img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

Tác giả Hoàng Uyên 14:39 30/11/2023 9,358 Tag Lớp 11

Trong bài viết này, VUIHOC sẽ hướng dẫn cho các bạn soạn bài Viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận trong sách giáo khoa Chân trời sáng tạo 11 tập 2 cùng với phần thực hành viết để có thể nắm chắc hơn kiến thức, cùng theo dõi nhé!

Soạn bài viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận: Ngữ liệu tham khảo

1.1 Câu 1 trang 102 SGK Văn 11/2 chân trời sáng tạo 

Nhận xét của bạn về cách mở đầu và kết thúc của văn bản.

Lời giải chi tiết:

Mở đầu và kết thúc của văn bản Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được viết theo phong cách trực tiếp, đúng với yêu cầu cơ bản của kiểu bài văn thuyết minh:

- Bắt đầu bằng việc giới thiệu về tác phẩm, người đọc, và các thông tin liên quan một cách rõ ràng và cụ thể. Mục tiêu là tạo sự thân thiện và gần gũi với độc giả, giúp họ dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ nội dung của tác phẩm

- Kết bài: khẳng định được giá trị của tác phẩm và đối tượng được thuyết minh, giúp người đọc có thể dễ dàng tóm tắt, tổng hợp lại được những nội dung và có được cái nhìn tổng quan nhất về tác phẩm.

>> Xem thêm: Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo

1.2 Câu 2 trang 102 SGK Văn 11/2 chân trời sáng tạo

Bài thuyết minh đã giải thích, trình bày được những nội dung cụ thể nào? Các nội dung ấy đã làm sáng tỏ được đặc điểm nào của đối tượng?

Lời giải chi tiết:

- Bài thuyết minh đã giải thích và trình bày được những nội dung rất cụ thể về nội dung và câu chuyện được đề cập ở trong tác phẩm, những vẻ đẹp hay thành công của tác phẩm và những tín hiệu phản hồi tốt từ công chúng và dư luận đối với tác phẩm trên.

- Các nội dung ấy cũng đã làm rõ được một giá trị có ý nghĩa mà bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã mang lại cho người đọc, đó là những thước phim quý giá đã đánh thức lại những ký ức của tuổi thơ và tình yêu quê hương.

Lộ trình khóa học PAS THPT sẽ được thiết kế riêng cho từng bạn học sinh, phù hợp với khả năng của các em cũng như giúp các em từng bước đạt điểm cao trong mọi kỳ thi chung và riêng.

1.3 Câu 3 trang 102 SGK Văn 11/2 chân trời sáng tạo

Văn bản đã lồng ghép thêm những yếu tố nào ở trong số các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận? Cách người viết đã lồng ghép các yếu tố trên vào trong văn bản có gì đáng phải lưu ý?

Lời giải chi tiết:

Văn bản đã lồng ghép những yếu tố:

- Tự sự: khi nói về nội dung mà câu chuyện được đề cập ở trong tác phẩm.

- Miêu tả: khi nói về những vẻ đẹp xuất sắc của tác phẩm, về sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng đối với tác phẩm

- Biểu cảm: khi bày tỏ cảm xúc về những thành công mới, những vẻ đẹp của tác phẩm,...

- Nghị luận: khi bày tỏ nên quan điểm của mình về những khía cạnh, những vấn đề có trong tác phẩm.

Cách người viết đã lồng ghép các yếu tố trên vào trong văn bản được kết hợp một cách vô cùng hài hòa và sắp xếp theo một trình tự rất hợp lý. Từ đó, cũng đã làm cho những thông tin của văn bản hiện lên vô cùng rõ ràng, cụ thể. Văn bản trở nên hấp dẫn và thuyết phục hơn cũng đã bộc lộ được tình cảm của người viết trong tác phẩm.

1.4 Câu 4 trang 102 SGK Văn 11/2 chân trời sáng tạo

Tác giả đã sắp xếp các nội dung cụ thể có trong bài viết theo trật tự nào?

Lời giải chi tiết:

Tác giả đã sắp xếp các nội dung cụ thể có trong bài viết theo trật tự như sau: nội dung - hình thức nghệ thuật - giá trị mang lại của tác phẩm

2. Soạn bài viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận: Thực hành viết

Đề bài: Viết bài thuyết minh về một đối tượng theo lựa chọn cá nhân (một tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội họa... hoặc một nhân vật/ sự kiện văn hóa... Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

2.1 Bài viết tham khảo 1: 

Đất nước Việt Nam ta là một đất nước được bạn bè biết đến là đất nước với nhiều truyền thống văn hóa thú vị và những phong tục độc đáo. Điều này cũng bởi đất nước ta xuất phát là một quốc gia có rất nhiều dân tộc anh em. Trong số các dân tộc của Việt Nam, có lẽ các dân tộc ở vùng Tây Nguyên được biết đến với nhiều nhất với các loại nhạc cụ và các làn điệu dân tộc độc đáo nhất. Một trong số các loại nhạc cụ tiêu biểu cho các dân tộc ở khu vực này thì đó chính là chiếc đàn đá. Nhạc cụ này đã cùng với những điệu ca được tạo ra từ nó cũng đã trở thành những làn điệu chính trong các lễ hội ở vùng Tây Nguyên.

Đàn đá, hay còn được biết đến với tên gọi khác là goong lu, là một biểu tượng quan trọng trong văn hóa âm nhạc của Việt Nam. Nó được xem là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất và đồng thời là một phần sơ khai của âm nhạc loài người. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1949 tại Tây Nguyên, đàn đá đã được xác nhận tồn tại từ thời đồ đá cách đây khoảng 3000 năm.

Đàn đá, với cấu tạo vô cùng đơn giản, chủ yếu được làm từ các thanh đá có kích thước và hình dạng đa dạng. Các loại đá sử dụng thường được khai thác và lấy từ vùng núi Nam Trung và Đông Nam Bộ, như đá nhám, đá sừng, và những loại đá khác. Qua quá trình đẽo gọt tỉ mỉ và thẩm âm chính xác, con người đã tạo ra những chiếc đàn đá hoàn thiện và độc đáo.

Đàn đá bao gồm nhiều âm vực khác nhau, phụ thuộc vào kích thước và độ dày hay mỏng của từng thanh đá. Âm trầm mạnh mẽ thường được tạo ra bởi những thanh đá to và dài, trong khi âm cao sắc nét thường sẽ được tạo ra từ những thanh đá mỏng nhỏ và ngắn. Mỗi bộ đàn đá có thể có số lượng thanh khác nhau, dao động từ khoảng 8 đến 15-20 thanh. Đáng chú ý, bộ đàn đá lớn nhất tại Việt Nam có đến 100 thanh, tạo ra một phạm vi âm thanh đa dạng và phong phú

Đàn đá có âm sắc đặc trưng như tiếng chạm của đá trong thiên nhiên. Đàn đá cũng được biết đến như một loại nhạc cụ làm cầu nối giữa cõi âm và cõi dương của con người. Khi đánh đàn, mỗi người nghệ nhân sẽ sử dụng hai chiếc búa nhỏ để gõ vào mỗi thanh đá nhằm tạo ra những âm sắc và phải thật nhanh tay để các âm này được nối với nhau tạo lên sự liền mạch cho một làn điệu.

Đàn đá ngày nay vẫn được sử dụng trong các hoạt động lễ hội của đồng bào. Tiếng đàn đá khiến cho các nghi thức tế lễ thêm phần linh thiêng. Tiếng đàn phối tấu cùng với các loại nhạc cụ khác tạo lên những tiết tấu vô cùng sôi động cho các động tác nhảy múa trong các dịp lễ hội. Trong âm thanh rộn ràng vang vọng của đàn đá, cả buôn làng cùng nhau và hòa mình vào những điệu múa tập thể trong các lễ hội lớn như Lễ hội mừng lúa mới, uống rượu cần…..

Giai điệu từ đàn đá là những giai điệu linh thiêng. Những giai điệu dân tộc từ đàn đá sẽ được thể hiện hay nhất, độc đáo nhất khi đó là những giai điệu gắn liền với âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên, biểu thị tâm tư tình cảm của con người, đặc biệt gợi lên chút hoang dã và sức sống mãnh liệt của người dân Tây Nguyên. Âm thanh của đàn đá khi vang lên vô cùng giản dị thanh thoát, khi thì ào ào như thác đổ, khi thì trong vắt như tiếng suối chảy, có khi lại như tiếng gió của đại ngàn khiến con người ta cảm thấy mình được hòa mình và hợp lại làm một với thiên nhiên.

Đàn đá cùng những giai điệu mang đậm nét văn hóa dân tộc đã được UNESCO công nhận là các nhạc cụ trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trở thành một biểu trưng cho đời sống tinh thần và cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên của người dân Tây Nguyên.

Đàn đá không chỉ là một nhạc cụ đem lại những âm thanh đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên mà còn ẩn chứa trong đó cả những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời của mảnh đất này. Chính vì vậy, đàn đá cùng với giá trị mà nó đem lại cần được bảo tồn gìn giữ và phát huy.

2.2 Bài viết tham khảo 2:  

Tuổi thơ không một đứa trẻ nào lại không biết đến chiếc chong chóng. Chong chóng chính là thứ đồ chơi vô cùng gần gũi và thân thuộc với lứa tuổi thiếu nhi. Đây là món đồ chơi dân gian khiến trẻ em cảm thấy thích thú và vui khi cầm nó trong tay và người lớn thì thấy ấm áp mỗi khi trông thấy món quà tuổi thơ ùa về.

Chong chóng được biết đến là món đồ chơi của trẻ em, khi gặp gió thì sẽ quay tít, khi không có gió thì cầm trên tay và chạy trên khắp đường làng, ngõ xóm để cho chiếc chong chóng quay tít trông rất đẹp mắt.

Chong chóng thường được làm bằng giấy, có chiếc chong chóng làm bằng lá dứa hoặc nhiều chất liệu nhẹ khác trông vô cùng đẹp mắt.

Chong chóng có loại hai cánh và loại bốn cánh. Chong chóng hai cánh là chiếc chong chóng có một que tre mỏng như chiếc đóm. Bề ngang khoảng gần một phân và bề dài khoảng chừng 20cm. Đặc biệt hơn đó chính là ở hai đầu que thường dán hai mảnh giấy chữ nhật, loại giấy hơi cứng, nó có đáy quay về hai phía trái nghịch nhau. Và thay hai mảnh giấy chữ nhật là hai mảnh giấy hình tam giác, hai mảnh giấy có hình tam giác này lại có đáy dán vào que tre, còn đỉnh quay trở ra ngoài. Hai mảnh giấy này, dù là hình chữ nhật hay hình tam giác cũng phải cân nhau chong chóng mới có thể quay mạnh được. Chiếc chong chóng khi ở giữa thân que tre có dùi một lỗ nhỏ. Cũng thông qua lỗ nhỏ này mà các em nhỏ có thể xỏ một chiếc cán chắc chắn làm bằng tre. Chú ý là chiếc cán ở đầu nhỏ hơn lỗ dùi đầu chỉ dài vào khoảng một hai phần. Đến phần thân cán to hơn được gọt bằng, chỉ chừa lại phần đầu cán.

Chong chóng bốn cánh có 4 cánh màu xanh đỏ khác nhau tùy màu ưa thích. Loại chong chóng này có một chiếc que tre mỏng như que đóm. Bề ngang khoảng chừng 1cm, chiều dài khoảng 20 cm. Ở hai đầu của chong chóng được dán hai đầu là hình chữ nhật được dán trái nghịch nhau.

Chiếc chong chóng này có cán làm bằng tre, còn thân hoàn toàn bằng giấy. Nó có cấu tạo và làm rất đơn giản, đó là một mảnh giấy vuông sau đó cắt thành tám mảnh và cắt khéo léo sao cho nửa chừng là đủ. Khi cắt xong thì các miếng của mảnh giấy dính lại vào với nhau ở giữa một chút. Tại điểm chính giữa đó lấy một mảnh sau đó lại để lại một mảnh nhỏ và dán lên đầu những mảnh giấy này lại với nhau, và cuối cùng đã có thể hoàn thành được chiếc chong chóng đẹp mắt với 4 cánh. Từ chỗ chính giữa mà các cánh dán lại với nhau thì tạo một chiếc lỗ để có thể xỏ qua đó một chiếc cán nhỏ, và chiếc cán nhỏ đó sẽ được buộc lại cố định ở một chiếc gậy chắc chắn hơn. 

Trẻ con khi đi chơi chong chóng xong, khi về nhà thường đặt chiếc chong chóng đó bên những khung cửa sổ. Thỉnh thoảng khi cơn gió thổi qua chiếc chong chóng lại quay tít trông rất đẹp mắt.

Chong chóng là một trò chơi chung của tất cả trẻ em khắp nơi, và có thể chơi quanh năm. Trò chơi giúp luyện sự khéo tay, và c+-ho các em biết rằng gió có thể tạo ra một sức mạnh ly tâm làm cho chong chóng quay. Đây chính một món quà quý giá giúp tuổi thơ của mỗi chúng thêm ý nghĩa và nhiều kỉ niệm.

Sổ tay ngữ văn chính là bí kíp giúp các em học văn dễ dàng hơn. Rất nhiều tips học văn hiệu quả chỉ được bật mí trong cuốn sổ tay này thôi đấy. Đăng ký ngay để nhận thật nhiều ưu đãi nhé!

2.3 Bài viết tham khảo 3: 

“Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra” (Andersen). Bức tranh hiện thực cuộc sống và con người trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao đã gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng người đọc. Trong đó, Chí Phèo là một hình tượng trung tâm giàu ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm, khái quát số phận của một lớp người, bản chất của xã hội, trở thành hình ảnh ấm nồng về sự khát khao mãnh liệt cho cuộc đời lương thiện.

Nam Cao, một tác giả hiện thực xuất sắc, thường quan tâm đến hai đối tượng chính trong xã hội Việt Nam: người trí thức nghèo đấu tranh trong bế tắc của xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng, chịu biến động lớn trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm nổi tiếng của ông, “Chí Phèo,” viết vào năm 1941, là một câu chuyện đầy cảm xúc về cuộc sống của Chí Phèo. Cuộc đời của Chí Phèo có thể được phân thành hai giai đoạn lớn: trước và sau khi gặp Thị Nở. Trước sự xuất hiện của Thị Nở, cuộc sống của Chí Phèo đã trải qua hai giai đoạn quan trọng được đánh dấu bằng nhà tù. Nhà tù thực dân đã biến đổi một người đàn ông lương thiện thành một kẻ lưu manh.

Hình tượng nhân vật là nơi quy tụ mọi vẻ đẹp về phẩm chất con người, cũng như những vấn đề xã hội phức tạp mà nhà văn muốn phản ánh trong cuộc sống, con người. Ở đó kết tinh những suy ngẫm, tâm tư, tình cảm và thái độ của nhà văn. Chí Phèo, sinh ra là một đứa con hoang, bị bỏ rơi ở lò gạch cũ khi vừa mới lọt lòng, Chí được một bác phó cối không con đem về nuôi nấng. Khi bác phó cối chết, Chí tứ cố vô thân, không nơi nương tự, hết đi ở nhờ nhà này lại đi ở nhờ nhà khác. Không cha không mẹ, không một tấc đất cắm dùi, Chí lớn lên như cây cỏ, chẳng được ai ban cho lấy một chút tình thương. Thời gian làm canh điền cho nhà lí Kiến, Chí hiền như cục đất. Cho dù có nghèo khổ, không được giáo dục đàng hoàng nhưng Chí vẫn biết thế nào là phải trái, đúng sai, đâu là tình yêu và đâu là sự dâm dục đáng để khinh bỉ và đầy nhục nhã. Mỗi lần bị mụ vợ ba của lí Kiến bắt bóp chân, Chí “chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì”. Cũng như bao người nông dân nghèo khác, Chí cũng có mơ ước một cuộc sống gia đình đơn giản, đầm ấm: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ lại một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Thế nhưng cái mầm thiện ở trong con người Chí sớm bị quật ngã và không sao mà có thể gượng dậy được. Đó là lúc Chí bị Bá Kiến đẩy vào tù chỉ vì một cơn ghen vô lý, bi kịch lưu manh hóa cũng bắt đầu từ đó.

Khi Chí ra tù, từ một chàng trai hiền lành, lương thiện thành một người mang theo sự thay đổi cả về nhân hình lẫn nhân tính đến tha hóa dị dạng. Từ một anh canh điền khỏe mạnh, Chí trở thành một đứa “đặc như thằng săng đá”, với “cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng, cái mặt câng câng, con mắt gườm gườm”. Người ta tưởng như một con quỷ dữ về làng. Chuỗi ngày sau khi ra tù, hắn ngụp lặn trong trạng thái tinh thần say triền miên ngày tháng. Từ đó, Nam Cao đã mô tả cuộc đời của hắn như một cơn say dài, mênh mông và bất tận, “và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở trên đời”. Lúc này, Bá Kiến cùng với xã hội đương thời giống như đang hoàn thành nốt các bước để “nhào nặn” nên Chí Phèo trở thành một tay lưu manh chuyên đi đòi nợ thuê, chém giết thuê. “Hắn đâu biết hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao người dân lương thiện”. Tính Người trong Chí dường như đã cạn kiệt, linh hồn ác quỷ xâm chiếm và đã tàn phá anh nông dân hiền lành năm nào.

Đầu tiên khi hình ảnh của Chí Phèo mới hiện lên với những bước chân loạng choạng trong tình trạng say khướt và “ hắn vừa đi vừa chửi”, “cứ rượu xong là hắn chửi”. Chí chửi trời, mà sao ông trời cao quá nên không sao nghe được, Chí chửi đời, nhưng đời rộng mà bao la rộng lớn quá và cũng “chẳng là ai” và rồi Chí lại chửi ngay cả làng Vũ Đại nhưng cũng chẳng ai trả lời hắn vì họ nghĩ “chắc nó trừ mình ra”. Có lẽ đối với Chí Phèo, điều duy nhất mà Chí có thể đối thoại với cuộc đời chỉ có tiếng chửi mà thôi. Và rồi, Chí lại tiếp tục cất tiếng chửi, “chửi đứa chết mẹ nào không chửi nhau với hắn”. Nhưng một lần nữa, thứ Chí nhận lại lại chỉ lại là sự im lặng, thờ ơ đến rợn người. Chí chửi người cũng có lẽ chỉ là cách để hắn có thể thu hút sự chú ý, để được “làm hòa”, được giao tiếp và trò chuyện cùng với mọi người. Hắn không ngừng chửi rủa, gọi Chí là "đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn," khiến đau đớn cùng cực. Chí, bấy giờ, trở thành một bóng đen, một hình tượng bị tha hóa trong tâm trí người dân Vũ Đại, biến thành một linh hồn đen tối bên lề xã hội. Dù Chí vẫn là con người, nhưng lòng người trong làng đã từ chối nhìn nhận anh, coi anh như một con quỷ độc ác, một kẻ thù không đáng sống. Cuộc đời Chí trở nên yên lặng và trống rỗng, với trái tim người dân đặc biệt lạnh lùng, không chấp nhận Chí là một người. Ngay từ khi còn bé, Chí đã phải trải qua sự thiếu thốn tình thương và lớn lên trong cảm giác cô đơn. Chí Phèo trở thành một đứa “mồ côi" tội nghiệp, không biết đến tình thương từ khi mới lọt lòng, và sống lớn lên với cảm giác đơn độc không tưởng, không được làm người như bao người khác.

Tưởng như Chí đã trượt dài và lún sâu trong tấn bi kịch của đời mình, nhưng Nam Cao vẫn đủ tin tưởng và trái tim nhà văn vẫn rất nhân đạo khi “cố tìm mà hiểu” chất “Người” trong tâm hồn của một kẻ mà phần “Con” đã chiếm ưu thế hơn phần “ Người”. Đó chính là lúc Chí gặp Thị Nở – một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn của làng Vũ Đại. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã mở ra một bước ngoặt vô cùng lớn trong cuộc đời Chí Phèo.

Đêm hôm ấy, Chí Phèo uống rượu với Tự Lãng trong tâm trạng cô đơn, đau đớn đến cùng cực của một kẻ bị xã hội cự tuyệt mất cái quyền làm người. Chí thì phanh ngực, vừa đi vừa gãi, lần ra con đường tìm về mảnh vườn và cái lều rách của hắn. Chính trong đêm trăng ấy, Chí đang “bứt rứt quá, ngứa ngáy quá” thì hắn bắt gặp thị Nở đang nằm ngủ, “cái mồm mụ há hốc lên trăng mà ngủ”. Chí Phèo đã xông tới người đàn bà “xấu ma chê quỷ hờn” mà không chút do dự. Đêm hôm ấy, hành động của Chí chỉ mang tính bản năng của một gã đàn ông say rượu. Thị Nở, bằng những hành động giản dị đầy tình cảm và yêu thương chân thành, kì lạ thay, trở thành nguồn sáng ấm áp chiếu rọi vào trái tim lạnh giá của Chí Phèo. Ánh sáng từ sự chăm sóc và tình thương mộc mạc ấy như ngọn lửa nhỏ, hồng hào, làm sưởi ấm trái tim đơn côi và khao khát hoàn lương của Chí. Thị Nở đã đem lại cho Chí một niềm tin mới, hy vọng trong cuộc sống, giúp anh thấy được giá trị của chính bản thân mình và khả năng được trở lại với thế giới loài người.

Sáng hôm ấy, Chí Phèo tỉnh dậy với một “lòng bâng khuâng mơ hồ buồn”. Tiếng hò hét vui vẻ của người đi chợ, tiếng chim hót rộn ràng, và tiếng mái chèo đuổi cá vang lên như những nốt nhạc hòa quyện với cuộc sống. Những âm thanh quen thuộc đó, Chí ngày nào cũng có, nhưng hôm nay, anh mới lần đầu nghe thấy chúng. Trái tim Chí chợt buồn, nỗi buồn sâu sắc. Là lúc lương tâm anh bắt đầu reo lên, một giọng nói nhỏ bên trong anh đang thức tỉnh. Những âm thanh bình thường của cuộc sống dường như làm sống lại linh hồn của Chí, làm hắn cảm thấy “chao ôi là buồn”!. Anh nhớ lại những ngày thơ ấu, những giấc mơ bình dị của những người dân chân chất và chăm chỉ. “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”, nuôi lợn làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng. Càng hồi tưởng càng buồn càng lo âu. Ngoài bốn mươi tuổi đầu, Chí cảm thấy “đã tới cái dốc bên kia cuộc đời”, và hắn lo, hắn sợ “đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”.

Khi Chí Phèo bị cảm, chính bát cháo hành của thị Nở đã làm cho Chí Phèo gần như thay đổi hẳn. Lần đầu tiên hắn được nếm mùi cháo: “trời ơi cháo mới thơm làm sao!”. Mấy chục năm qua, hắn muốn ăn thì phải dọa, phải cướp, thế mà “lần này là lần thứ đầu tiên hắn được một người đàn bà cho”. Bát cháo hành Thị Nở đem đến làm cho Chí cảm động “Mắt ươn ướt nước” và “hắn cười thật hiền”. Nước mắt, lại là nước mắt đàn ông, Nam Cao từng gọi đó là “lăng kính biến hình của vũ trụ”. Ta có cảm giác giọt nước mắt kia, nụ cười thật hiền trên môi Chí kia đã cuốn đi, đã xua tan quá khứ tối tăm, u ám của hắn. Có lẽ chính giọt nước mắt và nụ cười ấy của Chí Phèo mà Thị Nở đã thầm nghĩ: “Có lúc hắn hiền như đất”. Rồi hắn nói với Thị Nở: “Cứ thế này mãi thì thích nhỉ… hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”. Chí Phèo vừa húp cháo hành vừa trìu mến nhìn thị Nở, rồi hắn vẩn vơ nghĩ gần nghĩ xa. Thằng lưu manh “chỉ mạnh về liều”. Sẽ có một lúc nào đó “không thể nào liều được nữa” thì bấy giờ mới nguy! Việc Thị Nở chăm sóc cho Chí khi bị cảm, thực ra, chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con người dành cho một con người. Nhưng trong cái thế giới vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại, đây là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí nhận được kể từ khi về làng. Vì thế nó quý giá, mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Quả thật, cái mà thiếu không phải một lòng tốt và hư ảo của một ông thánh, cũng không phải lòng tốt suông của những nhà lập thuyết viển vông: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”, lời nói đó đã luôn vang lên như một điệp khúc khắc khoải trong tác phẩm của Rơ Mác. Đó là một cái nhìn sâu sắc với tấm lòng cảm thông và xót thương đầy tình người của Nam Cao đối với kiếp người nghèo khổ, lương thiện bị xã hội đẩy vào con đường cùng quẫn lưu manh, tội lỗi.

Linh hồn thức tỉnh, bản tính bị lấp đi dần dần hiện ra. Chí Phèo bỗng thấy “thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Hắn khao khát được mọi người “sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Người phụ nữ ấy xấu ma chê quỷ hờn đấy nhưng Chí “say thị lắm!”. “Với một vẻ mặt rất phong tình”, hắn bảo thị Nở: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Câu nói ấy đã biểu lộ chân tình với niềm khao khát muốn được làm người, “thèm lương thiện” và “muốn làm hòa với mọi người” của Chí Phèo. Có nghe hắn chửi, có nhìn thấy hắn rạch mặt, ăn vạ, có mục kích hắn say rượu vác dao đi đâm người… thì ta mới thấy xúc động vô cùng trước những khao khát bình dị ấy của Chí Phèo, của con người cùng khổ bất hạnh! Câu trả lời của thị Nở sẽ quyết định số phận của hắn.

Bà cô đã đay nghiến với thị Nở, quyết không cho phép cháu của bà “đi lấy một thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Nhưng làm sao trách được khi mọi người làng Vũ Đại lâu nay nhìn Chí chẳng khác nào con quỷ mang hình người. Chí Phèo khi đó thực sự rơi vào một bi kịch tinh thần, đau đớn, quằn quại. Hắn “ngẩn người” khi nghe Thị nói. Hắn “sửng sốt” đứng lên gọi Thị. Hắn đuổi theo “nắm lấy tay” Thị nhưng bị thị gạt ra, dúi thêm cho một cái ngã “lăn khoèo xuống sân”. Ấy là lần duy nhất hắn níu kéo một mối quan hệ, chới với cầu xin với sự đáng thương khi biết mình đã bị ruồng bỏ. Kẻ không nhận ra nỗi đau của mình sẽ không thể cảm thấy đau được, nhưng Chí Phèo đã không còn say nữa, cho dù uống rượu thì hắn “càng uống càng tỉnh”, bản chất thực đã tìm về và hắn đủ tỉnh táo để nhận ra bi kịch khi ấy của mình. Nỗi đau tột cùng của Chí vang vọng khắp từng câu chữ. Nó đã chuyển hóa thành sự căm phẫn tột độ. Hắn phải “đâm chết con đĩ Nở kia”, “đâm chết cái con khọm già nhà nó”. Hắn lại uống, lại uống… nhưng “càng uống càng tỉnh ra”, tỉnh ra để thấm thía nỗi đau vô hạn của mình khi quyền được sống lương thiện đã bị xã hội và đồng loại dứt khoát cự tuyệt. Rồi “hắn ôm mặt rưng rức” cho đến khi đã say mềm người rồi hắn đi. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng với câu nói lảm nhảm: “Tao phải đâm chết nó”. Có lẽ, hắn đã biết kẻ thù của hắn đang ở đâu, kẻ đã gây ra bi kịch cho cuộc đời hắn, khiến hắn phải bán đi linh hồn của mình để rồi suốt đời quẩn quanh, bế tắc trong vòng tội lỗi. Đó chính là Bá Kiến - ngọn nguồn của mọi bi kịch và tội lỗi trong cuộc đời Chí.

Chính vào buổi trưa “trời nắng, đường vắng” ấy, Chí Phèo lần thứ ba đến gặp Bá Kiến “không đòi tiền” như mọi khi mà đòi lương thiện, đòi quyền “làm người lương thiện!”. Câu nói của Chí Phèo: “… Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được hết những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!…” đó là những lời đanh thép vạch mặt, kết án tên cường hào xảo trá Bá Kiến, đồng thời là tiếng kêu thảm thương tuyệt vọng của một kiếp người đau khổ! Chí Phèo “văng dao tới” giết Bá Kiến rồi tự sát. Chí đã giết chết con quỷ dữ làng Vũ Đại đã làm hại đời hắn. Chí không thể sống làm lưu manh, quỷ dữ, sống như thú vật được nữa. Chí Phèo đã chết rất bi thảm, nằm quằn quại trên vũng máu của chính mình, chết trong một tiếng kêu đầy uất hận đau thương, đầy xót xa ám ảnh. Hắn đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời, khi cánh cửa cuộc đời đóng chặt trước mặt hắn. Cái chết của Chí chính là lời tố cáo đối với xã hội vô nhân, là lời kêu cứu khẩn thiết về quyền con người.

Tác phẩm “Chí Phèo” mang giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng và đồng cảm sâu sắc của Nam Cao đối với những kiếp người khốn khổ. “Chí Phèo” còn là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh. Hãy bảo vệ và đấu tranh cho quyền được làm người của những con người lương thiện. Họ cần được sống hạnh phúc, và sẽ không còn thế lực đen tối của xã hội có thể đẩy họ vào chỗ khốn cùng , bế tắc, đầy bi kịch xót xa. “Chí Phèo” là một tác phẩm văn học chân chính như trong quan niệm của Nam Cao: “Tác phẩm văn học có giá trị là tác phẩm phải thể hiện nỗi đau của con người, nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự bình đẳng, nó làm cho con người gắn kết và gần nhau hơn”.

Nam Cao đã thể hiện sự tài năng với bút pháp của mình qua việc xây dựng những nhân vật như Bá Kiến, Chí Phèo. Họ không chỉ đại diện cho những tầng lớp phổ quát trong xã hội, mà còn mang đặc điểm riêng biệt và sức sống mạnh mẽ. Tâm lý của mỗi nhân vật được mô tả tinh tế và sâu sắc, cho thấy tác giả có khả năng chiêm nghiệm và diễn đạt những tình cảm phức tạp. Ngôn ngữ kể chuyện không chỉ là của tác giả mà còn trở thành ngôn ngữ riêng của từng nhân vật. Sự đồng lòng vào vai mỗi nhân vật giúp tác giả linh hoạt và tự nhiên chuyển đổi giữa các vai diễn.

Hằn in hình ảnh của thời đại, nhìn xa ngó miền viễn cảnh đầy ấn tượng, đó là phong cách và là lý do văn học ra đời. Mỗi tác giả, trở thành người viết, đều đảm nhận trách nhiệm tái hiện và bảo tồn hiện thực xã hội, đồng thời đưa ra ánh sáng cho những trang lịch sử. Trong “Chí Phèo”, Nam Cao hoàn thành sứ mệnh ấy một cách toàn diện, sao cho mỗi từ, mỗi chữ đều trở thành một phần không thể thiếu, mỗi câu chuyện được kể như một sự kiện quan trọng, làm phong phú và sâu sắc thêm nghệ thuật văn chương:

“Dẫu rằng phải kiếp lưu manh

Nhưng anh vẫn đẹp nhân tình Chí ơi!

Chết anh - một kiếp con người

Hóa thành bất tử giữa đời văn chương!”

 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em chi tiết bài soạn bài Viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận trong sách giáo khoa Chân trời sáng tạo 11 tập 2. Hi vọng rằng những gợi ý, hướng dẫn của bài soạn có thể giúp các em nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức. Để học nhiều hơn các kiến thức của những môn học khác thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khóa học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 11
| đánh giá
Hotline: 0987810990