưới đây của VUIHOC để soạn bài dễ dàng hơn nhé!
Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (thể hiện ý kiến phản đối một quan niệm, một cách hiểu khác về vấn đề)
Đề 1: Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương
Bài tham khảo 1:
“Hồi trước bố mẹ phải tự đi dọn dẹp trường lớp, không có mặt của cô lao công nhưng bố mẹ vẫn giữ cho trường lớp sạch sẽ vì đó chính là trách nhiệm của những học sinh chúng ta”. Đó là lời mà mẹ em vẫn luôn dạy và nhắc nhở chúng em về việc phải tự giác vệ sinh trường lớp. Con người khác với loài vật chính ở đặc điểm là biết giữ gìn vệ sinh không gian sống để có thể bảo vệ sức khỏe, tránh được những bệnh tật, tạo nên một môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Một trong những thói quen cần có với mỗi học sinh là phải biết giữ gìn vệ sinh cho trường lớp. Một hành động nhỏ bé nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tập thể và cộng đồng. Vậy mà em đã nghe được một nhận định mà em cảm thấy vô cùng không đồng tình: “Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công mà đã được nhà trường trả lương.”
Ở trường học, học sinh không phải chỉ cần quan tâm đến chuyện học hành hay sách vở. Mà các em còn phải để ý tới nhiều vấn đề khác nữa. Trong đó, không thể không nhắc tới vấn đề giữ gìn vệ sinh cho lớp học. Đây không phải là vấn đề mới và quá lớn lao. Tất cả các học sinh từ khi mới học lớp một đã được nghe và thực hiện những hoạt động giữ gìn vệ sinh cho trường lớp. Như quét dọn lớp học, lau bàn ghế hay vứt rác vào thùng… Những hành động ấy không chỉ giúp cho trường lớp luôn sạch sẽ, mà còn giúp rèn luyện được tinh thần tự giác và thái độ cho các em học sinh. Tuy đó không phải là việc làm quá khó khăn hay nặng nề, nhưng vẫn có một số các em học sinh chưa để ý và thực hiện đúng với tinh thần chung. Các em đã không tham gia vào việc vệ sinh lớp học, còn vứt rác bừa bãi…
Hành động đó đã khiến cho tinh thần chung của tập thể bị hạ thấp xuống. Khiến cho việc giữ gìn vệ sinh của lớp học gặp cản trở. Đồng thời, dần tạo ra tính cách lười biếng và thiếu nghiêm túc trong hoạt động tập thể. Vì thế, chúng ta cần phải quan tâm đến việc thúc đẩy tinh thần tự giác quan tâm, thực hiện việc giữ gìn vệ sinh lớp học cho mỗi học sinh. Từ những giờ tuyên truyền về ý nghĩa cùng với vai trò của hoạt động giữ gìn vệ sinh, đến phân công và nhắc nhở cụ thể để tạo nên thói quen cho các em. Từ đó, chúng ta sẽ hình thành nên một cộng đồng học sinh có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh lớp học. Giúp rèn luyện cho các em, đồng thời cũng tạo nên một môi trường học tập luôn sạch sẽ và thoáng mát.
Các cô nhân viên lao công đúng là người chịu trách nhiệm chính ở trong việc vệ sinh trường lớp, tuy nhiên mỗi học sinh cũng cần phải có thái độ trân trọng nghề nghiệp và biết ơn người đã giữ vệ sinh cho môi trường học tập. Không những thế, mỗi bạn học sinh cần biết tự giác giữ gìn vệ sinh trong cũng như ngoài lớp học, không được tự ý bầy bừa hay vấy bẩn lớp học. Bởi hơn hết, một lớp học sạch sẽ sẽ tốt hơn cho việc học tập cùng với sức khỏe của chúng ta. Hơn nữa, giữ vệ sinh cũng là hành động đúng đắn và là trách nhiệm của mọi người.
Giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học, xây dựng được môi trường học tập sạch sẽ, thân thiện và an toàn chính là trách nhiệm của mỗi học sinh. Một việc làm nhỏ bé nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cộng đồng.
Bài tham khảo 2:
Con người khác với những loài vật ở đặc điểm là biết giữ gìn vệ sinh không gian sống để có thể tự bảo vệ sức khỏe, tránh được bệnh tật, hình thành môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Một trong những thói quen cần phải có ở mỗi học sinh đó là phải biết giữ gìn vệ sinh trường lớp. Một hành động tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tập thể và cộng đồng. Do đó, chúng ta cần phải bỏ đi suy nghĩ: “Vệ sinh trường học chỉ là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương.”
Vệ sinh trường lớp là hành động giúp giữ gìn và bảo vệ không gian trường học, lớp học khỏi bị nhiễm bẩn, mất vệ sinh hay ô nhiễm bởi những thứ rác thải, chất thải hay vi khuẩn độc hại,...
Vậy vì sao cần phải biết giữ gìn vệ sinh trường lớp? Bởi vì trường học và lớp học là không gian để học sinh học tập và vui chơi. Đây là không gian chung, tập trung rất nhiều học sinh nên cũng dễ bị mất vệ sinh bởi rác thải hay chất thải do thức ăn và đồ đựng thức ăn của các bạn học sinh. Nếu trường học hay lớp học mất vệ sinh sẽ dễ gây ra bệnh cho số đông học sinh, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và học tập. Mặt khác, vì đây là không gian chung cho nên cần phải có ý thức giữ gìn vệ sinh sao cho thật tốt. Mỗi hành vi xả rác hay bỏ rác không đúng nơi quy định đều đáng bị phê bình và khiển trách.
Giữ gìn vệ sinh trường học lớp học tạo nên một không gian học tập trong lành, an toàn và đẹp đẽ. Một trường học tươi xanh hay một lớp học sạch sẽ giúp cho việc học tập được diễn ra thoải mái và hiệu quả; sức khỏe học sinh cũng được bảo vệ và tăng cường, hình thành ý thức vệ sinh cho mỗi bạn học sinh. Giữ gìn vệ sinh trường học hay lớp học chính là trách nhiệm của mỗi học sinh. Mỗi học sinh phải thể hiện được trách nhiệm trước tập thể. Đầu tiên là biết tôn trọng cũng như giữ gìn vệ sinh trường lớp. Hành động ấy phải xuất phát từ ý thức tự giác cũng như trách nhiệm xây dựng tập thể của học sinh. Hơn hết, bạn học biết giữ gìn vệ sinh trường lớp sạch sẽ cũng thể hiện lối sống lành mạnh, tiến bộ và văn minh.
Nhiều bạn học sinh tự cho mình một lối suy nghĩ lệch lạc, rằng việc vệ sinh trường lớp đã có những cô lao công lo liệu. Việc này không hoàn toàn sai, nhưng ỷ lại vào những người nhân viên lao công hay cố tình xả rác, bày bừa ở trong lớp học và cho rằng việc dọn dẹp sạch sẽ đương nhiên là nghĩa vụ của họ thì đây chính là một suy nghĩ và hành động vô cùng thiển cận và đáng phê phán. Mỗi học sinh phải giữ thái độ trân trọng nghề nghiệp, biết ơn những người đã giữ vệ sinh chung cho môi trường học tập. Không những thế, mỗi bạn học sinh cần phải tự giác giữ gìn vệ sinh trong và ngoài lớp học, không được tự ý bầy bừa hay vấy bẩn lớp học. Bởi hơn hết, một lớp học sạch sẽ sẽ giúp cho việc học tập và sức khỏe của chúng ta tốt lên. Hơn nữa, giữ vệ sinh chính là hành động đúng đắn và là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Ngay từ hôm nay, học sinh cần phải nắm được những việc làm giữ gìn vệ sinh trường lớp, tiêu biểu như: Không bôi bẩn, làm bẩn hoặc tô vẽ lên vách tường, bàn ghế và những vật dụng khác ở trường học hay lớp học. Cũng không được mang thức ăn lên lớp, không làm đổ nước ra sàn. Không được vứt rác hay xả rác bừa bãi. Phải tập thói quen bỏ rác vào đúng nơi quy định. Không làm rơi vãi hoặc vứt thức ăn xuống đất. Dọn vệ sinh sạch sẽ trường học, lớp học vào đầu giờ và cuối giờ học. Khi bước vào giờ học thì không mang theo bịch, túi hay bất kỳ loại nước uống có màu và có đường nào bởi nó dễ làm bẩn lớp học. Hết giờ học phải ở lại dọn vệ sinh học bàn. Không được bỏ rác xuống dưới sàn lớp, hộc bàn hay các góc phòng học. Bàn ghế phải được sắp xếp sao cho ngay ngắn. Hãy tập thói quen thấy rác thì nhặt lên bỏ vào thùng rác để cho không gian thêm sạch sẽ. Không e ngại hay xấu hổ mỗi khi nhặt rác. Đó là một hành động rất tốt đẹp, cần phải được tuyên dương, ca ngợi. Tổ chức làm vệ sinh tập thể để có thể cùng nhau bảo vệ và giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học. Tuyên truyền, cổ động và phổ biến ý thức giữ gìn vệ sinh, tạo được thói quen vệ sinh sạch sẽ trong tập thể cũng như trong cả cộng đồng. Tuyên dương, ca ngợi và khen thưởng đối với những học sinh gương mẫu; nhắc nhở, phê bình và khiển trách những học sinh có ý thức vệ sinh còn kém.
Mỗi chúng ta phải có ý thức giữ gìn vệ sinh cho trường học, lớp học. Giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học và xây dựng được môi trường học tập sạch sẽ, thân thiện và an toàn chính là trách nhiệm của mỗi học sinh. Một việc làm tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cộng đồng.
>> Xem thêm: Soạn văn 7 kết nối tri thức
Đề 2: Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích
Bài tham khảo 1:
Học tập luôn là vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm đông đảo của xã hội. Phương pháp học luôn là điều quan trọng đối với mỗi người học. Cũng có câu "Học thầy không tày học bạn". Chính vì vậy các phương pháp học luôn được tìm tòi và sau đó trở thành trào lưu. Có rất nhiều trào lưu phương pháp học đúng đắn ví dụ như việc học trực tuyến. Đây là một phương pháp học vô cùng phù hợp với sự phát triển của nền giáo dục ngày nay. Nhưng bên cạnh những phương pháp học tiến bộ và phù hợp ấy vẫn có lối học chưa tốt. Cụ thể là tình trạng học lệch và ôn thi lệch của học sinh ngày nay.
Học lệch ôn thi lệch đó là học và ôn thi chỉ tập trung vào một vài môn cụ thể mà không quan tâm tới những môn khác. Tình trạng ấy xảy ra phổ biến nhất tại bậc trung học phổ thông. Bởi với bậc trung học phổ thông kỳ thì thi vào đại học là quan trọng nhất. Và kì thi đại học được thi phân loại theo nhiều nhóm môn học khác nhau. Giáo dục Việt Nam có những khối học truyền thống như A(Toán, Lý, Hóa); B(Toán, Hóa, Sinh); C(Văn, Sử, Địa); D(Toán, Văn, Anh). Một vài khối học, tổ hợp môn học mới như là A1(Toán, Lý, Anh), (Toán, Hóa, Anh)…. Chính vì vậy mà học sinh cấp ba thường chỉ tập trung vào khối thi đã lựa chọn của mình và sao nhãng những môn học còn lại có trong chương trình cơ bản của phần giáo dục bắt buộc theo quy định của Bộ giáo dục hiện nay. Nhưng vấn đề là việc học lệch hay ôn thi lệch không hề đem đến hậu quả ngay tức khắc. Ngược lại, nó còn có thể mang đến kết quả tốt đẹp. Việc học lệch và ôn thi lệch còn mang lại kết quả tốt hơn so với việc học các môn đồng đều. Khả năng của con người có hạn và người học cũng như vậy. Việc học lệch và ôn thi lệch tạo một điều kiện lý tưởng để người học có thể tập trung nhiều thời gian nhất và đem lại hiệu quả tốt nhất cho môn học ấy. Chính vì lý do đó mà tình trạng học lệch vẫn cứ tiếp diễn mặc dù nhà trường đã có khá nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này. Bởi vậy, giảm tình trạng học lệch luôn chính là vấn đề nan giải và đau đầu đối với nhà trường cũng như những nhà phát triển giáo dục. Việc học lệch có thể mang đến kết quả tốt ngay tức thì nhưng hậu quả để lại của nó là mãi về sau này. Học lệch, tập trung vào một vài môn học sao nhãng, lơ là các môn học khác làm cho bạn bị thiếu hụt đi kiến thức.
Không phải ngẫu nhiên mà người phát triển nền giáo dục và quản lý hoạt động giáo dục lại có sự sắp xếp, lựa chọn chương trình với các môn học. Tất cả các môn học đều có lợi cho sự phát triển về mặt tri thức một cách đồng đều. Việc học lệch có thể làm lu mờ đi tầm quan trọng của những môn học khác. Nhưng tôi dám khẳng định với bạn rằng, chắc chắn vào một ngày nào đó bạn phải sử dụng tới những kiến thức mà bạn đã từng lãng quên đó. Không cần phải xa xôi ở đâu cả. Ngay khi bạn đi học đại học, những kiến thức mà có thể bạn đã từng lãng quên đó là hành trang không thể thiếu nhằm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của bạn. Ngoài ra việc học lệch ôn thi lệch còn khiến cho não bộ cũng phát triển không đồng đều. Nguyên nhân của tình trạng ấy có rất nhiều. Cũng có nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan đó là do người học không quyết tâm, không cố gắng hay không học đúng nghĩa của người học. Họ học không đúng nghĩa, không đam mê tìm tòi học hỏi với mục đích là phát triển trí tuệ. Họ chỉ học bởi vì bố mẹ cho đi học chỉ học như một việc quá đỗi bình thường. Với thái độ học tập như thế nên việc học đều là điều khó có thể xảy ra.
Nguyên nhân khách quan chính là do phương pháp giảng dạy của các giáo viên chưa tạo được nhiều hứng thú cho học sinh. Giáo viên chưa truyền tải hết được nhiệt huyết của mình với môn học khiến cho học sinh không cảm thấy yêu, không còn nhiệt huyết với môn học khiến cho việc học lệch ngày càng trở nên gia tăng. Không hứng thú với môn học cho dù là do nguyên nhân nào đi nữa cũng là tác nhân chính gây ra hiện tượng học lệch và ôn thi lệch. Trước tình trạng ấy, mọi người và đặc biệt là người quan tâm tới giáo dục nước nhà luôn tìm cách để có thể khắc phục chúng. Như cải cách, đổi mới các phương pháp giảng dạy và thi cử. Khẳng định rõ về vai trò và vị trí của những môn học nền tảng còn lại. Không còn đặt suy nghĩ đối với học sinh khái niệm môn phụ môn chính, tạo điều kiện cho học sinh được học đều và toàn diện. Học lệch và ôn thi lệch cũng giống như việc cái cây lớn lên mà không đủ rễ. Nó vẫn có thể sống được nhưng không thể nào phát triển khỏe mạnh như những cái cây khác cùng loài. Học lệch và ôn thi lệch không thể giúp cho người học phát triển về mặt trí tuệ một cách toàn diện. Không đạt được điều đó, ta vẫn chưa thể nào đạt được mục đích thật sự của việc học hỏi. Với phương chân là phát triển một cách toàn diện, chúng ta cần nhận rõ được ý nghĩa cũng như hiểm họa mà việc học lệch có thể gây ra. Học sinh nên cần được nền giáo dục nhận thức hàng ngày để hiểu rõ mình đi học với mục đích gì? Nhận thức được điều ấy tự khắc nội dung trong chương trình học tập sẽ được học sinh tiếp thu và tìm hiểu một cách khoa học nhất. Không phải chỉ có học lệch và ôn thi lệch mới đem lại kết quả cao nhất trong học tập. Đã có rất nhiều tấm gương học tập đều học xuất sắc. Không cần phải đi tìm kiếm tấm gương ấy ở đâu xa. Trong lớp học của bạn chắc chắn sẽ có không ít những bạn học đều giỏi tất cả các môn học. Vậy thì tại sao những người khác lại phải chọn lựa con đường học và ôn lệch. Thiết nghĩ điều ấy là không cần thiết. Hãy để kiến thức ở trên trường lớp là hành trang quý báu giúp bạn bước vào đời.
Học lệch và ôn thi lệch là một phương pháp không phù hợp. Trái lại với học lệch và ôn thi lệch đó là học đồng đều với đam mê tiếp thu được kiến thức một cách đầy đủ và tối ưu nhất. Như tôi đã nói ở phía trên, học lệch giống như cái cây sống mà không đủ rễ vậy. Không đủ rễ không chỉ không phát triển được vượt trội mà còn dễ bị quật ngã trước những bão táp sóng gió của cuộc đời. Kiến thức và tri thức không bao giờ là thừa thãi. Hãy cố gắng để lấp đầy nó và tự tin bước trên con đường mình đã chọn.
Bài tham khảo 2:
Từ xưa tới nay, môn Ngữ Văn luôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đạo học. Văn chương giúp cho đời sống tinh thần của con người thêm phần phong phú hơn, giúp ta có thể ứng xử lịch sự và văn minh hơn. Nhưng bây giờ chúng ta đang bước tiếp vào thế kỉ XXI-thế kỉ của khoa học, công nghệ hiện đại- vì thế vị trí của môn Ngữ Văn trong các trường cũng bị suy giảm. Nhiều phụ huynh học sinh thích chạy theo các môn học thời thượng như môn tự nhiên: Toán, Lí, Hóa hay môn xã hội Anh, Tin học mà không thích con mình theo học môn Văn, vì theo tư tưởng của họ cho rằng thế kỉ XXI chính là thế kỉ hiện đại, các quốc gia hay dân tộc đang cố gắng phát triển để có thể hội nhập với toàn thế giới. Là một học sinh đang cắp sách tới trường như em không đồng tình với họ.
Văn chương là một phần không thể nào thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Trong xã hội phong kiến thời xưa, văn chương được chọn là môn thi duy nhất để các sĩ tử có thể khẳng định mình trong các khoa thi. Đã có rất nhiều người thành đạt khi đi trên con đường văn chương như đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Hồ Xuân Hương…Họ đã để lại sự nghiệp văn chương vô cùng đồ sộ khi ai từng đọc qua thì vẫn thấy cảm động, ngưỡng mộ và thông cảm cho cuộc đời của những người nông dân sống dưới thời phong kiến và lên án bọn địa chủ độc ác.
Còn trong xã hội ngày nay, việc học Ngữ Văn càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Nhất là trong trường học, nó giúp cho con người nhận thức được cái hay và cái đẹp chuẩn mực trong cuộc sống. Vì văn học là những tinh hoa văn hoá nhân loại, được lưu truyền những cái tốt đẹp của con người qua nhiều thời đại. Văn chương dẫn chúng ta vào một thế giới mà sự cho đi lại không đòi hỏi sự đáp lại. Văn chương chân chính dù có ở bất kì thời đại nào cũng đều đề cao tình yêu thương, lòng nhân ái cùng sự công bằng. Giúp em nhận thấy được thế giới này sẽ đẹp hơn nhiều từ những thứ giản dị nhất, có bản lĩnh, ứng xử, có suy nghĩ, lối sống đúng đắn và lành mạnh. Chẳng hạn đọc tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, ta thấy được một bức tranh về xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công đen tối. Hay là đọc bài thơ Bánh trôi nước của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, ta lại cảm thấy được số phận vô cùng lênh đênh chìm nổi của người phụ nữ…
Không những thế văn chương còn khiến cho thế giới ngôn ngữ của mỗi con người thêm phần phong phú hơn và trong sáng hơn. Nó trau dồi lời ăn, tiếng nói của mỗi con người ở trong cuộc sống hằng ngày.
Mỗi môn học, mỗi một lĩnh vực đều có cho mình một sứ mệnh riêng của nó. Đi sâu vào đời sống tình cảm của con người, làm cho thế giới tình cảm phong phú hơn, sâu sắc hơn và nhạy cảm hơn cho tâm hồn, cho trái tim của mỗi con người khi rung lên là sứ mệnh của văn chương.
Như vậy văn chương không thể thiếu được trong cuộc sống xưa và nay. Thế mà trong xã hội hiện nay, việc học Văn lại bị xem nhẹ. Nếu như vào một ngày nào đó, môn Văn sẽ dần dần bị lãng quên thì xã hội của chúng ta sẽ vô cùng buồn tẻ, nhàm chán và khô khan, hạn hẹp đến thế nào?
Chẳng hạn, một người thành đạt với bộ môn khoa học tự nhiên kiếm được rất nhiều tiền hoặc một bạn nói tiếng Anh như gió, giao tiếp với người nước ngoài vô cùng lưu loát, trôi chảy nhưng lúcgiao tiếp với người Việt thì ấp a ấp úng, từ ngữ khi giao tiếp cũng thiếu độ chính xác. Vì sao lại vậy? Vì bạn không có nhiều vốn hiểu biết về văn chương, vốn từ không được phongphú, có khi họ chỉ muốn được xuất ngoại nên họ đã không còn tôn trọng nền văn học văn hóa Việ Nam. Có rất nhiều bạn phải tốn đến hàng tiếng đồng hồ để viết được một bức thư cho người thân. Ở thời đại này đã xuất hiện những máy vi tính, họ có thể làm việc, viết thư, đánh chữ thay cho việc viết chữ bằng tay. Nhiều người cho rằng đánh máy cho nhanh và kiểu chữ trên máy tính dễ đọc, dễ nhìn hơn so với viết tay. Trên mạng thì có thêm các ngôn ngữ “chat” mà nhiều bạn trẻ hiện nay còn đang ưa chuộng. Em cũng là giới trẻ nên cũng nằm ở trong trường hợp trên. Nó có thể viết nhanh và gọn nhưng nó lại làm cho chúng ta dần dần quên đi thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Vì vậy, Văn học dạy cho em biết yêu quý tiếng nói của dân tộc mình, đất nước mình vì đó chính là nguồn cội của mỗi con người dân Việt. Làm em nhớ đến những bài thơ về chữ cái vào lần đầu tiên mà em tập viết:” o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì có râu”…Cho nên Văn học vô cùng quan trọng nếu không chúng ta sẽ bị rơi vào bi kịch như một nhà văn Mê-hi-cô đã từng nói như sau: Bi kịch của thời đại chúng ta là thừa trí tuệ và thiếu tâm hồn. Chúng ta phải công nhận rằng các môn Toán, Lí, Hóa, Anh, Tin học cũng rất quan trọng trong xã hội ngày nay nhưng đừng vì vậy mà xem thường môn Văn.
Môn Văn là môn thuộc vào nhóm công cụ, học Văn tốt sẽ có tác động rất tích cực đến các môn khác. Chẳng hạn như là muốn soạn thảo một văn bản bạn phải có thêm vốn hiểu biết Ngữ Văn, học tốt phần Tiếng Việt và Tập làm văn trong ghế nhà trường. Do lối sống và suy nghĩ thực dụng của học sinh, phụ huynh muốn cho con em mình học bộ môn đó để làm ra tiền hay do đội ngũ giáo viên dạy nghề càng thiếu tâm huyết, nhiều thầy cô là do có gánh nặng cuộc sống đã làm mất đi niềm say mê văn học vốn có. Trường học thì chưa có sự đầu tư, bồi dưỡng giáo viên, chưa có bất cứ hoạt động ngoại khóa văn chương để thu hút học sinh và sinh viên… Đó là nguyên nhân đẫn tới hiện tượng học sinh và sinh viên không thích học Văn.
Nếu như thế thì cần có sự quan tâm hợp sức của xã hội nhất là ở trong gia đình, nhà trường hướng học sinh chú ý tới vai trò và ý nghĩa của việc học Văn. Cần có những giải thưởng tôn vinh tài năng văn học của một vài học sinh yêu thích bộ môn này. Mở rộng ngành nghề cho khối thi những bộ môn xã hội… Đó là một số phương pháp giúp cho việc học Văn của bạn trẻ hiện nay trở nên tốt hơn, phát triển hơn.
Như thế, văn chương là một phần rất tất yếu trong cuộc sống, giúp được chúng ta trong mọi lĩnh vực. Vì thế, các bạn và các bậc phụ huynh đừng coi nhẹ môn Văn. Đừng có nghĩ một cách nông cạn là cho rằng môn Ngữ Văn là không cần thiết và không ứng dụng nhiều trong xã hội hiện nay.
Khóa học DUO cung cấp cho các em nền tảng kiến thức vững chắc, bứt phá điểm 9+ trong mọi bài kiểm tra trên lớp.
Đề 3: Tắt thiết bị điện trong Giờ Trái Đất chỉ là việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng tiết kiệm điện được bao nhiêu
Bài tham khảo 1:
Trái Đất đang ngày một nóng lên, nhiều hiện tượng như thiên tai, hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường đang đe dọa tới sự sống của con người trên trái đất. Mà nguồn gốc của tất cả các hiện tượng trên chủ yếu đều do con người, ý thức và hành động của con người đã khiến cho Trái đất ngày càng biến đổi theo một chiều hướng tiêu cực. Giờ Trái Đất chính là hành động giúp kêu gọi mọi người hãy tiết kiệm năng lượng và không được lãng phí. Chúng ta không nên có suy nghĩ là: “Tắt thiết bị điện trong Giờ Trái Đất chỉ là việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng thể tiết kiệm điện được bao nhiêu.” bởi thật sự thì lợi ích của Giờ Trái Đất đem lại là rất lớn.
Ra đời vào năm 2007 ở Australia, Giờ Trái đất cho đến nay vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ và xem là hành động ý nghĩa, thiết thực nhất để có thể bảo vệ trái đất, bảo vệ được chính cuộc sống của mỗi chúng ta.
Lấy tên gọi giờ Trái Đất, chỉ một giờ trong 24 giờ của một ngày trong một năm. Mặc dù tuy ít ỏi nhưng nó lại có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn đóng góp vào công cuộc bảo vệ Trái đất.
Giờ trái đất diễn ra trong vòng 1 tiếng, yêu cầu các gia đình, tổ chức, cơ quan, xí nghiệp đồng loạt phải cắt điện trong vòng 1 giờ đồng hồ để có thể tiết kiệm năng lượng điện. Giờ trái đất sẽ được diễn vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng ba, kêu gọi tất cả mọi người cùng nhau tiết kiệm vì chính cuộc sống của mỗi chúng ta sau này.
Hiện nay trên thế giới nhiều hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, thủng tầng ozon, hoặc chính tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng ngày nay là một trong những biểu hiện rất rõ nét cho những chuyển biến tiêu cực của Trái Đất. Những biểu hiện ấy sẽ khiến cho cuộc sống của mọi người bị đe dọa và đứng bên bờ vực thẳm.
Hằng năm có rất nhiều nạn thiên tai xảy ra mà không báo trước, và càng ngày diễn ra với mật độ dày đặc hơn. Chính ý thức và hành động của con người cũng gián tiếp tác động vào những hệ quả tiêu cực như ngày nay. Mỗi người trong một cộng đồng cần phải có ý thức và trách nhiệm để bảo vệ trái đất, chính là việc bảo vệ được cuộc sống của mỗi người. Vì trái đất chính là nơi để mỗi người có thể tồn tại cũng như phát triển như hôm nay.
Giờ trái đất hằng năm có một thông điệp riêng muốn nhắn gửi đến mọi người nhưng thông điệp chung đó là kêu gọi mọi người hãy tiết kiệm, hãy chung tay để bảo vệ môi trường và bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Chỉ 1 tiếng đồng hồ nhưng chúng ta đã có thể tiết kiệm được rất nhiều năng lượng điện, giúp ích cho trái đất rất nhiều, hạn chế được quá trình bùng phát không đáng có của nhiều sự cố. Chỉ một tiếng nhưng chúng ta đã có thể khiến cho Trái Đất có thể được yên bình và không vết nứt. Chỉ trong một giờ ngừng sản xuất, ngừng chạy điện chúng ta đã có thể ngăn chặn được sự xả thải bừa bãi của các doanh nghiệp và môi trường sẽ trở nên trong lành hơn.
Giờ trái đất đối với mỗi quốc gia đều mang ý nghĩa rất lớn, cần được tuyên truyền và ủng hộ. Ở nước ta vào mỗi thứ 7 của tháng ba cả nước đều hưởng ứng hành động ấy. Tổ chức rất nhiều chương trình tình nguyện, vui chơi và ca hát thắp nến thay cho việc thắp đèn điện. Những chương trình ấy đã thu hút và nhận được rất nhiều hưởng ứng. Một số ví dụ như trước khi chuẩn bị Giờ trái đất, nhiều tổ chức đã phát động việc đạp xe để tuyên truyền đến mọi người thông điệp bảo vệ Trái đất hiện nay như hạn chế việc sử dụng túi nilon, xả thải đúng nơi quy định và giảm tiếng ồn…
Để có thể thực hiện được thành công giờ trái đất thì yêu cầu mỗi người hay mỗi cá nhân cần có ý thức chung tay cùng nhau bảo vệ trái đất, xây dựng một trái đất lành mạnh. Chúng ta hãy biến những suy nghĩ của mình thành hành động để có thể bảo vệ được trái đất. Là những người trẻ, năng động và là chủ nhân tương lai của đất nước, ngay từ giờ hãy học cách biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Những hành động tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần vào công cuộc bảo vệ thế giới ngày càng bình yên hơn.
Như vậy giờ trái đất đối với mỗi quốc gia mang ý nghĩa rất to lớn, quyết định tới sự trường tồn của Trái Đất trong những năm sắp tới. Vì thế mà quan điểm “tắt thiết bị điện trong Giờ Trái Đất chỉ là việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng thể tiết kiệm điện được bao nhiêu” là hoàn toàn sai lệch và chưa thật sự mang tính chất xây dựng. Tuyên truyền và vận động hưởng ứng giờ trái đất là điều mà mỗi chúng ta cần phải làm.
Bài tham khảo 2:
Giờ Trái Đất là một sự kiện vô cùng ý nghĩa. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007 do Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF phát động ở thành phố Sydney, Australia, Giờ Trái Đất cho đến nay đã trở thành một sự kiện với đầy ý nghĩa lôi cuốn hàng triệu người dân tham gia. Bởi vậy, nếu xuất hiện ý kiến cho rằng sự kiện ấy hoàn toàn không có ý nghĩa, không giúp ích được gì cho Trái Đất, thì đây chính là một suy nghĩ vô cùng sai lầm.
Giờ Trái Đất được tổ chức mỗi năm vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3. Trong ngày này, các thành phố trên thế giới khi đăng ký tham gia vào Giờ Trái Đất sẽ lần lượt tổ chức việc tắt điện từ 20 giờ đến 21 giờ theo giờ địa phương. Không chỉ mang ý nghĩa trong việc giảm lượng điện mà Giờ Trái Đất còn đề cao việc tiết kiệm điện năng nói riêng cũng như năng lượng nói chung.
Hiện nay, dưới sự khai thác và sử dụng tài nguyên lãng phí của con người, nhiều tài nguyên cũng đang dần cạn kiệt. Mặt khác, lượng khí thải trong môi trường đang gia tăng, làm phá huỷ tầng ozon, gây nên hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên gây ra một loạt những biến đổi về khí hậu. Giờ Trái Đất ra đời với một câu khẩu hiệu: “Chỉ với một hành động nhỏ bạn đang chung tay cứu cả thế giới” nhằm nâng cao ý thức của người dân về tiết kiệm điện cũng như các nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Thông điệp của Giờ Trái Đất mang đến ý nghĩa nhân văn và đã dần lan rộng dần ra toàn thế giới. Nhiều quốc gia đăng ký tham gia đã cho thấy rằng có rất nhiều người ủng hộ và hưởng ứng.
Đó chính là khẩu hiệu của Giờ Trái Đất cùng với câu trả lời cho những ai đang băn khoăn về việc mình sẽ làm gì cho hành tinh này. Hãy tắt đèn, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải ra môi trường, là chúng ta đang cùng nhau bảo vệ cho trái đất thân yêu! Đồng thời Giờ Trái Đất còn cho mỗi người nhận ra một điều rằng mình không hề đơn độc, không hề lẻ loi. Ta biết rằng trong thế giới rộng lớn có nhiều con người bằng những hành động nhỏ bé của mình đang cùng với nhau giữ lấy màu xanh cho Trái Đất. Chính vì thế, Giờ Trái Đất không chỉ là 60 phút tắt đèn của toàn thế giới. Hơn thế nó thực sự là 60 phút vô cùng lung linh. Lung linh vì loài người đã và đang ý thức được trách nhiệm của bản thân trước những lời kêu gọi ngày càng khẩn thiết của Trái Đất.
Giờ Trái Đất ra đời với mục đích vô cùng cao cả, tuy nhiên cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Trong khoảng thời gian diễn ra Giờ Trái Đất, đã có rất nhiều ngọn nến được thắp lên để sử dụng nhằm ủng hộ đồng thời cũng là để thay thế những vật dụng phát sáng bằng điện trong gia đình. Nhưng số lượng nến thắp lên quá lớn cũng khiến cho nhiệt độ trở nên tăng cao. Đồng thời, các loại rác thải: bằng rôn, khẩu hiệu … để tuyên truyền Giờ Trái Đất là những loại rác rất khó phân hủy. Nhiều người chỉ tham gia Giờ Trái Đất theo trào lưu và sau đó lại tiêu thụ điện năng một cách thái quá. Điều đó đang đi ngược lại với những gì mà Giờ Trái Đất đem lại.
“Tắt thiết bị điện trong Giờ Trái Đất chỉ là việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng thể tiết kiệm điện được bao nhiêu.” Là một quan niệm sai lệch. Giờ Trái Đất mang lại ý nghĩa thiết thực với nhân loại. Tuy nhiên, bằng ý thức của chính mình, chúng ta cần phải tự giác với hành động của bản thân chứ không được chờ đợi một sự kêu gọi hay một lời tuyên truyền.
Đề 4: Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó
Bài tham khảo 1:
Trong mỗi người chúng ta, sự nhận thức về việc đọc sách như một phương tiện để giúp mở rộng kiến thức, định hình vai trò cũng như vị thế trong hành trình học vấn là vô cùng quan trọng. Chu Quang Tiềm đã chia sẻ quan điểm như sau: "Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn." Qua đó, ta nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc đọc sách. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng viết và vẽ vào sách vở ngày càng trở nên phổ biến hơn. Một số bạn học có quan điểm là: "Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền ra mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết hoặc vẽ vào đó." Em nghĩ quan điểm này cũng có ý đúng, nhưng cũng có những điểm chưa phù hợp.
Sách không chỉ là nơi để lưu trữ tri thức, mà còn là kho tàng tinh hoa trí tuệ của con người qua rất nhiều thế hệ. Nó như một người bạn và một vật phẩm vô giá của nhân loại. Hiện nay, việc xuất bản sách đang ngày càng gia tăng với đủ những thể loại khác nhau, mang lại lợi ích đa chiều đối với cuộc sống con người. Đọc sách đã trở thành một đặc điểm văn hóa vô cùng quan trọng và nhân văn.
Ở cấp phổ thông, sách giáo khoa thể hiện được nội dung cụ thể của chương trình giáo dục. Trên thế giới, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau dành cho một môn học. Ở Việt Nam thì lại chỉ có một bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học. Nội dung của sách giáo khoa được xây dựng dựa theo hệ thống kiến thức khoa học, chính xác và theo nhiều cấp độ logic khác nhau. Đọc sách giáo khoa không chỉ giúp chúng ta nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện được kỹ năng. Logic của nội dung kiến thức và kỹ năng là hết sức quan trọng để định hình được phương pháp giảng dạy môn học.
Đọc sách mang đến nhiều lợi ích mà không thể nào kể hết. Thay vì mất hàng trăm năm để có thể tìm kiếm và ghi chép thông tin, chúng ta chỉ cần đến vài giờ thông qua việc đọc sách. Đó chính là con đường ngắn nhất, nhưng quan trọng nhất là để tích lũy và nâng cao tri thức và kinh nghiệm. Sách là bậc thang dẫn tới thành công trong cuộc sống, giúp hoàn thiện được kiến thức đã học. Sách là người bạn thân thiết, gắn bó suốt đời và luôn cần thiết dù công nghệ có phát triển đến đâu. Sách còn là hành trang kiến thức để chuẩn bị cho một "cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện được thế giới mới". Nếu không biết kế thừa những thành tựu ở trong quá khứ, ta sẽ không thể đạt được những thành tựu mới.
Học sinh, sinh viên đang học phổ thông hay đại học là lứa tuổi quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước nên cần phải đọc sách. Nên chia sách ra làm hai loại chính là sách phổ thông và sách chuyên sâu. Đối với sách phổ thông, nên xem là tóm lược kiến thức học tập rồi sau đó nâng cao qua sách chuyên sâu. Đây là cách đọc sách có hệ thống để giúp suy nghĩ tư duy và nắm rõ được vấn đề.
Trong quá trình đọc sách, việc viết, đánh dấu và ghi chú vào sách là thói quen khó tránh khỏi của khá nhiều người. Tuy nhiên, việc viết và vẽ vào sách có thể tạo ra sự khó khăn khi sử dụng lại sách, đặc biệt khi 35% học sinh tại Việt Nam sử dụng lại sách từ những người khác. Mặc dù, trong đổi mới giáo dục, việc viết và ghi chú vào sách cũng được coi là một trong những phương pháp học tập hiệu quả. Việc này vẫn còn gây tranh cãi với những người cho rằng viết và vẽ có thể làm giảm bớt đi giá trị của sách vở. Tuy nhiên, nếu viết và vẽ có mục đích học tập, ghi chú nhanh vào trong sách, đây là một hành động hợp lý để có thể hỗ trợ quá trình học. Ngược lại, nếu học sinh viết và vẽ những hình ảnh không có sự liên quan, xuyên tạc nội dung sách, đây lại là hành động không được khuyến khích
Như vậy, sách là tài sản vô cùng quý giá của mỗi người, mỗi người có cách sử dụng và bảo quản khác nhau. Mặc dù sách là tài sản cá nhân, nhưng việc giữ cho sách sạch đẹp, phù hợp với mục đích học tập chính là cách tôn trọng tri thức và nội dung của sách.
Bài tham khảo 2:
Ai trong mỗi chúng ta đều phải biết đọc sách để mở mang kiến thức, vì thế vai trò và vị trí của nó ở trong con đường học vấn là vô cùng quan trọng. Chu Quang Tiềm đã khuyên dạy chúng ta một điều rằng: “Học vấn không chỉ là việc đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng trong học vấn”. Từ đó ta thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách, tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, hiện tượng viết vẽ vào sách vở ngày càng nhiều, một số bạn lại có tư tưởng: “Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, chở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết hoặc vẽ vào đó.” Em nghĩ quan điểm ấy có ý đúng nhưng cũng có nhiều điểm còn chưa phù hợp.
Sách là nơi con người ta lưu trữ lại toàn bộ những tri thức, những tinh hoa trí tuệ của con người về nhiều mặt của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó như một người bạn hay một vật phẩm vô giá của nhân loại. Ngày nay, số lượng sách ngày càng nhiều với đủ những thể loại khác nhau giúp ích cho con người về nhiều mặt trong cuộc sống. Và việc đọc sách đã dần trở thành một nét đẹp văn hóa vô cùng nhân văn.
Ở cấp phổ thông, sách giáo khoa chính là sự thể hiện những nội dung cụ thể trong chương trình phổ thông. Trên thế giới, có rất nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được biên soạn cho cùng một môn học. Tại Việt Nam, hiện tại chỉ tồn tại duy nhất một bộ sách giáo khoa cho một môn học. Kiến thức trong sách giáo khoa là một hệ thống kiến thức vô cùng khoa học, chính xác, theo nhiều cấp độ logic chặt chẽ khác nhau. Ngoài phần kiến thức, sách giáo khoa còn có phần nội dung về việc rèn luyện các kỹ năng. Nội dung kiến thức cũng như nội dung về rèn luyện những kỹ năng được gia công về mặt sư phạm cho phù hợp với trình độ của học sinh và thời gian học tập. Logic của nội dung kiến thức cùng với phần nội dung về rèn luyện những kỹ năng là các yếu tố chủ yếu trong việc định hướng lựa chọn ra phương pháp giảng dạy môn học.
Đọc sách đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích mà ta không thể nào kể hết. Đầu tiên, thay vì chúng ta phải mất thêm mấy trăm năm cho công cuộc tìm kiếm và ghi chép những thông tin cần tìm, thì ta chỉ phải mất vài giờ thông qua việc đọc sách. Qua đó, đọc sách là con đường ngắn nhất nhưng cũng không kém phần quan trọng để tích lũy, lĩnh hội và nâng cao kinh nghiệm, vốn tri thức mà người xưa đã lưu truyền lại. Sách chính là bậc thang giúp đưa chúng ta tới với thành công trong cuộc sống. Sách giúp ta hoàn thiện được kiến thức phổ thông đã học. Sách là người bạn thân thiết và gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời, luôn cần thiết cho nhân loại cho dù khoa học kỹ thuật hay công nghệ có phát triển và ngày càng trở nên hiện đại đến đâu. Không những thế, sách còn là hành trang kiến thức giúp con người chuẩn bị cho một “cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới”. Ta không thể thu được những thành tựu mới nếu như không biết kế thừa những thành tựu của những thời kỳ đã qua.
Những học sinh và sinh viên đang học phổ thông, đại học là lứa tuổi góp phần phát triển đất nước cho nên rất cần phải đọc sách. Trong quá trình đọc nên biết chia sách ra làm hai loại chính: sách phổ thông và sách chuyên sâu. Đối với sách phổ thông, ta nên đọc một cách tóm lược tất cả những kiến thức trong quá trình học tập, để rồi nâng cao chúng thông qua việc xem sách chuyên sâu. Đó là cách đọc sách có hệ thống giúp cho học sinh, sinh viên suy nghĩ tư duy và nắm rõ được vấn đề.
Trong quá trình đọc sách, việc viết và đánh dấu, ghi chú vào sách chính là thói quen khó tránh khỏi của nhiều người, tuy nhiên viết hay vẽ vào sách vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian vừa qua. Việc viết vẽ vào sách sẽ khiến cho việc sử dụng lại sách cũ, tái sử dụng sách cho mục đích khác bất tiện hơn, bởi 35% học sinh tại Việt Nam có kết quả khảo sát về việc sử dụng lại sách cũ từ anh chị hoặc sách vở được cho tặng, quyên góp,… Tuy nhiên, trong đổi mới giáo dục, việc viết, ghi chú hay đánh dấu nhanh vào sách vở cũng được coi là một trong những phương pháp học tập vô cùng khoa học và hiệu quả. Hơn nữa, nhiều học sinh cho rằng mình chỉ sử dụng đến sách một lần nên việc viết và vẽ hay không nằm ở quyền của những người sử dụng sách. Chính vì thế, ý kiến này vẫn tạo ra những cuộc tranh luận trái chiều và không đồng nhất quan điểm. Theo em, nếu viết, vẽ nhằm mục đích học tập, ghi chú nhanh vào trong sách vở thì đây là một hành động phù hợp để hỗ trợ cho việc học. Ngược lại, nếu học sinh viết và vẽ những hình ảnh không liên quan tới bài học, không đúng với thuần phong mĩ tục, những câu chữ với mục đích xuyên tạc nội dung sách thì đây là việc không được phép làm, không được khuyến khích.
Như vậy, sách là tài sản vô cùng quý giá của mỗi người, ai cũng có cách sử dụng và bảo quản riêng. Tuy sách là tài sản cá nhân, nhưng việc giữ cho sách sạch đẹp, phù hợp với mục đích học tập là một cách để tôn trọng kiến thức, tôn trọng những nội dung đã được in ấn trên sách.
HỌC ONLINE CÙNG GIÁO VIÊN TOP 5 TRƯỜNG ĐIỂM QUỐC GIA
Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:
⭐ Xây dựng lộ trình học cá nhân hóa, giúp con tăng 3 - 6 điểm chỉ sau 1 khóa học
⭐ Học chắc - ôn kỹ, tăng khả năng đỗ vào các trường chuyên cấp 2, cấp 3
⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo mong muốn và thời gian biểu cá nhân
⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô, hỗ trợ con 24/7
⭐ Học lý thuyết đi đôi với thực hành, kết hợp chơi và học giúp con học hiệu quả
⭐ Công nghệ AI cảnh báo học tập tân tiến, giúp con tập trung học tập
⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập được biên soạn bởi các thầy cô TOP 5 trường điểm quốc gia
Trải nghiệm khóa học DUO hoàn toàn miễn phí ngay!!
Trên đây là những bài tham khảo thuộc những đề bài khác nhau khi Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (thể hiện ý kiến phản đối một quan niệm, một cách hiểu khác về vấn đề). Thông qua những bài viết tham khảo ấy, hy vọng các em có thể biết cách làm dạng bài này một cách thành thạo. Ngoài bài soạn ở trên, khi muốn tham khảo những bài soạn văn khác hay kể cả những bài soạn khác ở trong môn học khác, các em đừng chần chừ truy cập ngay vào website chính thức của VUIHOC là vuihoc.vn để đăng ký cho mình khoá học nhanh chóng và được nghe giảng giải trực tiếp từ những thầy cô giáo chuyên nghiệp và nhiệt huyết của VUIHOC nhé!
>> Mời bạn tham khảo thêm: