img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn hay nhất

Tác giả Minh Châu 14:11 30/11/2023 9,916 Tag Lớp 12

Mùa là rụng trong vườn là một trong những tác phẩm hiện thực của văn học lớp 12. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các em vẽ sơ đồ tư duy dễ hiểu cũng như các cách phân tích tác phẩm đầy đủ nhất.

Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn hay nhất
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Sơ đồ tư duy phân tích Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn

VUIHOC gửi đến các em cách lập sơ đồ tư duy phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn chi tiết: 

2. Lập dàn ý Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn

2.1 Mở bài Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn

- Tác giả Ma Văn Kháng 

+ Ma Văn Kháng tên khai sinh là Lê Trọng Đoàn sinh năm 1936, ông quê gốc ở Hà Nội sinh ra tại làng Kim Liên - Đống Đa.

+ Ông là em trai của Phó giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Lạc - trưởng khoa ngữ văn đầu tiên của Đại học sư phạm Hà Nội 2.

+ Ông tốt nghiệp Trung cấp sư phạm tại Nam Ninh - Trung Quốc rồi tiếp tục con đường học vấn tại trường sư phạm Hà Nội, rồi lên công tác tác tại trường cấp 3 tỉnh Lào Cai với vị trí là giáo viên dạy văn. 

- Sự nghiệp

+ Tác giả Ma Văn Kháng đã sáng tác một số lượng lớn tác phẩm ý nghĩa, được đánh giá cao như: Mùa lá rụng trong vườn, Vùng biên ải, Trăng non, Đồng bạc trắng hoa xòe,...

+ Với những tác phẩm của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học giá trị như: giải thưởng văn học ASEAN, giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001, giải thưởng loại B của Hội nhà văn Việt Nam,...

+ Hẳn là do ông chuyển lên miền núi sống từ năm mười tám tuổi và đã ở đó một phần tư cuộc đời nên nội dung ông chọn để sáng tác thường là cuộc sống chân thực nơi núi sông và rồi khi về thủ đô ông cũng chọn viết về cuộc sống con người nơi đây.

- Tác phẩm

+ Đoạn trích trong chương II của tác phẩm cùng tên “Mùa lá rụng trong vườn”. Tiểu thuyết được tác giả hoàn thành vào năm 1982.

+ Tổng quan nội dung chính mà tác phẩm hướng đến là sự thay đổi trong con người Việt Nam thời kỳ hậu chiến tranh, bắt đầu vào nền kinh tế thị trường. Các giá trị văn hóa dần mai một theo hoàn cảnh và thời gian.

 

2.2 Thân bài Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn

a. Nhân vật cô con dâu cả - chị Hoài

- Ngoại hình: trạc tầm năm mười tuổi, mang rõ dáng vẻ của một người phụ nữ thôn quê với dáng người thon gọn với cái áo bông trần hạt lựu, gương mặt hài hòa nhân hậu với cặp mắt hai mí rõ và khuôn miệng tươi tắn.

- Cô Hoài là con dâu cả của ông Bằng nhưng chồng cô mất khi tham gia chiến tranh.

- Chị đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, tìm cho mình một gia đình mới. Cô có cho mình một người chồng và bốn đứa còn cả trai và gái.

- Dù đã thuộc về một gia đình khác nhưng cô vẫn quan tâm đến gia đình chồng cũ luôn liên lạc hỏi thăm.

- Cô đã đến thăm gia đình ông Bằng vào chiều 30 tết, cùng gia đình ăn bữa cơm đoàn viên

- Vừa đến nhà, cô đã thân thiết hỏi thăm tình hình của từng thành viên trong gia đình. Từ cô em dâu đến em trai chồng như không hề có khoảng cách giữa thời gian và không gian. 

- Khi biết những vấn đề phát sinh trong gia đình chồng cũ, cô lo lắng cho ông Bằng, lo lắng cho các em nên vội vã đến thăm cả nhà, cùng họ vượt qua khó khăn.

- Thương các em, cô không ngại đường xá xa xôi mà tự mình vác quà, mang các món đặc sản quê hương đến để tặng mọi người.

- Khi chị Hoài xuất hiện, mọi người như được tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm hạnh phúc ấm áp để cùng nhau đoàn kết vượt qua giai đoạn đất nước đổi mới, gia đình gặp nhiều biến cố khó khăn.

- Tuy khác máu mà không tanh lòng, dù không còn ở gần nhau nhưng chị Hoài vẫn là thành viên quan trọng trong gia đình ông Bằng. Cô như sợi dây kết nối để gắn kết các mối quan hệ, chung tay bảo vệ hạnh phúc của gia đình nhỏ bé.

b. Diễn biến tâm trạng của ông Bằng khi nghe tin người con dâu trở về

- Ông Bằng đang ở trên gác mà nghe tin chị Hoài đến, ông mừng khôn xiết, cố bước những bước ngay ngắn nhưng nhanh chóng xuống nhà để gặp cô. 

- Ông luôn cố gắng kìm nén cảm xúc, khiến cho cảm xúc của mình khá hơn để khi xuất hiện không khiến cô con dâu lo lắng.

- Nhưng khi thấy người con đã xa cách chín năm không gặp, ông bỗng “thoáng chút ngẩn ngơ” như không tin vào mắt mình.

- Ngay sau đó ông nghẹn ngào vì vui mừng “mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa". 

- Ông cất chất giọng khàn đặc của mình “Hoài đấy ư con”

- Ông Bằng còn nén xúc động, hỏi thăm gia đình mới của cô “Anh ấy và các cháu vẫn khỏe chứ con?”.

- Cuộc gặp gỡ với chị Hoài dường như khiến ông giảm được chút cô đơn, tiếp thêm sức chiến đấu cho người chủ gia đình đang nỗ lực hàng ngày để lấy lại những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình

c. Khung cảnh ngày Tết truyền thống của miền Bắc Việt Nam

- Bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương

- Mâm cỗ thịnh soạn với các món truyền thống của người Hà Nội: bánh chưng, nem rán, giò chả, gà tần hạt sen,...

- Quan trọng hơn là mọi người đều trở về, cùng nhau thành kính mỗi người chuẩn bị một việc cho buổi cúng Tết

- Ông Bằng nghiêm trang, trang phục chỉnh tề đứng trước bàn thờ chủ trì buổi lễ. Đây chính là khung cảnh của buổi lễ Tết của người Hà Nội xưa.

- Lời khấn của ông Bằng như một lời tưởng nhớ với những người đã mất như tổ tiên, ông bà,...một cách thiêng liêng và thành kính nhất.

- Đây như sự giao lưu giữa hai thế hệ, dù dòng chảy thời gian không bao giờ ngừng nhưng luôn có sự kế nhiệm những truyền thống tốt đẹp với nhau.

- Bữa cơm này như một buổi họp gia đình, cả nhà cùng nhau nhìn lại một năm qua đã trải qua những gì.

2.3 Kết bài Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn

- Qua tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn, tác giả Ma Văn Kháng đã mang vào rất nhiều tư liệu thực tế về cuộc sống ngày Tết của người dân Hà Nội. 

- Tuy khó khăn về kinh tế, cuộc sống cũng đổi thay nhanh chóng nhưng tác giả cũng như rất nhiều người truyền thống vẫn luôn ngày ngày nỗ lực giữ lại những nét văn hóa, nhưng phong tục phẩm chất của con người Hà Nội xưa. Trước tình hình đạo đức có phần suy tàn, con người dần biến chất, tác phẩm cũng là lời cảnh tỉnh kêu gọi mọi người nhận ra được giá trị của văn hóa cổ xưa.

>> Mời bạn tham khảo: Soạn bài Ngữ Văn 12 

3. Hướng dẫn Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn

3.1 Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn mẫu 1

Đất nước ta sau khi trải qua một khoảng thời gian chiến tranh rất dài, nhân dân sống trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, giờ đây họ được trở lại với cuộc sống của thời bình. Tưởng về với bình yên nhưng đó lại là sự trở về với nhiều khó khăn bỡ ngỡ bởi cuộc sống chiến tranh kéo dài, cơm áo gạo tiền đều túng thiếu khiến cho những con người nho nhã khi trước đều phải thay đổi. Cuộc sống dần có sự thay đổi, chuyển tiếp giữa những thứ hiện đại hơn, những điều tưởng chừng hiển nhiên quen thuộc giờ đây lại có phần lạc hậu, lỗi thời. Những sự cho đi vì mục tiêu cứu nước thương dân không cần sự nhận lại nay cũng biến chuyển thành mối quan hệ hai chiều, có đi có lại. Thêm vào đó là sự hội nhập của các nước Đông Âu không chỉ khiến cho nền kinh tế bao cấp thay đổi mà còn báo hiệu trước sự đổi mới của toàn đất nước sau giai đoạn 1986 - khi Đảng phát động sự thay đổi toàn diện của đất nước. Lúc này đây, cái cũ cái mới sẽ trở thành hai mặt đối lập, va chạm vào nhau để chọn ra cái gì là phù hợp với thời điểm này.

Nhận ra được sự thay đổi của cuộc sống, nhiều nhà văn đã đúng lúc nhạy cảm, bắt được hơi thở thay đổi để mang vào hiện thực nóng hổi vào các tác phẩm của mình. Trong đó phải kể đến tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Ma Văn Kháng - Mùa lá rụng trong rừng.  Ông đã nhanh nhạy bước sang giai đoạn sáng tác mới của mình, biến chuyển từ những nội dung liên quan đến chiến tranh, lịch sử sang cuộc sống sinh hoạt mới, đạo đức văn hóa khi hòa bình lặp lại. Được nhiều nhà phân tích văn học cũng như đọc giá đánh giá, tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” như kể lại hành trình đi tìm lại đạo đức, tìm lại câu trả lời cho câu hỏi: Con người phải sống như thế nào trong hoàn cảnh đổi thay hiện tại. Đoạn trích trong sách giáo khoa văn lớp mười hai được lấy ngay từ đoạn đầu tác phẩm. Không dài nhưng đủ để truyền tải những câu hỏi, những suy tư trăn trở của tác giả trước thực tế mà mọi thứ đã sắp rời khỏi ngưỡng cửa ranh giới của đạo đức văn hóa.

Tác giả đã dùng ngòi bút của mình để khắc sâu vào từng thực tế của tế bào xã hội, đó là những gia đình nhỏ. Gia đình gia giáo vốn yên ấm bao thế hệ của ông Bằng không biết từ khi nào đã xuất hiện vết nứt của đạo đức, chao đảo về văn hóa. Những tưởng cuộc sống vẫn như xưa nhưng không biết từ khi nào, cô con dâu vốn đảm đảm yêu và rất hãnh diện về chồng như Lý lại có tâm lý chán nản, khó chịu với gia đình. Từ khi nào mà cậu con trai út dần dần nổi loạn, đi ngược lại những dạy dỗ của ông, khiến cho cậu ta lao vào con đường không lối thoát phải đến cái chết. Khi cuộc sống mất cân bằng vì đói nghèo, những tiến bộ hiện đại xuất hiện không đều với tất cả mọi người khiến cho bao gia đình thời hậu chiến lung lay. Có rất nhiều vấn đề cần mà mọi người phải tỉnh táo cùng nhau để nhận định và nỗ lực gìn giữ chuẩn mực đạo đức văn hóa bao đời nay. Những người con của ông Bằng sau khi giải quyết xong đám tang của cha đang cố gắng để níu giữ hạnh phúc còn lại của gia đình, hàn gắn những vết nứt trong mối quan hệ giữa những con người tưởng chừng thân thiết nhất với nhau như quan hệ anh - em, vợ - chồng, chú - cháu,...Tất cả có lẽ chỉ thực sự kết thúc khi đọc được bức thư tuyệt mệnh của Cừ, thấy được sự trả giá của Lý cùng với tình yêu trong sáng luôn tồn tại trong Cần và tấm lòng vị tha của cô con dâu cả Hoài.

Tác giả đã khiến người đọc tiếp cận tác phẩm ngay sau khi gia đình ông Bằng nhận được tin Cừ bỏ trốn ra nước ngoài. Còn Đông, Luận cùng anh em đang tìm cách giấu ông Bằng vì cũng đã sát tết và họ sợ ông sẽ không chịu được cú sốc này. Ma Văn Kháng đã chọn cách vào đề trực tiếp, ngay lập tức có thể khiến cho người đọc có cảm giác xót xa, nuối tiếc cho một gia đình văn hóa, truyền thống bao đời để rồi giờ đây đến bữa cơm ngày Tết cũng không còn là bữa cơm sum họp nữa.

Vốn tưởng là hiển nhiên ai cũng vậy nhưng chính con người thời hiện đại, thời hậu chiến lại phải cố gắng tìm lại những giá trị của cuộc sống, tìm lại giá trị cổ truyền, giá trị ngày Tết. Cách tác giả chọn thời điểm cận Tết để vào đề bởi lẽ đây là lúc có thể tập trung đầy đủ nhân vật nhất, là nơi các nhân vật có thể bộc lộ được tính cách của mình. Và dẫu sao thì Tết vẫn là không gian đậm chất văn hóa tâm linh, trang trọng, thành kính của người Việt Nam ta, là lúc ta có thể tìm cầu trả lời cho câu hỏi làm gì để nuôi dưỡng văn hóa cho một con người. Từng nhân vật, từng chi tiết trong tác phẩm đều được tác giả chọn lựa kỹ càng để có thể bộc lộ được tất cả tính cách, suy nghĩ của nhân vật. 

Không chỉ nói về một gia đình mà tác giả đã khéo léo lồng ghép cả một nền văn hóa, nét đẹp chung của dân tộc. Nét đẹp đó thể hiện qua cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Đó là hình ảnh của lễ cúng Tết trang trọng với đĩa bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, có những chén rượu quê, có ngọn đèn dầu và có cả lễ cúng bài được sắp xếp bài bản. Quan trọng hơn cả, buổi lễ đó có sự thành kính từ con người, họ tôn trọng truyền thống, nhớ đến những người đã mất. Đây chính là thời điểm hai thế giới được va vào nhau, đó là thế giới ảo và thực, cõi âm cõi dương, cõi sống cõi chết, thế giới quá khứ và hiện tại, sự phân chia của thể xác và tâm hồn,...Chính qua hình ảnh bức ảnh thờ của bà Bằng, anh Tường, của những người đã khuất đã khơi gợi ra cuộc giao thoa thực tế mà kỳ lạ đó: “Khói hương và khung cảnh trầm tĩnh đưa hiện tại về quá khứ”. Ông Bằng - người trực tiếp dẫn dắt buổi lễ như bước vào thế giới khác, trong một vài khoảnh khắc dường như ông đã quên đi bản thân mình, quên hết không gian xung quanh. Trong ông lúc này chỉ có cảm xúc quen thuộc mà thiêng liêng ẩn hiện chập chờn như trong giấc chiêm bao. Giờ phút này con người ông như được thanh tẩy sạch sẽ trở nên tinh khiết, hướng thiện. Những nội dung trong lời khấn của ông đều bắt nguồn từ những tình cảm với cội nguồn quê hương đất nước. Lời khấn của ông như một sợi dây kết nối giữa hai thế hệ, giữa quá khứ với hiện đại với ước nguyện có thể vun đắp lại gia đình sắp vụn vỡ, củng cố mái ấm đang dần lung lay.

Nhà văn đã nhìn nhận được thấy cái nền tảng, điểm gắn bó giữa mỗi thành viên trong gia đình. Lời khấn của ông Bằng còn mang đậm tôn giáo truyền thống với những từ ngữ đặc thù,cổ kính "Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu..." Đây chính là cách tri ân tổ tiên, nhớ đến người đã khuất, tìm lại giá trị văn hóa dân tộc. Ông Bằng là hình tượng nhà nho mẫu mực nhưng lại sống trong hiện thực có phần nghiệt ngã bởi sự đổi thay của thế hệ. Dù không khí chuẩn bị vẫn như xưa, vẫn có mâm cơm thắp hương, vẫn có mâm ngũ quả, vẫn có con cháu tề tựu nhưng ông vẫn đau đớn hổ thẹn khi làm ảnh hưởng đến danh dự của tổ tiên. Ông Bằng thấy lòng ngổn ngang, mắt cay xè khi ông nghĩ đến người con trai út bị cuộc sống tha hóa, hắn xa rời lời dạy của ông, chọn cuộc sống bất cần từ bỏ gốc gác cội nguồn. Chính vì vậy, ông đã lặng lẽ loại bỏ tên người con út ra khỏi lời khấn bái tổ tiên của ông. Với người truyền thống như ông, chắc hẳn nỗi đau mất con còn không nghiêm trọng bằng việc truyền thống gia đình bao đời nay bị vấy bẩn. Chính vậy, cảnh ngày Tết sum họp yên bình bên nhau như báo trước cho một tương lai với hàng lớp bi kịch của thời buổi kinh tế không thể lường được hết. Tác giả Ma Văn Kháng như vẽ ra một trận chiến lớn trong một gia đình nhỏ bé mà chỉ dùng đạo đức và văn hóa làm vũ khí .

Mâm cỗ tất niên được cô dâu cả Lý và mọi người nỗ lực chuẩn bị công phu, chu toàn gợi nên bao xúc cảm với lòng kính trọng nhớ thương tổ tiên, tình cảm gia đình thương mến giữa các mối quan hệ ruột thịt thân thiết như anh em, con cháu, vợ chồng,...Nó vừa thỏa mãn được sự ấm no còn có thể toát lên được sự sang trọng thanh lịch của niềm kính cẩn. Mâm cỗ này đã gói gọn cả nền văn hóa ẩm thực của người Việt xưa với bao đặc sản như: bánh chưng, chả, nem, chân giò hầm măng, gà luộc, canh miến nấu lòng, vị quay, gà tần hạt sen,...Từng món ăn công phu không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt, tinh tế trong từng ánh nhìn. Nghi lễ cúng bái tổ tiên này vẫn thiêng liêng như vậy, vẫn là dòng chảy bí ẩn đưa con người về với cội nguồn, tìm về nơi gia đình giản đơn mà ấm áp nhất luôn chở che cho ta. Bữa cơm đó càng trở nên đủ đầy hơn khi có sự xuất hiện của chị Hoài với thái độ vui mừng đón tiếp của toàn gia đình. Chị Hoài xuất hiện là một chuyện không báo trước, không ai biết được bởi không ai nghĩ một cô con dâu đã đi bước nữa, đang tìm lại cho mình một gia đình hạnh phúc lại xuất hiện tại nhà chồng cũ ngay trong đêm tất niên. Sự xuất hiện của chị đã đem lại niềm xúc động khôn nguôi cho ông Bằng, đem lại sự phấn khởi cho toàn bộ anh chị em trong gia đình. Hai cô em dâu Lý và Phượng khi được gặp chị thì như thỏa lòng nhớ nhung mong ước ríu rít như những đứa trẻ. Phượng thì nồng hậu, sôi nổi, reo lên, mừng rỡ nắm lấy tay chị. Lý cũng không chịu thua kém khi lặp tức ôm chầm lấy chị rồi nức nở. Tất cả mọi người đều muốn biết được tình hình của nhau, họ dồn dập những câu hỏi về sức khỏe, về gia đình hay cả những câu chuyện thường ngày. Họ đã sử dụng cách đơn giản mà trực tiếp nhất để thể hiện tình cảm với nhau, họ chứng minh rằng giữa thời đại mà tình người dần xa cách, thói ích kỷ lên ngôi thì trong ngôi nhà nhỏ bé vẫn luôn thấm đẫm tình người. Nhưng xúc động nhất vẫn phải kể đến cảnh đoàn tụ của ông Bằng với chị Hoài khi ông bước từ trên cầu thang xuống, thấy cô con dâu mình yêu quý ông sững người lại   "mặt thoáng một chút ngơ ngẩn", mắt "chớp liên hồi", môi "lật bật không thành tiếng", như "sắp khóc oà", "giọng khê đặc, khàn rè",...Chị Hoài cũng xúc động không kém khi gần như không làm chủ được mình lao về phía người cha. Chị hấp tấp đến quên cả đi dép để lộ ra đôi bàn chân to bản với gót chân nứt nẻ như thể hiện cho cuộc sống lam lũ vất vả của mình.

Tình cảm gia đình càng trở nên xúc động mãnh liệt hơn do họ đã xa nhau quá lâu. Tình cảm cha chồng con dâu không bởi người con trai đã mất trở nên nhạt nhòa mà tình cảm đó còn chuyển dần về với tình cảm cha con ruột thịt khiến cho những người khác cảm động hơn. Đó là cô “Phượng quay mặt đi, mắt ngấn lệ, không nỡ nhìn cảnh gặp gỡ, không nỡ thấy đôi gót chân nứt nẻ của chị Hoài, ngực dội lên những cơn sóng nghẹn ngào và hai cánh mũi se se cay”. Tình yêu thương thiêng liêng đã được thể hiện qua những phút giây ngắn ngủi sum họp, qua từng cảm xúc hành động của mỗi người nhưng thể hiện đầy đủ văn hóa ứng xử của con người Việt Nam luôn sống vì tình cảm , luôn coi trọng đạo lý. Gia đình có người này người kia có người biến chất biến đổi tính nhưng vẫn còn những người giữ được tâm hồn nhân hậu luôn có mong muốn và nỗ lực giữ lại ngọn lửa cho gia đình.

Nhân vật chị Hoài chính là tiêu biểu cho lớp người nông dân chất phác, thật thà nhưng vẫn luôn bao dung và có hiểu biết của riêng mình. Dù đã có gia đình riêng, gia đình mới nhưng chị vẫn luôn lưu giữ cho mình những ký ức đẹp đẽ về ngôi nhà cũ của mình. Có cả những kỷ niệm hạnh phúc và đau khổ nhưng chị vẫn luôn giữ được trách nhiệm của người chị dâu cả, vẫn luôn giữ liên lạc với gia đình chồng. Chị tạm gác lại việc của gia đình riêng, trở về với gia đình cũ bởi cô là người hiểu nhất cảm xúc của các thành viên trong gia đình lúc này. Cô là biểu tượng cho lối sống ân tình thủy chung, sống có trước có sau mà mọi người cần phải học hỏi. Cô còn là cầu nối tình cảm cho gia đình mới và gia đình cũ khi chính những thành viên trong gia đình hiện tại của cô cũng rất quan tâm và yêu thương gia đình ông Bằng.

Ông Bằng là người lớn tuổi nhất trong gia đình, là người trọng văn hóa truyền thống nhất khi ông luôn có ý thức hướng về cội nguồn. Ông có những suy nghĩ mong muốn rất rộng khi ông luôn trăn trở giữa hoàn cảnh thời đại, suy nghĩ đến mối quan hệ giữa gia đình nhỏ với xã hội rộng lớn. Từ chính cách nói nhẹ nhàng nhưng luôn suy nghĩ đắn đo trước khi nói của ông khiến ông hiện ra như hình ảnh một ông đồ, một nhà nho tri thức luôn chỉnh tề nghiêm túc. Ông Bằng cũng chính là mắt xích quan trọng cho hiện đại với truyền thống, giữa các thanh viên nhỏ tuổi trong gia đình. Hai nhân vật chính xuất hiện cùng lúc để tôn lên vẻ đẹp tính cách của nhau, giữa một người phụ nữ thôn quê chân chất và một nhà nho đầy kiến thức từ đó hướng ra các nhân vật khác.

Tác giả Ma Văn Kháng đã có thành công trong sự nghiệp với tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn. Với góc nhìn chi tiết, sắc sảo của mình ông đã nhận ra bao điều nghiêm túc từ những cảnh tết sum họp quen thuộc nhà nào cũng có, năm nào cũng diễn ra. Tại thời điểm sáng tác, ông đã chủ động mang văn học gần dân hơn, hiện thực hơn, “đời” hơn. Nhà văn rất chú trọng vào tâm lý của từng nhân vật nên điểm nhìn được thay đổi linh hoạt liên tục, chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác khá uyển chuyển. Có khi người kể chuyện là một người giấu mặt không ở trong gia đình, có khi lại đổi sang điểm nhìn của ông Bằng, rồi đến Cần, Lý, Cừ,...Chính cách viết hiện đại này khiến cho thế giới nội tâm nhân vật rất phong phú, đa điểm nhìn, tạo ra nhiều cuộc đối thoại thú vị. Đoạn trích tuy chỉ thể hiện được chủ yếu tâm trạng nhân vật nhưng cũng tạo ra không khí gần gũi. Dù không kết thúc quá hạnh phúc nhưng cuối cùng mọi người cũng nhẹ nhàng hơn, tìm lại niềm vui cuộc sống hơn. Qua tác phẩm, nhà văn Ma Văn Kháng đã thể hiện được quan niệm của bản thân ông về văn hóa gia đình, là thứ vũ khí quan trọng của mỗi gia đình khi chiến đấu với những đổi thay biến chuyển của xã hội.

>> Tham khảo khóa học PAS THPT để được các thầy cô xây dựng lộ trình ôn thi tốt nghiệp chi tiết nhé! 

3.2 Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn mẫu 2

Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn là tác phẩm tiêu biểu của tác giả Ma Văn Kháng. Đây là tác phẩm tiêu biểu dẫn đầu cho văn học hiện đại đổi mới của giai đoạn cuối thế kỷ XX.

Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ ngày 30 Tết của gia đình ông Bằng với người con dâu cũ - chị Hoài. Đã rất lâu rồi Phượng không được gặp lại người chị dâu cả thân thiết của mình, lần cuối cùng gặp là vào ngày cưới của cô. Chị vừa về đến nhà đã được hai cô em nhiệt tình ra đón, cô về đúng lúc cả nhà đang mỗi người một việc chuẩn bị cho lễ cúng Tất niên đêm ba mươi Tết. Hẳn là do đúng thời điểm quan trọng này nên buổi hội ngộ càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Tác giả đã mô tả ngoại hình của Hoài qua con mắt của Phượng với hình ảnh người phụ nữ thôn quê chân chất trạc năm mươi tuổi, dáng người thon gọn trong chiếc áo bông chần hạt lựu. Gương mặt chị có cặp mắt hai mí rất sáng với khuôn miệng tươi, được che chắn bởi chiếc khăn len màu nâu ấm áp. Chị xách theo tay nải khá nặng, dáng vẻ tuy không ngơ ngác xa lạ nhưng lại đậm cảm giác bồi hồi nhớ thương. Tác giả rất tinh tế khi diễn tả tâm lý tình cảm nhân vật, trong suy nghĩ và trí nhớ của Phượng, chị Hoài chỉ hiện lên rất dịu dàng giản đơn nhưng lại rất sâu đậm. Dù không nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng chỉ qua một câu hỏi xã giao nhanh chóng, cô đã nhận ra người chị dâu thân thiết của mình. Chị Hoài cũng vậy, dù gần một thập kỷ xa cách nhưng một câu hỏi tu từ của chị cũng đủ để thể hiện cô nhớ ngôi nhà, nhớ từng con người trong gia đình như thế nào “Cô Phượng đấy như?”.

Ngay sau tiếng reo vui vẻ của Phượng, cô lập tức gọi mọi người ra đón. Anh Đông, chị Lý, Anh Luận nhanh chóng ùa ra đón chị với biểu cảm khó tin được, nửa tin nửa ngờ khi nhìn thấy chị. Có thể thấy việc chị Hoài xuất hiện ở thời điểm này là điều ngoài sức tưởng tượng của mọi người, khi chị đến thăm gia đình - đúng chiều ba mươi Tết. Cô đã rời gia đình này từ chín năm trước, khi người chồng cũ của cô - anh Tường hy sinh khi tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cô đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, xin bố mẹ chồng cho cô đi thêm bước nữa, tìm cho mình một gia đình mới sau thời gian dài để tang chồng. Nhưng dù có đi đâu cô vẫn luôn nhớ về gia đình cũ, nhớ về những người từng thân thiết nhất với mình. Khi cô trở về cũng là lúc mọi người trong gia đình bồi hồi nhất, họ nhớ đến người chị dâu trưởng đẹp người đẹp nết, luôn đối xử với mọi người rất tốt. Nhưng mọi người cũng hiểu rõ, dù nhớ dù thương cũng không thể giữ chị ở lại bởi giờ đây chị đã có một gia đình riêng, có những công việc lo toan riêng. Dù chị vẫn luôn giữ quan hệ rất gắn bó với gia đình này nhưng dù sao đây cũng là nơi để lại cho chị những kỷ niệm đau buồn mà chị có thể quên đi. Nhưng chị vẫn luôn ẩn mình trong gia đình đó, dù xa xôi nhưng mỗi khi gia đình có việc dù buồn dù vui chị đều quay về. Đó là khi mẹ chồng mất, chị cũng chủ động về chịu tang. Vào ngày cưới của Luận và Phương chị cũng về chúc mừng chia vui và giờ đây khi mà nhận được tin của cậu Cừ, chị cũng nhanh chóng trở về dù khi đó đã là ngày ba mươi Tết. Chị vẫn về thắp hương cho anh Tường, người chồng cũ đi đánh giặc không thể trở về, vẫn sợ cụ Bằng buồn mà bỏ cả công việc, bỏ cả gia đình nhỏ để trở về an ủi mọi người. Nhưng gia đình mới của chị cũng rất tốt, chồng mới và con cô rất hiểu chuyện và luôn ủng hộ cô khi hai đứa con cô vẫn luôn nhét quả vào tay nải, giục cô mau đi “Mẹ đi đi, không ông buồn, các chú, các cô mong!". Tay nải đầy nặng quà quê, với nếp tăng sản nhà trồng, với cây giỏ thủ chồng cô gói, với túi bột sắn dây và cả gói hạt giống mướp hương. Tuy những món quá không quá giá trị về mặt vật chất nhưng về tinh thần nó là vô giá, không gì có thể sánh bằng.

Khi ông Bằng biết người con dâu cũng sau nhiều năm xa cách về thăm, ông liền nhanh chóng chống batoong xuống cầu thang để gặp cô. Ông Bằng già đi rất nhiều, da đã xệ xuống, trên trán hằn đầy nếp gấp của thời gian đầy nỗi buồn suy tư. Nhưng ông vẫn luôn giữ được thói quen chỉn chu sang trọng với bộ comple đen kẻ sọc mờ, cài khuy chéo. Khi thấy Hoài, ông dường như không tin nổi mà sững đi trong vài giây, ông “sững lại”, “ngẩn ngơ”, mắt ông chớp liên tục, miệng nói không thành tiếng, ông như muốn òa khóc. Chị Hoài cũng không kém phần xúc động khi thấy bố, cô về phía ông Bằng, nghẹn ngào nấc lên tiếng “Ông”. Cụ Bằng cũng cố bình tĩnh lại, cất chất giọng khản đặc “Hoài đấy ư, con?”. Hai người cũng khóc, ông Bằng khóc, chị Hoài khóc, khóc vì niềm hạnh phúc bất ngờ. Ông Bằng nén lại xúc động hỏi thăm gia đình cô "Anh ấy và hai cháu vẫn khoẻ cả chứ, con?". Với ông Bằng cô hay chồng cũng đều là con ông, con cô cũng là những đứa cháu của ông. Chị Hoài lễ phép mà nhanh chóng trả lời ông, kể người chồng người con của cô đã mong được gặp ông đến như thế nào "Lẽ ra, anh ấy thu xếp công việc được cũng lên kính thăm ông dịp này. Cả các cháu nữa, bốn đứa, đứa nào cũng đòi đi. Nhất là thằng lớn, nó cứ bảo mấy lần nó qua Hà Nội mà chưa được vào nhà thăm ông, lần này rỗi rãi nó phải đi..." 

Buổi tiệc cúng Tất niên của gia đình ông Bằng chính là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam nói chung, người dân phía Bắc nói riêng. Đây chính là lễ truyền thông nơi kinh kỳ phản ánh được văn hóa đẹp đẽ nhớ về tổ tiên của mỗi gia đình Việt Nam. Bàn thờ gia tiên càng đủ đầy càng nói lên được những mong muốn hy vọng cho một năm mới tốt hơn của mỗi người. Bàn thờ gia tiên của nhà ông Bằng cũng vậy, luôn đủ đầy mọi thứ. Trên đó có ngọn đèn dầu lim dim mờ ảo, luôn nghi ngút khói hương, ở giữa là ảnh thân phụ thân mẫu ông Bằng, bên trái là bức di ảnh của bà Bằng tóc vấn khăn nhung mặt hoa da phấn, bên phải là ảnh anh Tường với áo trấn thủ ô quả trám và mũ ca lô nghiêng. Bàn thờ bày đầy đủ mâm ngũ quả, có cả cặp bánh chưng xanh được buộc lạt điểu, có thêm những chén rượu nhỏ được bày ngang trước ban thờ. Ông Bằng vẫn như mọi lần, làm chủ buổi lễ. Nay đã già, mái tóc bạc còn lơ thơ vài sợi, thành tâm chắp tay khấn trước ngực thì thầm khấn “Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con văng vẳng nghe đâu đây giáo huấn của ông cha tiên tổ. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, tổ tiên...". Sau đó ông khấn bà Bằng, khấn cậu cả Tường "Và em, cùng con trai cả của ba mẹ. Em cùng con đã mất và vẫn hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng dìu dắt tôi cùng các cháu, các con, các em..." Qua lời khấn của ông, chính chúng ta cũng có thể thấy được rằng hiện tại không bao giờ có thể cắt khỏi quá khứ, ông bà tổ tiên cũng không bao giờ rời xa con cháu cũng như những người ở lại luôn luôn nhớ tới những người đã mất. Tất cả những điều đó biến thành một dòng chảy thời gian không thể cắt rời, thủy chung mà bền chặt. Nhưng những lời khấn của ông Bằng dù rất thành kính nhưng lại run run, tâm trạng ông lâng lâng, khóe mắt cay xè, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ khi ông đã cứng rắn loại bỏ tên thằng út Cừ ra khỏi lời khấn. Các con ông đứng ngay ngắn phía sau ông, xúc động với từng lời nói của ông. Chị Hoài ánh mắt “đăm đắm ngước lên bàn thờ”, rồi khi cha khấn xong vừa buông tay chắp lui ra chị đã nhanh chóng "liền thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực". 

Dù có ở thời đại nào, dù có đổi thay ra sao thì tâm hồn của con dân Việt Nam vẫn thật sáng trong đẹp đẽ. Phong tục bản sắc văn hóa Việt Nam cũng thật đẹp, thật đáng để cho ta tự hào. Ông Bằng và các con cũng như mỗi người dân đều đang ngày ngày cố gắng lưu giữ được những nét truyền thống đó và giữ gìn phát huy đến các đời sau. Nét truyền thống đáng quý đấy còn thể hiện qua mâm cơm cúng Tết với đầy đủ các món đặc sản Hà Nội do tay cô bếp trường Lý - gái Hà Nội gốc đứng ra phụ trách chuẩn bị. Mâm cơm đầy đủ món ăn ngon mắt ngon miệng mà nhìn thôi cũng thấy thèm như: nem, giò chả, gà luộc, chân giò hầm măng, miến nấu lòng gà, rau củ xào, vịt hầm hạt sen, vịt tần, gà quay húng lìu,...Cô Lý đã rất tỉ mỉ chế biến từng món ăn, kỳ công nhất vẫn là món mọc. Đây không chỉ là một cô gái Hà Thành đầy đủ năng lực nữ công gia chánh mà còn thể hiện cô rất coi trọng bữa cỗ này, cô thành kính với gia tiên trên từng món ăn. Chính chương hai này tác giả Ma Văn Kháng đã thể hiện rõ nhất nét đẹp của văn hóa ngày Tết của người Hà Nội xưa. Cũng là cách ông tri ân, tôn vinh nét đẹp tâm hồn của con người Hà Nội qua từng nhân vật. Ông Bằng, cô Hoài, cô Lý,...mỗi người mỗi nét cá tính khác nhau, mỗi cách thể hiện khác nhau nhưng tề chung lại đều là những con người tốt đẹp luôn lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa dù nó đang dần mai một mỗi ngày.

>> Đừng bỏ lỡ COMBO sổ tay kiến thức các môn học, giúp các em ôn tập tốt hơn, nắm chắc kiến thức để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá năng lực nhé! 

3.3 Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn mẫu 3 

Nhà văn Ma Văn Kháng là một trong những tác giả có hoạt động sáng tác sôi nổi cũng như nổi bật nhất những năm sau 1975. Ông là nhà văn có nhiệt huyết với cách mạng và có nhiều đóng góp lớn đối với quá trình đổi mới nền văn học nước nhà. Trong con người ông có sự tinh tế, nhạy cảm với từng thay đổi của xã hội, của đất nước và đặc biệt là với con người trong giai đoạn chiến tranh kết thúc. Đó là lúc con người phải nỗ lực thay đổi sau chiến tranh, là lúc họ bước vào giai đoạn mới, cuộc sống mới. Một trong những tác phẩm nổi bật trong giai đoạn này của ông là tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, là câu chuyện về gia đình ông Bằng, về người con dâu lâu ngày về thăm nhà chồng cũ trong chiều ba mươi tết. Tác phẩm này cũng là thay lời nói của tác giả, nói về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những thay đổi của xã hội cũng không ngăn cản được tình cảm chân thành giữa con người với con người.

Đoạn trích mở ra với sự xuất hiện bất ngờ của chị Hoài. Đây là một người phụ nữ nông thôn điển hình, phúc hậu trạc tầm năm mươi tuổi. Không khó để nhận ra trước đây khi còn trẻ, chị cũng là người có nhan sắc khi đến tận giờ chị vẫn giữ được dáng “người thon gọn trong chiếc áo bông chần hạt lựu”. Chị có “khuôn mặt rộng có đôi mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi" vẫn nhanh nhẹn tươi tắn dù cuộc sống thôn quê đầy sương gió vất vả. Chị mang theo một tay nải đầy đồ, xách bộ từ ga tàu về đến nhà chồng cũ không chút tỏ ra mệt mỏi. Chị Hoài cũng là người phụ nữ số khổ khi chồng đầu mất do chiến tranh, sau này khi đi thêm bước nữa tìm được người đàn ông yêu thương mình với bốn đứa con đủ nếp đủ tẻ, cuộc sống hạnh phúc hơn nhưng cô vẫn luôn giữ cho mình liên lạc với nhà chồng cũ, vẫn luôn là thành viên quan trọng trong gia đình ông Bằng. Chín năm dài xa cách nhưng thời gian không những không thể khiến họ trở nên xa lạ mà còn giúp cho tình cảm mọi người càng đáng quý hơn. Chị Hoài cũng được miêu tả là kiểu phụ nữ đẹp người đẹp nết, sống biết trước biết sau, luôn chăm chỉ yêu thương giúp đỡ mọi người nên ngay khi cô về cả nhà đã vỡ òa cảm xúc vui mừng. Mọi người không thể không bất ngờ khi chị lại chọn về thăm nhà chồng cũ ngày chiều ba mươi tết, cô chọn ở đó ăn cơm tất niên mặc dù vẫn còn chồng và bốn đứa con ở nhà. Gia đình mới của cô cũng rất có tình có nghĩa, biết đối nhân xử thế ngay tại lời tâm tình của cô, khi bốn đứa trẻ đều muốn theo cô đi thăm gia đình ông Bằng, nhất là đứa con trai lớn. Có thể nói, cách ứng xử của chị Hoài rất tốt, là cầu nối cho hai gia đình cũ mới với nhau, giúp điều hòa mọi mối quan hệ, giúp những người ngoài không cùng máu thịt cũng có thể trở nên thân thiết, yêu thương nhau như ruột thịt chung một gia đình. Ngay khi vào nhà, chị Hoài đã nhanh chóng hỏi thăm từng thành viên trong gia đình. Cô còn hỏi về ông thợ mộc, về chú Đông tóc bạc,...có thể nói cô luôn chú ý đến từng người dù cô có ở một nơi xa xôi cách trở. Dù đã không còn ở trong gia đình nhưng cô vẫn luôn gửi thư về hỏi thăm cha chồng cũ - ông Bằng. Đặc biệt là khi biết tin của cậu Cừ, cô Phượng, chị Hoài đã vội vã lên thăm hỏi mọi người, lên thăm ông Bằng cho ông đỡ buồn dù đã ba mươi tết. Không ngại vất vả xa xôi, cô Hoài xách theo từng món quà quê cho mọi người, đó đều là những món quà giản dị tuy không có quá nhiều giá trị vật chất nhưng lại có giá trị tinh thần không gì sánh nổi. Đó là gói bột sắn dây cho những đứa trẻ nhà chị tự tay làm, là tải gạo nếp tăng sản nhà chị tự trồng, lá cây giò thủ - món khoái khẩu của ông Bằng do chồng chị tự nấu, còn cả gói hạt mướp hương cho chị em trồng,...Nhưng quý giá nhất vẫn là sự xuất hiện của chị, trong lúc cả gia đình không vui, chị Hoài xuất hiện như một niềm tin mới giúp cho mọi người mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thay đổi của cuộc sống và con người. Sự xuất hiện của chị còn như một sợi dây gắn kết, nối lại tình thân tình cảm của tất cả thành viên trong gia đình. Chị về giúp cho những ký ức vui vẻ ngày xưa khi gia đình còn đủ đầy thành viên mỗi ngày cũng trở lại, phần nào hàn gắn lại vết nứt tình cảm thời gian qua. Qua bữa cơm tất niên thân mật cũng có thể thấy được đối với gia đình ông Bằng thì chị Hoài không phải là một người con dâu cũ đã xa cách chín năm mà là một thành viên không thường trực tại nhà nhưng chỉ cần có chuyện là chị sẽ xuất hiện với tấm lòng nhân hậu để đánh thức tình cảm gia đình họ.

Cảnh xuất hiện của chị Hoài với anh chị em trong gia đình càng náo nhiệt bao nhiêu thì khi chị Hoài gặp lại ông Bằng càng nghẹn ngào xúc động bấy nhiêu. Tuy người con trai cả đã hy sinh nơi chiến trường, chị Hoài cũng đã xa gia đình hơn chục năm, cũng đã là con dâu của người khác nhưng ông thực sự rất yêu quý người con dâu cũ này. Khi nghe thấy tin chị đến, ông đã vội chống gậy xuống nhà. Người cha uy nghiêm sang trọng ngày nào nay đã già thật rồi. Vẫn bộ comple kẻ sọc đấy, vẫn phong thái nghiêm trạng đấy nhưng ông đã gầy hơn rất nhiều. Ông vẫn cố giữ cho mình bước đi ngay ngắn, tinh thần tỉnh táo vui vẻ khỏe mạnh để người con dâu của mình bớt lo lắng. Nhưng ngay khi thấy Hoài, ông vẫn không nén được xúc động, ông thoáng ngẩn ngơ như không thể nào tin vào những gì mình đang nhìn thấy. Quá vui mừng, quá nghẹn ngào khiến cho "mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa". Chỉ những cảm xúc đó thôi cũng có thể hiểu được rằng, ông đã nhớ mong chị Hoài thế nào. Chị Hoài cũng vậy, khi thấy người cha già, cố cũng không nén được xúc động như trở về làm trẻ con khi "gần như không chủ động được mình, chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản, gót nứt nẻ thâm đen, giẫm trên nền đá lạnh, kịp hãm lại khi cách ông già khoảng hai hàng gạch hoa". Cả hai người đều nghẹn ngào, chào nhau bằng chất giọng khàn đặc nức nở. Chị Hoài phải mất một lúc mới thốt lên được từ “Ông”, còn ông Bằng vẫn như không thể tin mà hỏi “Hoài đấy ư, con?”. Những cung bậc cảm xúc có phần cường điệu này đều trở nên hợp lý khi một phần do hai người đã quá lâu không gặp nhau, lại còn là trong thời gian nhạy cảm với gia đình ông, giúp ông phần nào giải tỏa được nỗi buồn, nỗi cô đơn. Ông dường như cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, khi chỉ có ông đang ngày ngày chiến đấu với sự mai một của văn hóa, chiến đấu với những thứ làm rạn nứt tình cảm gia đình ông.

Vẻ đẹp truyền thống Hà Nội xưa thể hiện rõ nhất trong khung cảnh ngày tất niên. Đó là ngôi nhà ấm cúng với đầy đủ con cháu tứ xứ tụ về, cùng nhau chuẩn bị bàn thờ gia tiên, chuẩn bị mâm cơm. Trên bàn thờ nhà ông Bằng có đầy đủ đèn đâu, sắp xếp cẩn thận từng bức ảnh thờ của người đã mất, có thêm mâm ngũ quả, có đôi bánh chưng, có những chén rượu và đặc biệt không bao giờ thiếu khói nhang. Ông Bằng là chủ gia đình, là người đại diện gia đình đọc bài tế lễ. Ông cẩn thận chỉnh lại cà vạt, soạt lại hàng khuy áo xem có lỗi không, cẩn thận hắng giọng thắp hương, khấn vái, thành kính với tổ tiên. Lời khấn của ông cùng với mâm cơm tươm tất có đầy đủ đặc sản Hà Nội như gà luộc, giò chả, miến gà, vịt tần,...và cả cành quất đều thể hiện được sự thành kính, cẩn trọng trong từng khâu chuẩn bị.

Mỗi năm chỉ có một lần, cả nhà sum họp bên mâm cơm cũng như không khí đầu năm mới khiến cho mọi người đều hân hoan, đều cố gắng làm một buổi lễ tươm tất đủ đầy chào đón đầu xuân năm mới. Đấy cũng là không khí của hàng triệu gia đình Việt Nam mỗi khi xuân tới Tết về, họ luôn cố gắng gìn giữ truyền thống này. Dù thời đại đổi thay, con người trở nên bận rộn hơn nhưng cũng không thể khiến họ sơ sài bỏ qua những truyền thống tốt đẹp này. 

Qua đoạn trích Mùa lá rụng trong vườn đã phần nào thể hiện được suy nghĩ của nhà văn Ma Văn Kháng về sự thay đổi của xã hội khiến con người cũng có phần đổi thay. Nhưng những truyền thống tốt đẹp cũng như những tình cảm đáng quý của người thân trong gia đình sẽ không bao giờ phai nhạt bất kể ngoại cảnh có ra sao. Tác giả cũng đã nói lên những thực cảnh của xã hội thời đó, nói lên những vấn đề nóng, nhức nhối đang nổi lên với mỗi người. Nền kinh tế thị trường, sự đói nghèo sau chiến tranh cũng như sự du nhập những cái mới từ nước ngoài khiến cho tam quan con người dường như bị lung lay. Ông cũng mong muốn con người Việt Nam dù có học hỏi những cái mới cái tốt nhưng cũng không thể nào quên đi truyền thống ngàn đời nay của cha ông để lại.

 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

3.4  Phân tích cuộc gặp gỡ của chị Hoài và mọi người trong gia đình

Nền văn học Việt Nam sau giai đoạn kháng Mỹ thành công có nhiều sự thay đổi trong cảm hứng sáng tác. Các nhà văn không còn bàn đền những vấn đề mang tính sử thi, tập thể nữa mà đi sâu vào những số phận trong cuộc sống đời thường, những cá nhân cụ thể. Ở thời điểm đó, Đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là thời kỳ chuyển giao từ nền kinh tế lạc hậu, bao cấp sang nền kinh tế tự chủ, thị trường. Cùng với sự thay đổi của Đất nước chính là sự thay đổi của tâm lý người dân Việt Nam. Nắm bắt được điều đó, Ma Văn Kháng là một cây bút nổi trội và giàu sức sáng tạo của văn học Việt Nam đã nhanh nhạy nắm bắt tâm lý của con người thời điểm đó để viết nên những tác phẩm ấn tượng. Trong đó không thể không kể đến tác phẩm “ Mùa lá rụng trong vườn”. Tác phẩm này tác giả đã xoáy sâu vào sự thay đổi và mối quan hệ rạn nứt của những người con trong một gia đình nề nếp, gia phong. Đồng thời tác giả cũng dấy lên sự lo ngại về truyền thống văn hóa dân tộc bị mai một trước những đổi thay của Đất nước. Trong đoạn trích từ chương hai của tác phẩm, Ma Văn Kháng đã kể lại cuộc gặp gỡ của chị Hoài và các thành viên trong gia đình. Cuộc gặp gỡ này đã để lại trong người đọc nhiều xúc cảm mãnh liệt. 

Vì sao lại nói cuộc gặp gỡ của chị Hoài và các thành viên trong gia đình ông Bằng lại đặc biệt? Có lẽ bởi chị Hoài chỉ là con dâu cũ của gia đình ông, chị là vợ của người con trai cả của ông Bằng, nhưng anh đã hi sinh trong kháng chiến. Về chị Hoài, chị đã đi thêm bước nữa và có một gia đình hạnh phúc riêng của mình cùng 4 người con ngoan ngoãn. Chị Hoài đã chín năm không trở lại gia đình chồng cũ bởi ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng của mình. Thế nhưng chị Hoài không chỉ là người con dâu tốt mà cũng là một người chị dâu biết đối nhân xử thế, sống vui vẻ và chan hòa với gia đình chồng nên được tất cả các thành viên trong gia đình ông Bằng đều quý mến. Cho dù sau này chị đã đi bước nữa, trở thành con dâu cũ thì chị vẫn theo dõi nhịp sống của gia đình chồng cũ, chị vẫn nắm bắt được tình hình và những sự chuyển biến của từng cá nhân trong gia đình, chị vẫn thường xuyên gửi thư thăm hỏi bố chồng cũ. Lối sống thủy chung, biết điều và nhân hậu của chị không chỉ được gia đình ông Bằng yêu thương mà chính chồng mới và các con của chị cũng rất cảm thông, thấu hiểu. Điều đó đã bộc lộ qua chi tiết khi chị đến thăm nhà chồng cũ, các con của chị còn đòi đi theo để thăm ông Bằng, làm bột sắn dây, chồng chị còn gói giò cho chị đem theo làm quà tặng. Đặc biệt là thời điểm chị lên Hà Nội thăm gia đình ông Bằng vào chiều 30 tết mà chồng chị vẫn vui vẻ đưa chị ra bến xe. 

Còn về phía gia đình ông Bằng, cho dù đã chín năm xa cách không gặp nhau nhưng trong câu chuyện của họ vào ngày cuối năm, tên chị vẫn được nhắc đến với niềm nhớ nhung, tha thiết trong những câu chuyên. Cho đến khi họ nhìn thấy một người đàn bà tay xách nách mang, tuổi trạc tầm 50 nhưng vẫn giữ được nét đẹp duyên dáng đến gõ cửa nhà thì họ đã rất bất ngờ và vô cùng xúc động. Người em chồng tên Phượng khi nhìn thấy chị thoạt đầu còn dè dặt, vừa mừng nhưng cũng lo lắng sợ nhận nhầm chị dâu của mình. Sau khi xác định được đó chính là chị Hoài thì không kìm được vui sướng mà quay ngoắt về phía sau gọi các anh chị em của mình ra đón chị “Chị Hoài, chị Hoài lên! Anh Đông, chị Lý, anh Luận ơi!". Tâm trạng kích động của Phượng đã cho chúng ta thấy được sự xúc động khó tả khi gặp lại người chị dâu không chỉ đẹp người mà còn đẹp cả nết, người chị dâu mà cả gia đình muốn giữ nhưng lại không dám. 

Cuộc gặp gỡ của chị Hoài cùng các thành viên trong gia đình ông Bằng diễn ra thật vui vẻ và hạnh phúc. Mỗi người trong gia đình ông Bằng đều có cách biểu đạt tâm trạng và tình cảm của mình với chị. Em Phương thì “ sôi nổi, nồng hậu” xách tay nải giúp chị, Lý thì ôm chầm lấy người chị dâu trưởng nức nở nói chuyện còn Luận thì bùi ngùi kể việc chị đã gần 10 năm không nên Hà Nội. Đó là cuộc gặp gỡ đầy xúc động vào buổi chiều 30 tết, một cuộc đoàn tụ hoàn toàn bất ngờ, không có báo trước của những con người đã xa cách nhau hàng chục năm trời trong thời đại tin tức thưa thớt. Gần 10 năm xa cách, chắc hẳn người đọc sẽ tưởng rằng cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài và các thành viên trong gia đình chồng cũ sẽ gượng gạo, bối rối. Thế nhưng, ở chị Hoài, một người phụ nữ không chỉ vui vẻ mà còn chu toàn thì không thể nào để điều đó xảy ra được. Bởi có lẽ, cho dù ở xa, nhưng chị vẫn dõi theo từng sự kiện, từng thay đổi của các thành viên trong gia đình chồng cũ.Cuộc gặp gỡ này xảy ra hoàn toàn tự nhiên, mọi người hòa vào câu chuyện một cách rất bình thường, sôi nổi kể cho chị nghe về những câu chuyện sinh hoạt xảy ra trong cuộc sống. Chị Hoài cũng tâm sự về cuộc sống của chị, từ chuyện đồng áng đến chuyện gia đình, hoàn toàn không có khoảng cách với các em. Mọi người dường như đều hòa vào câu chuyện, không cần kiêng dè mà thoải mái thể hiện tính cách của mình. Mọi người hỏi thăm tình hình công tác của chị Hoài, rồi chị lại hỏi thăm ông Bằng, hỏi chuyện của cô Phương rồi đến những người khác như chú Đông, cháu Dư, cô Lý… Qua câu chuyện giữa chị Hoài và các thành viên, chúng ta càng thấy rõ hơn sợi dây gắn bó tình cảm không thể nào đứt đoạn của chị và gia đình chồng cũ, cho dù chị đã rời đi nhiều năm nhưng chị vẫn biết và thấu hiểu cuộc sống của mọi người như chính chị đang sống ở đây. Điều đó càng khiến cho các thành viên trong nhà, đặc biệt là cô Phượng, ông Bằng cảm động sâu sắc. Chị còn mở tay nải, gửi cho từng người món quà quê lại càng khiến cho chúng ta yêu thương, cảm phục tấm lòng nhân hậu thủy chung của chị cùng với tấm chân tình của gia đình mới của chị.

Sau cuộc gặp gỡ với những người em chồng, đoạn trích còn để lại ấn tượng trong lòng người đọc ở cảnh chị Hoài gặp mặt người cha chồng cũ, một người đàn ông đang phải đau khổ vì sự rạn nứt của các thành viên trong nhà. Nếu như cuộc gặp của chị Hoài và các em sôi nổi bao nhiêu thì khi gặp cha chồng, chúng ta lại thấy được sự ngậm ngùi và xúc động bấy nhiêu. Mặc dù ông Bằng đã nghe tiếng chị Hoài về từ sớm, nhưng phải đến khi đến giờ cúng giao thừa, ông mới xuống nhà và cố bước đi với những bước ngay ngắn, chỉnh tề. Còn chị Hoài, mặc dù đã chạc 50 nhưng chị vẫn không thể giấu được nỗi vui mừng và xúc động khi gặp lại cha chồng của mình sau gần mười năm xa cách. Lúc này, sự xúc động đã thể hiện qua hành động của chị, như một đứa trẻ “ chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản, gót nứt nẻ thâm đen, giẫm trên nền đá lạnh, kịp hãm lại khi cách ông già khoảng hai hàng gạch hoa". Còn ông Bằng thì ngẩn ngơ vì xúc động mà "mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa". Cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài và ông Bằng đã bộc lộ rõ hơn cho chúng ta thấy được tình cảm gắn bó thiết tha giữa chị và gia đình chồng cũ. Chị Hoài mặc dù đã lấy chồng mới, nhưng trong trái tim của mỗi thành viên trong gia đình, chị luôn có một vị trí quan trọng. Qua cuộc gặp gỡ này, chúng ta dần hiểu ra có lẽ chị Hoài chính là cầu nối tình cảm giữa các thành viên ấy. Khi chị về thăm gia đình chồng cũ trong ngày 30 tết, phần nào đã giúp lấp đầy những lỗ hổng, những rạn nứt trong tình cảm của các thành viên trong nhà. Và sự xuất hiện của chị Hoài đã làm ông Bằng vơi bớt đi nỗi cô đơn trước sự thay đổi và trong cuộc đấu tranh gìn giữ các giá trị truyền thống. Đồng thời sự xuất hiện của chị Hoài đã an ủi và tạo cho ông có thêm niềm tin mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ được hàn gắn tốt đẹp hơn. 

Có thể nói rằng, cuộc gặp gỡ của chị Hoài và các thành viên trong gia đình ông Bằng đã củng cố thêm niềm tin vững chãi của các gia đình trong thời điểm đất nước có sự chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh. Cuộc gặp gỡ ngay trong ngày cuối năm, trước thềm năm mới lại càng làm nổi bật hơn ý nghĩa sum họp của gia đình ông Bằng. Đồng thời qua đoạn trích, chúng ta càng hiểu rõ hơn sự trân trọng của tác giả Ma Văn Kháng trước những mối quan hệ tình cảm gắn bó thủy chung giữa con người trong thời đại mới. 

Mùa lá rụng trong vườn là một tác phẩm hay và ấn tượng của nhà văn Ma Văn Kháng. VUIHOC đã đưa ra một số cách phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn với nội dung chi tiết nhất. Hy vọng bài viết này có thể giúp các em hiểu thêm về tác phẩm cũng như giúp cho bài văn của các em hoàn thiện hơn. Ngoài văn học, Vuihoc cũng có bộ tài liệu các môn khác nhau cho các em tham khảo trong quá trình ôn tập thi tốt nghiệp THPT.  Hãy truy cập Vuihoc mỗi ngày để điểm giúp điểm số ngày càng cao hơn nhé.

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

 

 

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Hotline: 0987810990