Soạn bài Nghị luận về một bài thơ đoạn thơ - Ngữ Văn 12
Văn nghị luận về một bài thơ đoạn thơ là kiến thức quan trọng không chỉ với bài thi học kỳ mà còn trong thi THPT Quốc gia. Để không gặp khó khăn khi gặp dạng bài này, VUIHOC đã tổng hợp tất cả kiến thức kèm phần luyện tập cho cho các em trong bài viết dưới đây.
1. Kiến thức văn Nghị luận về một bài thơ đoạn thơ
1.1. Khái niệm
Nghị luận thơ (đoạn trích hay tác phẩm nhất định) là dạng bài có sử dụng những thao tác làm văn để làm rõ phong cách nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm đã ảnh hưởng tới cảm xúc tư duy nghệ thuật, thẩm mỹ hay liên tưởng sâu sắc của tác giả.
1.2. Đối tượng và nội dung của bài nghị luận
Đối tượng mà một bài văn nghị luận về thơ hướng đến rất phong phú: có thể là một đoạn thơ, bài thơ, hình tượng hay quan điểm nhận xét về tác phẩm thơ thông qua ngôn từ, âm thanh, hình ảnh, cấu từ, nhịp điệu,.. của bài thơ và đoạn thơ.
Các nội dung chính của bài văn nghị luận về thơ:
Giới thiệu khái quát, sơ qua về tác phẩm.
Phân tích, bàn luận về các giá trị về nội dung lẫn nghệ thuật mà bài thơ, đoạn thơ mang đến.
Tổng quát, đánh giá chung về tác phẩm.
1.3. Kỹ năng làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
a. Yêu cầu về kỹ năng làm bài
Cần rèn luyện kỹ năng phân tích đề bài, lập dàn ý cho bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
Đưa ra các luận điểm, đánh giá, nhận xét khái quát về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ cho trước.
Vận dụng tối đa các kiến thức, cảm xúc và cả những trải nghiệm của bản thân để làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
Sử dụng các thao tác nghị luận (phân tích, bình luận, chứng minh, so sánh, bác bỏ hay phê phán …) để viết bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.
b. Yêu cầu về nội dung kiến thức
Nắm bắt rõ được yêu cầu, mục đích, đối tượng của bài nghị luận về một bài thơ, đoạn trích thơ hướng đến.
Các bước triển khai viết một bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ:
Bước 1: Phân tích đề
Xác định dạng đề;
Hiểu rõ được yêu cầu nội dung, phương pháp, dẫn chứng.
Bước 2: Lập dàn ý
- Tìm ý, sắp xếp ý
- Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm thơ đó.
- Thân bài:
Khái quát về nội dung chính,phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác, … của bài thơ. Nêu vị trí đoạn thơ, thể thơ, nhịp thơ...
Phân tích về các giá trị nội dung, nghệ thuật mà đoạn thơ hướng tới để làm nổi bật được vấn đề nghị luận.
Có thể bổ ngang bài thơ và triển khai phân tích theo từng khổ, từng dòng.
Nếu là tứ tuyệt chia theo cấu trúc: khai, thừa, chuyển, hợp hay có thể chia thành hai câu đầu và hai câu cuối (tuỳ theo bố cục từng bài).Còn đối với thơ Đường luật thì phân tích theo từng cặp câu đề- thực- luận-kết.
Có thể bổ dọc bài thơ và phân tích theo nội dung và hình tượng được nhắc tới xuyên suốt bài thơ. Các luận điểm lớn chủ yếu là các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ.
Tùy thuộc vào yêu cầu bài nghị luận cảm nhận về đoạn thơ, bài thơ mà ta đi chia nhỏ những nội dung chính trong đoạn trích để đi sâu vào phân tích. Bám sát vào lối nói ví von so sánh, các hình ảnh biểu tượng, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu được sử dụng cùng với đó là nhịp thơ, cách sử dụng ngôn từ,… của bài thơ để phân tích.
- Kết bài: Đánh giá chung về toàn tác phẩm hay đoạn trích đó.
Bước 3: Tiến hành viết bài nghị luận
Bước 4: Đọc và sửa để hoàn thiện bài văn
2. Tìm hiểu đề và lập dàn ý nghị luận về bài thơ, đoạn thơ
2.1. Đề 1 (Trang 84 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
Tìm hiểu đề và lập dàn ý cho đề bài sau:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
a) Tìm hiểu đề:
– Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh những năm đầy gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khốc liệt tại chiến khu Việt Bắc, đặc biệt là khi chủ tịch Hồ Chí Minh đang lãnh đạo cuộc kháng chiến ấy..
b) Lập dàn ý:
– Mở bài: Giới thiệu đôi chút về vị lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng hoàn cảnh sáng tác của bài thơ.
– Thân bài: Đọc và phân tích những nét nổi bật và triển khai theo những luận điểm lớn dưới đây:
Vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc đêm trăng: như tranh vẽ, một bức tranh thủy mặc, yên bình, tĩnh mịch đến lạ thường.
Nổi bật âm thanh của tiếng suối được ví von trong như tiếng hát xa. Tiếng suối vốn được cảm nhận bằng thính giác mà nay lại được nhà thơ cảm nhận âm thanh đó thông qua thị giác. Tác giả đã sử dụng thành công biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để người đọc tưởng tượng được độ “trong” của dòng chảy. Dòng suối ấy trong lành, ngon ngọt, đó cũng chính là thứ quà mà thiên nhiên ban tặng riêng cho những người chiến sĩ trên đường hành quân xa xôi mệt mỏi..
Ánh trăng, hoa cũng có mối giao hòa mật thiết với nhau. Câu thơ hữu tình như một bức tranh duyên: ánh trăng mênh mông tỏa sáng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ lại dịu dàng phủ mình lên những nhành hoa. Nhà thơ đã sử dụng từ "lồng" rất "đắt", và dần trở thành"nhãn tự" cho câu thơ. Qua câu từ tinh tế, Bác đã vẽ lên khung cảnh như đang giao hoà, nương tựa, lại mang mối liên kết mật thiết với nhau.
Trên bức tranh thiên nhiên nổi bật hơn cả là chân dung của một thi sĩ đang đắm chìm trước vẻ đẹp thiên nhiên như những thi nhân xưa. Đo không còn là mối quan tâm của riêng thi sĩ trong bài thơ mà còn chính là vận mệnh của quốc gia của dân tộc.
Dưới ngòi bút tài tình, nhà thơ đã thành công kết hợp nét cổ điển và hiện đại trở nên vô cùng hài hòa, giữa hình ảnh thiên nhiên nhưng vẫn rất đỗi quen thuộc trong thơ cổ, với một tư tưởng nhà thơ chiến sĩ hết sức hiện đại.
– Kết bài: Sự kết hợp đồng điệu giữa tâm hồn của một thi sĩ và một chiến sĩ cách mạng.
2.2. Đề 2 (Trang 84 SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
a) Tìm hiểu đề
- Tái hiện lại khí thế của cuộc kháng chiến hết sức mạnh mẽ, hùng tráng. Phải kể đến đó chính là sức mạnh của đoàn quân trong những đêm hành quân ra trận, sự hi sinh không mệt mỏi đoàn dân và quân tham gia mở đường cho xe chiến đấu,…
=> Yếu tố quan trọng tạo nên chiến thắng vang dội.
b) Lập dàn ý
Mở bài: Giới thiệu về hoàn cảnh ra đời của đoạn thơ.
Thân bài:
Luận điểm 1: Tám câu thơ đầu đã thể hiện khí thế, sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
- Hai câu đầu: Mở ra một khung cảnh náo nhiệt nơi chiến khu Việt Bắc trong những đêm hành quân ra trận:
“đường Việt Bắc”: khiến người đọc mường tượng ra khung cảnh vô cùng rộng lớn nơi chiến dịch.
Điệp ngữ “đêm đêm”: thể hiện liên tục, tiếp nối nhau của thời gian.
Phép so sánh “như là đất nung”
Từ láy “rầm rập” được sử dụng để thể hiện khí thế hào hùng làm rung đất chuyển trời.
- Sáu câu tiếp: Sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng chiến đấu:
Đoàn quân:
+Từ láy “điệp điệp”, “ trùng trùng”: tái hiện hình ảnh những đoàn quân đoàn nối đoàn bước đi khiến ta liên tưởng đến những đợt sóng va đập, kéo dài vô tânj.
+ Nghệ thuật nhân hóa: ánh sao theo chân đoàn quân, treo lơ lửng trên đầu súng, soi sáng dẫn đường các chiến sĩ trên các ngả đường hành quân ra chiến trường ở nơi đó thiên nhiên luôn đồng hành bên cạnh với vai trò là những người bạn.
+ Hình ảnh ánh sao ẩn dụ cho lý tưởng cách mạng như mặt trời chói lọi soi sáng dẫn đường, đến tương lai tươi sáng cùng niềm tin, sự lạc quan và tinh thần đầy khí thế.
Luận điểm 2: Bốn câu thơ cuối khắc họa khí thế sục sôi và với tin vui từ trăm miền gửi về mừng vui thắng lợi.
Phép liệt kê địa danh kết hợp sử dụng từ “trăm miền” vẽ lên một không gian rộng lớn của chiến thắng từ bắc tới nam, từ miền núi đến đồng bằng.
Nhịp điệu thơ vui tươi, hồ hởi để thấy được tốc độ lan tỏa thần kỳ, nhanh chóng của những chiến thắng.
Điệp từ ”vui” như tiếng lòng reo mừng, ca mừng chiến thắng, cảm xúcvui sướng, tự hào đến tột độ khi nhận được tin vui chiến thắng dồn dập đổ về từ khắp mọi miền đất nước.
Giọng thơ mang cảm xúc vui sướng, hân hoan trong lòng hàng triệu con người từ bắc chí nam.
– Kết bài: Khẳng định lại sức mạnh hào hùng, tinh thần chiến đấu cao cả
Tác giả đã thể hiện thành công cảm hứng ca ngợi của tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp chỉ qua mười hai câu thơ.
Đăng ký ngay để được thầy cô ôn tập và xây dựng lộ trình ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn đạt 9+
3. Luyện tập Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Trang 86 SGK Ngữ Văn 12 tập 1
Dàn ý chi tiết phân tích đoạn thơ dưới đây trong bài Tràng Giang của Huy Cận
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời non nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về nhà thơ Huy Cận, tác phẩm Tràng Giang, và vị trí của đoạn trích trên.
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng bao trùm toàn tác phẩm:
Bài thơ Tràng giang ra đời vào năm 1939, xuất hiện trong tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” của nhà thơ Huy Cận. Tác phẩm ấy được coi là “đứa con tinh thần” tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Huy Cận thời bấy giờ. Với các sáng tác vô cùng xuất sắc, ông đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ mới.
Khác với Xuân Diệu luôn bị ám ảnh bởi bước đi của thời gian, thì Huy Cận lại đắm mình trong nguồn cảm hứng từ không gian mênh mang đến rợn ngợp. Ông thường viết về những cảnh không gian rộng lớn, hình ảnh con người lúc này dần trở nên nhỏ bé, cô đơn, mang đậm nỗi buồn, nỗi sầu nhân thế cảm nhận trong từng lời thơ, bế tắc trước chính thực tại, và khao khát kiếm tìm mối giao cảm với thiên nhiên, vũ trụ bao la, rộng lớn.
b. Cảm nhận bao quát toàn bài thơ
Tác phẩm đã khắc họa lên khung cảnh thiên nhiên mênh mông, rộng lớn của mặt nước. Cảnh nước mênh mang nỗi buồn của kẻ “đứng trên mảnh đất quê hương mình mà lại vẫn mang nỗi nhớ quê hương”. Cảnh vật hiện lên hiu quạnh, vắng lặng, đượm buồn man mác. Dường như mọi thứ đang tách rời, ngày càng xa cách nhau trong không gian của dòng tràng giang.
c. Phân tích khổ thơ:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
- Đây là khổ thơ nằm ở vị trí cuối bài, ở khổ thơ này ta cảm nhận được rõ nét nỗi buồn nhân thế và cảm hứng không gian của Huy Cận.
- Khổ thơ mang đến cho người đọc nhiều cách cảm nhận đánh giá, chung quy lại nó vẫn thể hiện những nội chính sau đây:
- Động từ “đùn” tạo nên cảm giác về sự chuyển động, thể hiện sự di chuyển liên tục, không có điểm dừng, đó là những tác động rất nhỏ, nhưng lại tạo ra sự thay đổi vô cùng to lớn.
- Biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng trong câu thơ đầu. Huy Cận dùng “mây cao”, “núi bạc” thay vì “núi cao”, “mây bạc” như lệ thường. Điều này tạo nên cảm giác choáng ngợp cho người đọc.
-Những từ láy: "điệp điệp", "song song", "đìu hiu", "lớp lớp"... như một bản nhạc buồn mang âm điệu thê thiết, và nốt nhạc kết thúc là "dợn dợn", gợi lên muôn nhịp sóng: sóng nước, sóng lòng. sự rợn ngợp của tác giả được thể hiện qua từ “dợn dợn” trước cảnh trời nước bao la, mênh mông trong khoảnh khắc hoàng hôn gắn liền với tình quê, cố hương:
“Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng: ta với ta”
(Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)
- Hình ảnh “cánh chim” là một hình ảnh quen thuộc trong thơ ca, biểu tả hình ảnh người lữ khách tha phương, ngóng trông trở về quê hương của mình. Tác giả thật tài tình khi tạo cho người độc cảm nhận được bước chuyển của thời gian diễn ra đầy tinh tế. Hình ảnh cánh chim nhỏ ấy đã mang theo cả ánh chiều về. Cánh chim càng nhỏ bé cô đơn trước cảnh chiều choáng ngợp, cũng giống như người lữ khách buồn tủi, cô đơn, lạc lõng giữa sông dài trời rộng mà không biết đi đâu về đâu.
- Hai câu thơ cuối thể hiện nỗi nhớ quê nhà da diết của Huy Cận. Đó không phải là một ngôi nhà, một thôn quê nhỏ bé cụ thể, còn là nỗi nhớ quê hương, đất nước Việt Nam. Nhưng vì lý do nào mà mặc dù tác giả đang đứng trên mảnh đất quê hương mình mà vẫn thấy nhớ? Câu thơ lột tả nỗi buồn đau đáu mà kín đáo của thế hệ những nhà thơ mới, bất lực trước thời cuộc, dù trước mắt là cảnh đất nước bị giặc giày xéo, nhân dân mình bị biến thành nô lệ, nhưng lại chẳng thể làm gì được. Nỗi buồn mất nước ấy không phải là tức cảnh sinh tình, mà là nỗi buồn đau đau vẫn dai dẳng thường trực trong lòng nhà thơ, chỉ chờ một cái cớ là cảnh chiều hôm để trực tuôn trào.
-Một khổ thơ hay và đặc biệt thành công ở sự kết hợp nhuần nhuyễn thơ ca truyền thống - những nét cổ điển của thơ Đường với nét hiện đại. Dù ở cảm xúc vũ trụ hiện lên ở cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng nhưng lại thấm đượm nỗi buồn tâm trạng của thi nhân - "nỗi buồn về đất nước, nỗi buồn về núi sông" (Huy Cận). Nỗi lòng khơi nguồn từ tâm ra ngoại cảnh, lấy cảnh để ngụ tình- lặng lẽ thế nhưng sâu nặng và mãnh liệt vô cùng:
“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu”
d. Đánh giá:
- Khổ tiêu biểu cho toàn bài thơ mang tính chất ước lệ cổ điển của thơ Đường kết hợp bút pháp lãng mạn, mà vẫn đậm chất hiện đại của Thơ mới.
- Thể hiện được cảm hứng về không gian của nhà thơ, kín đáo thể hiện nỗi niềm yêu nước thầm kín của nhà thơ Huy Cận thông qua đoạn trích
3. Kết bài: Đánh giá về tác giả, tác phẩm.
- Có người đã từng nói: “Thơ đích thực nâng đỡ lòng người, khơi gợi những gì đẹp đẽ nhất tiềm ẩn nơi đáy sâu tâm hồn để vươn tới cái cao cả”. Bài thơ Tràng Giang, đặc biệt ở khổ thơ cuối đã thực sự khơi dậy trong tâm hồn bạn đọc một tình yêu cao quý, thiêng liêng - tình yêu đất nước mãnh liệt vô cùng.