Soạn bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học - Ngữ Văn 12
Văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học là kiến thức quan trọng không chỉ với bài thi học kỳ mà còn trong thi THPT Quốc gia. Để không gặp khó khăn khi gặp dạng bài này, VUIHOC đã tổng hợp tất cả kiến thức kèm phần luyện tập cho cho các em trong bài viết dưới đây.
1. Kiến thức văn Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
1.1. Khái niệm
Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học là một dạng bài nghị luận văn học với nội dung chính là phân tích, bàn luận về một nhận định văn học cũng như các đặc sắc nghệ thuật, giá trị nội dung, hình tượng nhân vật hay những khám phá, chiêm nghiệm về đời sống hiện qua tác phẩm văn học đó.
1.2. Cách làm bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
a. Yêu cầu
Có cái nhìn nhận rõ ràng về nhận định, nội dung được đề cập đến.
Phải hiểu biết nhất định về văn học.
Nắm bắt, xác định được tính nhân đạo, hiện thực, lãng mạn và ngôn ngữ văn học.
Sử dụng thành thạo các thao tác nghị luận văn học.
b. Các bước tiến hành
Bước 1:Tìm hiểu đề
Vấn đề nghị luận.
Xác định các thao tác nghị luận.
Phạm vi dẫn chứng (tư liệu).
Bước 2: Lập dàn ý
Mở bài:
- Dẫn dắt vấn đề.
- Đưa ra xuất xứ và trích dẫn nhận định, ý kiến được đề cập trong đề bài.
Thân bài:
- Giải thích, làm rõ vấn đề:
Giải thích bao quát nghĩa câu từ hay ẩn ý xuất hiện trong đề bài. Cần diễn đạt ấn tượng, làm lạ hóa những vấn đề quen thuộc của các đề văn để tạo nên chất thơ, cùng với đó tăng tính hứng thú cho người người viết. Nhiệm vụ của người viết bài văn nghị luận về một ý kiến văn chương là cần phải cụ thể hóa các vấn đề đó, từ đó triển khai bài viết. Sau khi giải thích nghĩa của các từ ngữ cần thiết cần phải làm rõ nội dung của ý kiến, nhận định cần bàn luận.
- Bàn bạc, khẳng định vấn đề:
Khẳng định ý kiến, quan điểm đó đúng hay sai? Mức độ đúng sai như thế nào?
Lý giải tại sao lại đưa nhận xét như thế trên cả góc nhìn chủ quan và khách quan? Căn cứ vào đâu để khẳng định được như vậy? Điều đó được biểu hiện cụ thể như thế nào trong tác phẩm văn học và trong đời sống thường ngày?
Mở rộng, liên hệ với các dẫn chứng trong văn chương, nâng cao, đánh giá ý nghĩa của vấn đề đó với cuộc sống, với văn học.
Kết bài: Khẳng định lại tính đúng sai của quan điểm, ý kiến về văn học được đề cập trước đó.
Bước 3: Tiến hành viết bài nghị luận
Bước 4: Đọc và sửa để hoàn thiện bài văn
Đăng ký ngay để được thầy cô tổng hợp kiến thức trọn bộ kiến thức Ngữ văn ôn thi tốt nghiệp THPT
2. Tìm hiểu đề và lập dàn ý Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học
2.1. Đề 1 (Trang 91 SGK Ngữ Văn 12 tập 1): Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng; nhưng cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước. Trình bày suy nghĩ của anh/chị với ý kiến trên.
Bước 1: Tìm hiểu đề
Học sinh cần làm rõ nghĩa các từ, cụm từ: phong phú, chủ lưu, quán thông kim cổ.
-Giải nghĩa các từ
+ Phong phú: rất nhiều tác phẩm ở các hình thức, thể loại khác nhau.
+ Chủ lưu: là bộ phận chính.
+ Quán thông kim cổ: được hiểu như là thông suốt từ xa xưa đến tận ngày nay.
b. Nội dung được đề cập trong đề, đưa ra những văn bản liên quan trong chương trình Ngữ văn THPT?
– Yêu cầu của đề văn: bình luận ý kiến của giáo sư Đặng Thai Mai và tham khảo thêm một số tác phẩm như: Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám 1945 đến cuối thế kỉ XX, Nam quốc sơn hà, Tuyên ngôn độc lập, Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, …
c. Chứng minh được văn học Việt Nam rất phong phú, đa dạng.
– Nền văn học Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng bao gồm các tác phẩm dưới nhiều hình thức thể loại, đề tài khác nhau.
d. Nhận xét và chứng minh rằng : “Văn học yêu nước là chủ lưu của văn học Việt Nam”
– Chủ lưu của nền văn học nước nhà chính là văn học yêu nước.
Chứng minh:
Nguồn cảm hứng sáng tác của nhà thơ, nhà văn bắt nguồn từ quá trình dựng nước và giữ nước.
e. Chứng minh rằng văn học yêu nước Việt Nam “quán thông kim cổ”.
– Văn học Việt Nam với nội dung chính là tinh thần yêu nước, có thể nói đó cũng là dã quán thố kim cổ. Chứng minh:
+ Văn học trung đại: văn học yêu nước thể hiện ở chiến trường chống ngoại xâm (Nguyên, Mông, Thanh..). Những tác phẩm tiêu biểu ở các giai đoạn này phải kể đến: Hịch tướng sĩ (chống Nguyên Mông); Nam quốc sơn hà (chống Tống);Hoàng Lê nhất thống chí (chống Thanh); Bình Ngô đại cáo (Chống Minh).
+ Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ chủ lưu ấy càng phát huy mạnh mẽ vai trò và vị trí của nó. HS có thể dẫn ra hàng loạt tác giả, tác phẩm nổi trội trong hai giai đoạn khốc liệt này.
g. Nhận định ý kiến của giáo sư Đặng Thai Mai
– Quan điểm của nhà văn Đặng Thai Mai nhắc chúng ta nhớ đến hoàn cảnh nước nhà và đặc biệt là hiểu hơn nền văn học nước nhà.
Bước 2: Lập dàn ý
Mở bài: Giới thiệu nhận định của giáo sư Đặng Thai Mai.
Thân bài:
- Văn học Việt Nam bao gồm nhiều nguồn cảm hứng khác nhau đến từ lòng yêu nước, nhân đạo,…
- Dòng chủ lưu là văn học yêu nước xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam
+ Văn học yêu nước là nguồn cảm hứng dồi dào đặc biệt trong văn học trung đại (chứng minh qua các giai đoạn văn học trung đại).
+ Trong văn học hiện đại, vẫn mang trong mình dòng chảy của văn học yêu nước (minh chứng qua văn học thời kỳ chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ…).
- Lý giải nguyên nhân làm văn học yêu nước trở thành dòng chủ lưu thông suốt kim cổ:
+ Dân tộc ta có lịch sử trường kỳ chống giặc ngoại xâm.
+ Yêu nước là truyền thống quý báu, từ lâu đời của ông cha ta, là tình cảm lớn lao trong tinh thần người Việt.
+ Văn học vừa phản chiếu hiện thực của tình yêu Tổ quốc, lịch sử huy hoàng, chói lọi của dân tộc vừa là một phương tiện góp phần vào công cuộc dựng và giữ nước.
Kết bài: Khẳng định lại nhận định của giáo sư Đặng Thai Mai.
– Trên thế giới, mỗi dân tộc có số phận riêng, hoàn cảnh riêng. Là người Việt Nam ta cần nhớ đến hoàn cảnh của đất nước và đặc điểm văn học của dân tộc mình, đó cũng là nhớ đến công lao, tâm huyết của cha ông.
– Ý kiến của giáo sư Đặng Thai Mai giúp chúng ta khắc sâu những điều đó.
2.2. Đề 2 (Trang 91 SGK Ngữ Văn 12 tập 1): Bàn về đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm văn học lớn, người xưa nói Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào?
Bước 1: Tìm hiểu đề
- Giải thích nhận định, ý kiến:
Không phải ai cũng cảm thụ được các thể loại văn học giống nhau. Giống như việc càng đứng tuổi, người ta càng có cái nhìn khác và có khả năng lĩnh hội hiệu quả hơn các giá trị khi đọc sách.
- Bàn luận về ý kiến:
+ Độ tuổi càng cao thì vốn sống và kinh nghiệm, điều này sẽ giúp việc đọc sách trở nên dễ dàng ý thức và nắm bắt được hơn.
+ Cách đọc và kết quả nhận lại được của việc đọc sách còn phụ thuộc vào tuổi tác, sự yêu thích dành cho các thể loại sách khác nhau, nhu cầu lĩnh hội kiến thức của cá nhân độc giả.
Bước 2: Lập dàn ý
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề bàn luận về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách thường xuyên trong đời sống.
– Sách là bầu trời tri thức, luôn mở rộng những chân trời mới giúp chúng ta có thể khám phá thêm miền đất kiến thức bao la, vô tận, cung cấp cho chúng ta một kho tàng kiến thức đa dạng, phong phú và gần gũi với cuộc sống thường ngày.
– Tiếp nhận được giá trị của sách, nhất là trong các tác phẩm văn chương luôn gắn liền với điều kiện, năng lực và trình độ chủ quan của người đọc. Vì vậy, nên mới có quan điểm cho rằng: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua các kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài” (dẫn theo Lâm Ngữ Đường .
b. Thân bài:
Giải thích câu nói trên:
- Người xưa thật tinh tế khi ví hình ảnh của việc đọc sách với việc thường trăng. Mỗi lứa tuổi đọc sách sẽ lĩnh hội được các kiến thức nhất định. Dù ở lứa tuổi đi chăng nữa cũng cần có một cách đọc sách để thu nhập những tri thức, vốn quý cho bản thân mình.
- Dựa phần lớn là vào tầm lĩnh hội của mỗi cá nhân, điều đó được xây dựng từ những nền móng: Vốn sống, chiêm nghiệm từ cuộc sống, hiểu biết được tích lũy từ các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời mỗi con người sẽ giúp ích cho con người có khả năng tiếp thu nguồn tri thức ở trong sách. Cùng với đó nếu người đó có vốn văn hoá rộng lớn cũng là một trong nhiều yếu tố giúp dễ dàng hiểu và đón nhận trọn vẹn được tri thức văn hoá từ sách.
- Vì thế, nếu thực sự muốn có kết quả tốt trong việc đọc sách, bản thân mỗi người cần trang bị cho mình những hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau. Kinh nghiệm, vốn sống, hiểu biết phong phú về các lĩnh vực khác nhau sẽ giúp con người nâng cao sự tiếp nhận và cảm nhận được vẻ đẹp cuộc sống mà sách đem lại.
c. Kết bài
Việc đọc sách cũng giống như việc thưởng trăng, phải có thái độ ứng dụng từ tốn, tích cực, cần suy ngẫm, chắt lọc, không vội vàng hay đọc qua loa lấy số lượng.
3. Soạn bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học: Phần luyện tập
3.1. Đề 1 (Trang 93 SGK Ngữ Văn 12 tập 1): Trình bày suy nghĩ của anh (chị) đối với ý kiến của nhà văn Thạch Lam: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Dàn ý
a. Mở bài
- Khái quát sơ qua về nhận định của nhà văn Thạch Lam về văn chương.
b. Thân bài
- Giải thích ý kiến: quan điểm của Thạch Lam là một ý kiến đúng đắn, nó giúp chúng ta thấy rõ chức năng cơ bản của văn học là chức năng hình thành, bồi dưỡng những tình cảm nhân văn của con người và phản ánh đúng hiện thực xã hội.
- Phân tích, bàn luận về quan điểm trên:
Văn chương là công cụ nghề nghiệp hoàn hảo, là vũ khí đắc lực giúp nhà văn hoàn thành tốt trọng trách của mình, là khí giới thanh cao và đắc lực.
Nhận xét đúng đắn, khái quát, sát thực. Cùng với đó cũng đã ý thức được sức mạnh và sự cao cả của văn chương. Để cho cũng thấy được ảnh hướng to lớn của văn chương vào cuộc sống.
- Nhận thức đúng về tình trạng này.
+ Cần phương hướng và nhiệm vụ của văn chương.
+ Nắm rõ, hiểu đúng và đủ về tương quan giữa hai nhiệm vụ phản ảnh và xây dựng tâm hồn.
+ Luôn đặt niềm tin ở khả năng tự cải tạo và văn học sẽ nuôi dưỡng tâm hồn của con người.
- Tố cáo, phê phán những việc làm sai trái và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và ý nghĩa hơn.
+ Cần vạch trần, phê phán những tệ nạn, thói hư tật xấu của xã hội và cần lên án và xử lý triệt để.Văn chương phản ánh chân thực hiện thực xã hội theo cái nhìn khách quan. Từ đó, nó mang trong mình sức mạnh tố cáo, phê phán những hiện tượng xã hội bất công, trái chiều. Văn chương hướng tới mục đích cải tạo xã hội tốt đẹp hơn, loại bỏ những cái xấu hay bất công, phê phán những điều tàn bạo.
Văn chương trao cho con người tình cảm tốt đẹp nhất, tôi luyện cho ta tình cảm sẵn có, nuôi nấng, bù đắp tâm hồn ta trở nên trong sạch và phong phú hơn nữa.
+ Đồng thời bồi đắp đời sống tinh thần, tâm hồn và thanh lọc tình cảm con người.
c. Kết bài
- Khẳng định quan niệm đúng đắn về tầm quan trọng của văn học trong đời sống xã hội. Ý kiến của Thạch Lam đã đem đến cho người đọc hiểu thêm về một quan niệm mới, đúng đắn, sâu sắc về vai trò, chức năng to lớn và tầm quan trọng của văn chương trong cuộc sống của nhân loại. Đó cũng là điều thôi thúc các nhà văn sáng tạo nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học hay và chất lượng.
- Ý nghĩa lịch sử và sức ảnh hưởng, lan tỏa nhận định này.
3.2. Đề 2 (Trang 93 SGK Ngữ Văn 12 tập 1): Bàn về thơ Tố Hữu, nhà phê bình Hoài Thanh viết: “Thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính đưa đến sự thành công của thơ anh.”
(Tuyển tập Hoài Thanh, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)
Hãy bày tỏ ý kiến của anh (chị) về nhận xét trên.
a. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh
- Trình bày nhận định chung, dẫn dắt vấn đề trích dẫn quan điểm đó.
b. Thân bài
- Con đường dẫn tới thành công của thơ Tố Hữu có thể là nhờ các yếu tố: truyền thống gia đình, quê hương, năng khiếu bẩm sinh, dày công tu dưỡng hy sinh vì nghệ thuật nhưng "thái độ toàn tâm, toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính" có thể nói là nguyên nhân chính đưa đến sự thành công vang dội của thơ ông.
- Chứng minh cho sự toàn tâm, toàn ý với cách mạng luôn đem trong mình trăn trở, đau khổ và sướng vui trên những chặng đường lịch sử của đất nước. Chất liệu hoàn mỹ tạo nên thơ ông đó chính là tâm tư, tình cảm chân thành, sâu sắc ấy của nhà cách mạng Tố Hữu. Ông luôn mang trong mình sự giao thoa hoàn hảo giữa giọng thơ trữ tình – chính trị của ông, giữa con người và nhà thơ có sự thống nhất hài hòa.
Ví dụ: Phân tích những câu thơ, đoạn thơ để minh chứng cho sự thành công của thơ Tố Hữu. Có thể lấy dẫn chứng cụ thể trong các bài thơ được sáng tác nơi chiến trường như bài thơ Gió lộng Từ ấy, Việt Bắc, ...
- Do sự phong phú trong đời sống tinh thần của con người nên cùng với thơ trữ tình và chính trị còn có các loại thơ khác như thơ về tình yêu, thơ điền viên.. với những nguyên nhân thành công khác cũng rất cần cho đời sống tinh thần của con người.
c. Kết bài
Khẳng định lại một lần nữa về quan điểm của Hoài Thanh.
Đăng ký ngay để nắm trọn 9+ môn Văn tốt nghiệp THPT Quốc Gia
Qua bài tổng hợp này, VUIHOC hy vọng các em có thể nắm bắt được cách soạn bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Bài viết này vô cùng hữu ích với các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh lớp 12 đang trong qua trình ôn thi THPT Quốc gia môn Văn. Để học nhiều hơn các kiến thức môn Ngữ Văn và các môn học khác thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!
>>> Bai viết tham khảo thêm: