Soạn bài Muối của rừng| Văn 12 tập 1 Cánh diều
Muối của rừng - truyện ngắn mang thông điệp ý nghĩa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hãy cùng VUIHOC Soạn bài muối của rừng Ngữ Văn 12 tập 1 chương trình Cánh diều tìm hiểu thông điệp của tác giả và chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp.
1. Soạn bài Muối của rừng: Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 20 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Đọc trước truyện ngắn Muối của rừng, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Huy Thiệp.
Phương pháp giải:
Học sinh tìm hiểu qua Internet, sách, báo những thông tin phù hợp về tác giả
Lời giải chi tiết:
- Tác giả Nguyễn Huy Thiệp:
+ Sinh năm 1950
+ Quê quán: Huyện Thanh Trì, Hà Nội
+ Là nhà văn có vai trò trong việc đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật của văn xuôi Việt Nam đương đại.
+ Viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, thơ, tiểu luận văn chương... nhưng đặc sắc nhất là truyện ngắn.
+ Tác phẩm nổi tiếng: Chảy đi sông ơi, Tướng về hưu, Tuổi 20 yêu dấu,..
2. Soạn bài Muối của rừng: Đọc hiểu
2.1 Thời điểm ông Diểu chọn để đi săn đem lại cho em suy nghĩ gì?
Phương pháp giải:
Học sinh đọc lại đoạn đầu tác phẩm và trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
Ông Diểu chọn thời điểm đi săn khi thiên nhiên đang ở giai đoạn đẹp nhất, với mưa xuân ấm áp và rừng xanh tươi ẩm ướt. Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất trong rừng, phản ánh tình yêu và sự hòa mình của ông với thiên nhiên. Ông Diểu biết cách tận dụng những điều kiện thuận lợi nhất từ thiên nhiên để sinh tồn. Qua chi tiết này, tác phẩm cũng thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, cho thấy tình yêu và sự hòa hợp của con người với môi trường xung quanh.
2.2 Tại sao chi tiết kì ảo xuất hiện ở đoạn văn này?
Phương pháp giải:
Học sinh đọc lại tác phẩm và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Chi tiết sương mù cuồn cuộn dâng lên sau khi chú khỉ con rơi xuống mang lại cảm giác lạnh lẽo, biểu tượng cho sự chết chóc và lòng người lạnh lùng. Qua đó, chi tiết này cũng phản ánh sự mờ mịt và rối rắm trong tâm hồn của nhân vật.
2.3 Tại sao ông Diểu lại tránh nhìn vào đôi mắt con khỉ?
Phương pháp giải:
Học sinh đọc kỹ tác phẩm và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Con khỉ đực "co rúm người lại và nghiêng đôi mắt ươn ướt nhìn ông" vì tin tưởng và dựa dẫm vào ông Diểu. Sự tin cậy của loài vật khiến ông bị đặt vào tình thế phải làm người tốt, dù ông vốn là kẻ săn mồi và không có ý định từ bỏ mục tiêu của mình. Khi nhìn vào mắt con khỉ, ông thấy ánh nhìn cầu khẩn và ươn ướt của nó, khiến ông cảm thấy tội lỗi vì những gì mình đã gây ra. Ông nhận ra mình đã phá vỡ hạnh phúc của một gia đình khỉ, để lại trước mắt một con khỉ đang hấp hối và chịu đau đớn tột cùng.
Hành động tránh nhìn vào đôi mắt tội nghiệp của con khỉ phản ánh sự chuyển biến nội tâm của ông Diểu. Ông biết rằng nếu tiếp tục nhìn vào ánh mắt đó, sự đau thương và cầu cứu của con khỉ sẽ làm ông mủi lòng, khiến ông không thể hoàn thành mục đích bắt giữ nó.
2.4 Tại sao ông Diểu lại vội vã bỏ đi?
Phương pháp giải:
Học sinh đọc kỹ tác phẩm và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Trước khi rời đi, ông Diểu ngồi yên lặng, suy nghĩ về việc phóng sinh con khỉ đực, ông trăn trở, phân vân không biết quyết định của mình có đúng đắn hay không. Những vất vả và hi sinh mà ông đã trải qua càng làm ông thêm đắn đo. Hành động vội vã bỏ đi thể hiện sự quyết tâm và dứt khoát của ông, cho thấy ông đã quyết định phóng sinh con khỉ mà không ngoái lại.
Đăng ký ngay với VUIHOC để sở hữu cuốn sổ tay Ngữ Văn tổng hợp kiến thức và các tips học văn cực kỳ thú vị!
3. Soạn bài Muối của rừng: Trả lời câu hỏi cuối bài
3.1 Câu 1 trang 24 SGK Văn 12/1 Cánh diều
Truyện Muối của rừng có thể chia làm mấy phần? Hãy mô hình hóa câu chuyện bằng một sơ đồ thích hợp
Phương pháp giải:
Học sinh đọc kỹ tác phẩm và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
- Truyện chia làm 4 phần
+ Phần 1 : “Sau tết Nguyên Đán...hang động đá vôi” : Mô tả bối cảnh cuộc đi săn của ông Diểu
+ Phần 2 : “Nhặt đất đá ném...Bết bên vai nó” : Hành trình ông Diểu truy đuổi chú khỉ trong rừng
+ Phần 3: “Ông Diểu đặt tay lên...chỗ con khỉ đực nằm” : Quá trình ông Diểu băng bó, chữa trị và quyết định phóng sinh chú khỉ
+ Phần 4 : Đoạn còn lại : Cảnh ông Diểu ra về và gặp hoa tử huyền trong làn mưa xuân
Mô hình hóa câu chuyện:
3.2 Câu 2 trang 24 SGK Văn 12/1 Cánh diều:
Truyện được kể từ điểm nhìn nào? Mối quan hệ giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật.
Phương pháp giải:
Học sinh đọc kĩ nội dung của văn bản truyện.
Lời giải chi tiết:
Truyện được kể từ điểm nhìn của người kể chuyện, tức là tác giả.
Mối quan hệ giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật: Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của ngôi thứ ba nhưng tập trung trần thuật câu chuyện theo điểm nhìn của nhân vật, đưa ra những suy nghĩ cũng như quan sát của nhân vật về sự kiện mà cụ thể là góc nhìn của ông Diểu về cuộc đi săn và những chú khỉ. Điểm nhìn này giới hạn trong tầm hiểu biết và trải nghiệm của ông Diểu.
→ Cách kể này giúp thể hiện nhiều khía cạnh nội tâm, hành động và suy nghĩ của nhân vật một cách khái quát và sâu sắc.
3.3 Câu 3 trang 24 SGK Văn 12/1 Cánh diều:
Nguyên nhân nào khiến ông Diểu muốn đi săn? Hoạt động đi săn của ông Diểu được miêu tả như thế nào trong truyện?
Phương pháp giải:
Học sinh đọc kĩ phần đầu của tác phẩm và tìm các chi tiết mô tả hoạt động đi săn của ông Diểu.
Lời giải chi tiết:
Nguyên nhân khiến ông Diểu muốn đi săn là do tiết trời mùa xuân đẹp đẽ, mọi vật đều tràn đầy sức sống và không khí trong lành, mát mẻ. Thêm vào đó, đứa con học ở nước ngoài gửi về tặng ông khẩu súng hai nòng, điều này đã thúc đẩy ý nghĩ đi săn của ông.
Hoạt động đi săn của ông Diểu được miêu tả rất chi tiết và cụ thể:
- Trang phục đi săn: “nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ”, “mang theo cả nắm xôi nếp”
- “Ông đi men theo suối cạn, cứ thế ngược lên mó nước đầu nguồn”
- “Phát đạn của ông Điểu trúng vào vai khỉ bố, khiến nó ngã nhào xuống đất”
- “Ông Diểu tức giận cầm khẩu súng ném về phía trước”
- “Nhặt đất đá ném theo lũ khỉ, ông Điểu vừa đuổi vừa la”
- “Ông Diểu dồn con khỉ nhỏ đến bờ miệng vực”
>> Xem thêm: Soạn văn 12 cánh diều
3.4 Câu 4 trang 24 SGK Văn 12/1 Cánh diều:
Tìm và phân tích nguyên nhân khiến ông Diểu đi đến quyết định phóng sinh con khỉ đực.
Phương pháp giải:
Học sinh đọc kỹ tác phẩm và tìm các chi tiết chỉ ra nguyên nhân ông Diểu quyết định phóng sinh con khỉ đực và phân tích chúng.
Lời giải chi tiết:
Ông Diểu quyết định phóng sinh con khỉ đực vì nhận ra nó có gia đình và trách nhiệm với bầy đàn của mình. Hành động đi săn sẽ giết chết con khỉ đực và phá hoại một gia đình. Khi ông nhìn thấy con khỉ cái thập thò sau một gốc cây, theo dõi từ xa, ông cảm thấy buồn tê tái và nhận ra trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật nặng nề biết bao. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay sống mũi: "Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề."
Khi chứng kiến nỗi đau của khỉ đực và tình yêu của khỉ cái, ông Diểu nhận ra rằng cả thiên nhiên và con người đều có số phận, tính cách, tâm hồn và đời sống tình cảm riêng. Bản tính tự nhiên của loài vật là thiện, vô tư, hồn nhiên và trong sáng. Chính điều này giúp con người nhận thức được giá trị của tình yêu thương.
→ Sự thay đổi trong cách nhìn nhận của ông Diểu về gia đình khỉ đánh dấu mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa con người và thiên nhiên.
3.5 Câu 5 trang 24 SGK Văn 12/1 Cánh diều:
Thống kê và phân tích ý nghĩa của những yếu tố kì ảo trong Muối của rừng. Những chi tiết này thể hiện chủ đề nào của tác phẩm?
Phương pháp giải:
Học sinh xem lại tác phẩm rồi liệt kê và phân tích các yếu tố kì ảo trong truyện.
Lời giải chi tiết:
Những yếu tố kì ảo trong "Muối của rừng":
- Không gian kỳ ảo: “Từ dưới miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông rất kinh dị, vừa đầy tử khí. Sương mù len vào từng chân bụi cây và xóa rất nhanh cảnh vật.”
→ Ý nghĩa: Không gian núi rừng trở nên vô cùng lạnh lẽo và u ám với làn sương mù dày đặc, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc về sự khắc nghiệt và bí ẩn của thiên nhiên.
- Hình ảnh hoa tử huyền: “Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.”
→ Ý nghĩa: Hoa tử huyền, dù không tồn tại trong thực tế, qua ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, trở thành biểu tượng của "muối của rừng", kết tinh những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Hình ảnh này gợi nhắc đến niềm tin vào bản chất thuần khiết, đẹp đẽ của thiên nhiên và con người.
- Chủ đề của tác phẩm: Tác phẩm đề cao sự vị tha và hướng thiện của con người, cùng với vẻ đẹp của thiên nhiên và sự liên kết gắn bó giữa con người và tạo hóa.
→ Ý nghĩa: Qua những yếu tố kỳ ảo, "Muối của rừng" tôn vinh sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, đồng thời khẳng định niềm tin vào những giá trị cao đẹp và tinh túy trong cuộc sống.
3.6 Câu 6 trang 24 SGK Văn 12/1 Cánh diều:
Theo Ha-ra-ri ( Harari), có một quan niệm cho rằng: “Các sinh vật không phải người không có giá trị tự thân nào cả, chúng chỉ tồn tại vì lợi ích của chúng ta mà thôi”. Đọc truyện ngắn Muối của rừng, em có tán thành quan niệm đó không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Học sinh đọc kĩ nội dung tác phẩm và liên hệ, phân tích với quan điểm của Ha-ra-ri.
Lời giải chi tiết:
Em không đồng ý với quan niệm rằng: “Các sinh vật không phải người không có giá trị tự thân nào cả, chúng chỉ tồn tại vì lợi ích của chúng ta mà thôi” vì:
-
Khi đọc truyện ngắn "Muối của rừng", chúng ta có thể thấy rằng các loài sinh vật đều có thế giới cảm xúc, tâm trạng và tình cảm riêng, tương tự như con người. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tài tình miêu tả sự đau đớn của con khỉ đực, cũng như tình yêu và tình cảm gia đình sâu sắc của bầy khỉ qua ngòi bút của mình.
-
Khi con khỉ đực bị bắn và ngã xuống đất, khỉ mẹ đã quay lại để dìu khỉ bố chạy trốn. Khỉ con xuất hiện và cố gắng cướp súng của ông Diểu nhưng lại bị rơi xuống vực. Tác giả cũng mô tả hình ảnh con khỉ đực bị thương, chậm rãi kêu và ánh mắt thành khẩn cầu xin về phía ông Diểu. Khi ông Diểu định mang con khỉ về như một chiến lợi phẩm, sự xuất hiện của con khỉ cái đã khiến ông thay đổi cách nhìn về gia đình loài khỉ và nhận ra rằng “trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.”
→ Nhân vật Diểu trong tác phẩm, cũng như mỗi độc giả, đều nhận ra rằng thiên nhiên và các sinh vật đều có tình cảm và giá trị riêng. Thiên nhiên và con người có một mối liên kết chặt chẽ, và chúng ta cần có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên.
Em không đồng ý với quan niệm trên, bởi em tin rằng mỗi loài sinh vật đều có giá trị riêng và góp phần vào việc cân bằng hệ tự nhiên. Không chỉ con người, mà các loài sinh vật cũng có suy nghĩ và thực hiện những công việc của chúng. Qua truyện ngắn “Muối của rừng”, em nhận thấy rằng ngay cả ông Diểu cũng phải thốt lên “trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.” Nguyễn Huy Thiệp đã nhận ra giá trị tự thân của mỗi loài sinh vật, không chỉ ở con người. Động vật cũng biết nhận thức và biết đau thương. Vì vậy, chúng ta cần phải trân trọng và bảo vệ các loài động thực vật, vì chúng đóng góp rất lớn vào việc cân bằng hệ sinh thái.
PAS VUIHOC – GIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA
Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:
⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+
⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích
⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô
⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi
⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề
⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập
Đăng ký học thử miễn phí ngay!!
Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Muối của rừng Văn 12 tập 1 Cánh diều. Để học nhiều hơn các kiến thức của tất cả các môn học, các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!
>> Xem thêm: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên