img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội - Ngữ Văn 12

Tác giả Minh Châu 14:41 30/11/2023 7,177 Tag Lớp 12

Nhằm giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức và đặc biệt biết cách viết bài văn nghị luận hay, hấp dẫn và đủ ý để đạt được điểm cao nhất trong bài viết số 1 lớp 12 sắp tới. Bài viết dưới đây VUIHOC sẽ cung cấp chi tiết, đầy đủ dàn ý và bài làm văn số 1 Nghị luận xã hội.

Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội - Ngữ Văn 12
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội: Hướng dẫn chung

1.1. Thao tác lập luận

Phối hợp các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bác bỏ và bình luận

1.2. Lựa chọn dẫn chứng

Chủ yếu dùng các dẫn chứng cụ thể, thực tế trong cuộc sống. Có thể trích dẫn một số đoạn văn hay câu thơ đề bài viết thêm phần sinh động nhưng chú ý cần vừa mức, tránh lan man dẫn đến lạc đề sang nghị luận văn học.

1.3. Diễn đạt cần chuẩn xác mạch lạc

Có thể sử dụng các yếu tố biểu cảm, đặc biệt là ở phần liên hệ và trình bày những suy nghĩ, ý kiến riêng của bản thân.


2. Gợi ý một số đề bài

2.1. Đề 1 (Trang 35 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Hãy phát biểu ý kiến của anh/chị về mục đích học tập do Unesco đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

 

Soạn bài viết bài làm văn số 1 Nghị luận xã hội- Đề số 1

 

Dàn ý

a) Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và trích dẫn khẩu hiệu của Unesco.

b) Thân bài:

- Giải thích: 

  • Học là gì, quan điểm của xã hội đối với việc học từ xưa đến nay.
  • Làm sáng tỏ các nội dung chính của ý kiến:
  • “Học đế biết”: Học để tìm hiểu, để có thêm tri thức và để khám phá giải thích các hiện tượng tự nhiên quanh cuộc sống.
  • “Học để làm”: học để có thể ứng dụng những kiến thức ấy vào quá trình lao động, để có thể có thể lao động tốt hơn, học để có nghề, tạo ra của cải vật chất cho mình và xã hội.
  • “Học để chung sống”: Học để giao tiếp và ứng xử tốt. Tiếp thu được những điều hay lẽ phải, những việc làm đúng đắn, chuẩn mực đạo đức và pháp luật để có thể trở thành một công dân gương mẫu.
  • “Học để tự khẳng định mình”: Học với mục đích để chứng minh rằng bản thân mình là người có năng lực. Tự mình có thể thay đổi được tương lai của bản thân và có thể mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội.

- Bàn bạc, mở rộng:

  • Với những mục đích của việc học trong câu đề xướng trên, việc học đòi hỏi phải diễn ra liên tục, suốt đời.
  • Xác định đúng đắn những mục đích giúp con người có định hướng sáng suốt hơn và động lực để học tập và trau dồi.
  • Phê bình những mục đích học tập sai trái, lạc hậu 

- Bài học:

  • Luôn coi trọng việc xác định đúng mục đích học tập để việc học được cải thiện hơn; đồng thời nỗ lực và luôn cầu tiến trong học tập, học đi đôi với hành,…
  • Liên hệ bản thân mình nói riêng và thế hệ trẻ ngày nay nói chung.

c) Kết bài: Khẳng định việc học rất quan trọng, nó có ý nghĩa lớn lao và quyết định sự thành công cũng như 1 phần cuộc sống hạnh phúc sau này của con người.

Bài làm

Cuộc sống càng phát triển, con người sẽ càng ý thức được sự quan trong trọng của tri thức và việc học tập. Học tập không chỉ để nâng cao kiến thức, trau dồi bản thân mà còn khẳng định tài năng, vị trí của mình trong cuộc đời. Đó chính là những mục đích cao cả nhất của học tập, giống như UNESCO đề xướng: "Học để biết,học để làm,học để chung sông, học để tự khẳng định mình".

Trước tiên ta cần hiểu quan điểm của UNESCO có ý nghĩa gì? Học tập chính là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, bạn bè, thầy cô, nhà trường, người thân hay từ những bài học thiết thực trong cuộc sống. “Học để biết” là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu để mở rộng thêm nguồn kiến thức đa dạng, dồi dào trong đời sống xã hội… Kiến thức xung quanh ta vô cùng phong phú, mà mỗi người chỉ giống như một giọt nước bé nhỏ giữa đại dương tri thức. Bởi vậy mỗi chúng ta cần không ngừng cố gắng học hỏi,  miệt mài tìm kiếm, nghiên cứu, để trau dồi thêm các kiến thức giá trị. Chỉ có học mới giúp con người tự làm giàu nền kiến thức của bản thân và không bị lạc hậu so với cuộc sống đang phát triển liên tục từng ngày.

Bên cạnh việc học để biết. Việc “Học để làm” cũng là một mục đích rất quan trọng. Điều này có nghĩa là học tập để lao động sáng tạo, tạo ra của cải vật chất để mưu sinh, giúp ích gia đình và cho xã hội. Sinh viên ngành Y dược học để sau này khám chữa bệnh, sinh viên trường mỹ thuật học để trở thành kiến trúc sư hay họa sĩ, sinh viên trường nông nghiệp học để nghiên cứu cấy tạo những giống cây trồng độc lạ, mới mẻ... Tóm lại, mục đích của việc học chính là vận dụng lý thuyết được học và tri thức vào giúp ích cho xã hội, để làm việc và sinh sống.

Không chỉ vậy, “Học để chung sống” là học cách để dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp giữa mọi người. Học những đạo lý cao đẹp, những điều hay và lẽ phải để biết cách sống hòa đồng hơn, giúp mọi người dễ đạt được thành công trong cuộc sống. Cuộc sống hiện nay hầu hết mọi người đều sống hoặc làm việc trong một tập thể, bởi vậy cần học cách chung sống hòa nhập với mọi người. Có những trường hợp đã thành công nhưng luôn cảm thấy cô đơn và lạc lõng và không cảm thấy hạnh phúc vì không biết tạo dựng mối quan hệ. Thậm chí có những người còn bị gia đình, người thân, bạn bè xa lánh. Bởi vậy, ngoài việc trau dồi tri thức chúng ta còn phải học cả kĩ năng sống, và đối nhân xử thế. 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, “học để tự khẳng định mình” là mục đích thực sự của học tập. Mỗi chúng ta sinh ra đều có giá trị bản thân của mình, học tập là cơ hội để phát huy điểm mạnh và khả năng vốn có của mình. Từ đó, khẳng định năng lực và ưu điểm của bản thân. Để có thể khẳng định vị trí và giá trị bản thân  trong một lĩnh vực hoạt động nào đó, người học phải có thành tích tốt nhất định. Để làm được như vậy, ta không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ người khác mà còn phải biết tư duy sáng tạo, làm quen cả những thất bại để tránh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy học cả cái tốt lẫn cái xấu. Học cái tốt để phát huy năng lực và học cái xấu để biết đường mà tránh. Học tập sáng tạo chính là con đường để khẳng định mình.

Tóm lại, mục đích học tập trong câu nói  UNESCO đề xướng thực sự đúng đắn và hoàn hảo, vừa cải thiện bản thân vừa đóng góp lợi ích cho xã hội. Muốn đạt được mục đích đó, người học cần có những hành động cụ thể. Hãy lấy câu nói trên làm kim chỉ nam cho bản thân, học tập vì bản thân, vì gia đình, xã hội và để cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước

 

2.2. Đề 2 (Trang 35 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân.

Dàn ý:

a) Mở bài: 

Giới thiệu qua vấn đề cần nghị luận và trích câu nói của M. Xi-xê-rông.

b) Thân bài:

- Giải thích vấn đề:

Đức hạnh là những tính nết, đạo đức và phẩm giá cao đẹp của con người; hành động chỉ những việc làm cụ thể nào đó có mục tiêu, mục đích rõ ràng -> Hành động là minh chứng đầy đủ cụ thể và thuyết phục nhất, để phản ánh đức hạnh.

- Khẳng định ý kiến của M. Xi-xê-rông là có giá trị sâu sắc và đúng đắn. Lý giải tại sao lại nói “mọi phẩm chất của đức hạnh nằm ở hành động” đúng đắn:

  • Đức hạnh thường được biểu hiện ở dạng lời nói, dạng chân lý được đúc kết. Đó đều là những dạng thức dễ dàng để thực hiện. Thậm chí, có những trường hợp không có đức hạnh thực sự nhưng vẫn có thể nói ra những lời hay ý đẹp.
  • Hành động là biểu hiện rõ ràng, chân thật và mang tính thuyết phục nhất giá trị của đức hạnh. Bởi để có thể thực hiện được bằng hành động buộc đòi hỏi con người phải thực sự cố gắng, nỗ lực và thực sự mang trong mình đức hạnh chân chính.
  • Đức hạnh tốt nhất nên được biểu hiện ở cả lời nói lẫn hành động, được thể hiện xuyên suốt theo thời gian. Chỉ đức hạnh thực sự mới đem đến những điều đẹp đẽ làm lay động người khác.

- Bình luận:

Phê phán những người chỉ biết nói những lời hoa mĩ mà không thể hiện hành động tương ứng.

- Bài học :

  • Nhận thức: Cử chỉ, hành động là dám nhìn nhận vào những nhược điểm của bản thân để cố gắng sửa chữa, khắc phục để vươn lên. Luôn có tinh thần cầu tiến để thể hiện được phẩm chất và đức hạnh của bản thân.
  • Hành động: Những việc làm thiết thực của thế hệ trẻ ngày nay là không ngừng học tập, học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện để trau dồi, nâng cao trình độ thông hiểu nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Đó xứng đáng là những người vừa có tài vừa có đức.

c) Kết bài: Khẳng định lần nữa tính đúng đắn và bài học của ý kiến, từ đó liên hệ với bản thân.

 

Bài làm

Mỗi khi chúng ta làm một việc tốt, bất kể đó là việc gì, liệu có ai biết rằng ta đang thể hiện đức hạnh của chính bản thân mình. Hay nói một cách khác như lời của nhà văn người Pháp M. Xi-xê-rông: "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động", hành động chính là thước đo dùng để đánh giá đức hạnh của mỗi một cá nhân, một tập thể hay cả cộng đồng.

Đầu tiên ta cần phải hiểu "đức hạnh" là một trong những đức tính tốt đẹp của con người. "Phẩm chất" có thể hiểu đơn giản là những tính cách, tính chất hay tư cách đạo đức bên trong của con người. Ý nghĩa của nó ngược lại hoàn toàn với "hành động", là những cử chỉ việc làm được thể hiện ra bên ngoài. Tóm lại, ta có thể hiểu câu nói trên như là một lời nhân xét hay một kinh nghiệm của M. Xi-xê-rông: những đức tính đẹp đẽ nhất của con người đều được thể hiện bằng hành động. Nếu những cử chỉ và việc làm của bạn đúng đắn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn là một người có nhân cách tốt và có đức hạnh. Trái lại, nếu bạn có những hành động không mấy tốt đẹp, thì có thể bạn là một người chưa hoàn thiện về nhân cách, có thể vẫn còn lối sống và suy nghĩ còn hẹp hòi

Nhiều người tự đặt câu hỏi làm sao để có thể làm được như câu nói trên. Thật ra, câu trả lời không hề phức tạp. Bạn không cần thiết phải làm những việc quá lớn lao hay phải hy sinh những thứ giá trị đối với mình thì mới gọi là những cử chỉ, hành động đẹp. Đơn giản vào một buổi sáng đi học, bạn không không ngần ngại việc trễ học mà dắt một cụ già qua đường. Mỗi tháng, hãy tích cóp sách báo cũ đem bán để ủng hộ cho "Quỹ vì người nghèo". Khi ở nhà, hãy thể hiện lòng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ và sẻ chia cho những người thân yêu của mình. Khi đến trường, bạn cố gắng học tập thật tốt và cư xử phải phép với thầy cô, quan tâm giúp đỡ bạn bè lẫn nhau. Tất cả những điều này đều cho thấy bạn là một người có những đức tính tốt đẹp và hợp với đạo lí làm người.

Ngoài ra, bên cạnh những mặt phải còn tồn tại những mặt trái của vấn đề. Có đôi lúc, những hành động đẹp, việc làm tốt lại không chứa đựng những đức tính tốt đẹp. Bởi có những người làm những điều đó không xuất phát từ lòng chân thành mà vì những mục đích không tốt nhằm qua mặt người khác. Hoặc có những trường hợp họ giả vờ tạo những cử chỉ hành động cao đẹp chỉ với mục đích chiếm lấy trái tim của người khác. Những việc làm này không nói lên họ là những người có đức hạnh mà ngược lại họ còn làm cho người khác nhìn nhận một cách khinh bỉ và ghê tởm. Những người đó đáng bị lên án và phê phán vì nếu tiếp tục để họ làm những việc như vậy sẽ gây nên những ảnh hưởng không đáng có cho người khác và cho xã hội.

Có thể thấy, để trau dồi, hoàn thiện phẩm chất đức hạnh của bản thân thật ra rất đơn giản. Việc trau dồi phẩm chất, đạo đức tốt đẹp là không có giới hạn, bởi mỗi chúng ta sinh ra  không có ai là người hoàn hảo. Vậy hãy thực sự biết nhìn nhận những mặt còn thiếu sót của bản thân để từ đó cố gắng phát triển hơn nữa để hoàn thiện bản thân, góp phần mang lại tiếng nói truyền cảm hứng cho người khác, xây dựng cuộc sống văn minh, một xã hội tốt đẹp.

Câu nói "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động" đã cho mọi người hiểu được ý nghĩa, vai trò, sự quan trọng của hành động trong việc đánh giá phẩm chất đức hạnh. Yêu thương không chỉ dừng lại ở lời nói, mà nó còn là hành động, và là những việc làm cụ thể thiết thực. Nếu mọi người biết yêu thương, đùm bọc, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau bằng những hành động và tình cảm chân thành thì các tệ nạn xã hội sẽ được đẩy lùi, làm cho cuộc sống sẽ càng trở nên tươi đẹp hơn.

 

2.3. Đề 3 (Trang 35 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

“Tình thương là hạnh phúc của con người”

Dàn ý:

a) Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: nêu khái quát vai trò của tình thương trong cuộc sống.

b) Thân bài:

- Giải thích vấn đề

  • Tình thương là gì: đó là tình cảm nhân ái, chân thành giữa con người với con người, con người với  vật trở nên gắn bó, thân thiết và có trách nhiệm hơn với nhau; 
  • Hạnh phúc là trạng thái tinh thần vui vẻ, thỏa mãn và hài lòng.

     –> Tình thương có ý nghĩa cao cả và tác dụng lớn lao trong cuộc sống quanh ta.

- Những biểu hiện của tình yêu thương trong cuộc sống.

  • Tình yêu thương giữa những người thân trong gia đình: đó là tình cảm giữa cha mẹ và con cái, tình anh chị em hay tình cảm vợ chồng…
  • Tình yêu thương quê hương, đất nước, và cả những người hàng xóm láng giềng
  • Thương người như thể thương thân: Tình thương và lòng nhân ái không phân biệt giới tính, chủng tộc hay màu da, quốc tịch.
  • Sự yêu thương giữa con người với các loài vật xung cuộc sống chúng ta.

- Ý nghĩa của những hành động thể hiện tình yêu thương.

  • Dám đứng lên đấu tranh để bảo vệ quê hương, đất nước, người dân.
  • Biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau
  • Biết đỡ đần, phụ giúp ba mẹ những việc trong gia đình.

⇒ Những hành động ấy giúp con người xích lại gần nhau hơn, họ cảm thấy được nâng đỡ, động viên và có động lực hơn khi gặp phải nỗi đau hay khó khăn trong cuộc sống. Từ đó làm cho mọi người không còn cảm thấy tủi thân hay lạc lõng trong cuộc sống xô bồ.

- Bình luận.

  • Đưa ra dẫn chứng cụ thể và thuyết phục.
  • Lên án, phê phán những con người có lối sống thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng, không có tình yêu thương.

 - Bài học nhận thức và hành động:

Tình thương là một tình cảm hết sức cao quý và tốt đẹp. Mỗi con người cần phải có ý thức vun đắp tình cảm ấy trong chính bản thân mình và giúp đỡ người khác để cuộc sống thêm tươi đẹp hơn.

c) Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa vô giá của tình thương.

Trước hết phải khẳng định rằng tình thương là 1 sức mạnh vĩ đại, cao quý. Nó sẽ luôn đem lại niềm hạnh phúc quý báu cho mỗi con người. Biết cho đi 1 tình thương, bạn sẽ nhận được lại 1 tấm lòng, đó chính là niềm hạnh phúc. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp biết nhường nào khi con người sống với nhau bằng tình cảm chân thành.

 

Bài làm

Khi còn ở độ tuổi thanh thiếu niên, dường như trong chúng ta ai cũng nhìn nhận khái niệm hạnh phúc đơn giản là những điều mình thích và mong muốn. Khi bạn thật sự đặt chân bước vào cuộc hành trình tự khẳng định mình để kiếm tìm giá trị cuộc sống và ý nghĩa bản thân, bạn sẽ dần nhận ra “Tình thương là hạnh phúc của con người”. Đây chính là một chân lý vĩnh hằng trong cuộc sống.

“Tình thương” là một khái niệm chỉ thứ tình cảm vô cùng đẹp đẽ của mỗi con người trong cuộc sống. Đó là sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau một cách thắm thiết và chan hòa. Còn “hạnh phúc” là cảm xúc vui sướng khi đạt được tâm nguyện của bản thân mỗi người hay là khi đem lại niềm vui cho người khác. Khi bạn giúp đỡ ai đó một chuyện mà việc làm đó xuất phát từ trái tim, tình cảm chân thành, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Bởi vậy, câu nói “tình thương là hạnh phúc của con người” là cách nói để nhấn mạnh đến giá trị của tình thương trong cuộc sống. 

Tình thương không phải là điều gì cao xa, khó đạt tới mà nó hiện diện khắp nơi quanh cuộc sống của chúng ta! Con người khi được sinh ra ai cũng mang sẵn trong mình bản năng yêu thương và tinh thần đồng loại. Đặc biệt đó là sự yêu thương, chăm sóc, nâng niu của bậc phụ huynh dành cho con em, sự sẻ chia, đùm bọc giữa anh chị em trong cùng một gia đình hay trong một dòng họ…. Tình yêu thương có vai trò lớn lao như là những dòng suối mát lành vun đắp tâm hồn con người và nuôi dưỡng nó tỏa sáng trong cuộc sống. Tình cảm ấy sẽ thúc đẩy và là động lực để họ giúp đỡ nhau, đoàn kết, đùm bọc và yêu thương lẫn nhau trong xã hội. Cuộc sống càng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn nếu chúng ta luôn được sống trong tình yêu thương.

Tuy nhiên, ngoài việc nhận tình thương, chúng ta còn phải học cách cho đi. Biết yêu thương người khác cũng là một cách để ta tự yêu bản thân mình. Có thể nói, con người cảm thấy hạnh phúc nhất là khi cho đi tình yêu thương và nhận được sự đáp trả lại tình thương từ người khác. 

Tình thương sẽ đem lại đúng giá trị cao quý nếu nó được thể hiện đúng thời điểm và đúng mục đích. Có những cách yêu chưa đúng, không chỉ không mang đến niềm hạnh phúc mà thậm chí còn đem lại nỗi buồn, sự bất hạnh cho người mình thương yêu. Điển hình phải nhắc đến những trường hợp cha mẹ vì quá thương yêu và cưng chiều con cái quá mức. Điều này vô tình làm hư con, thậm chí để lại hậu quả không đáng có cho cuộc sống của chúng sau này. Hay một vài câu chuyện lợi dụng tình cảm yêu thương của người khác, giả dạng có hoàn cảnh khó khăn, để sống ỷ lại, dựa dẫm, lười nhác không chịu lao động, lừa dối để sống bằng đồng tiền bố thí của mọi người. Như vậy, để tình yêu thương được cho đi đúng cách cũng không phải điều dễ dàng. Mỗi người cần rèn luyện thói quen suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn để không vô tình biến tình thương thành thuốc độc.

Mỗi con người chúng ta được sinh ra ai cũng có cho mình một bản năng yêu thương nhất định. Hãy mở rộng trái tim đón nhận những tình cảm tuyệt vời nhất. Tình yêu thương chưa bao giờ là đủ trong cuộc sống ngày nay. Nhất là khi con người càng ngày càng bị cuốn vào những thú vui khác, tình yêu thương chính là dòng chảy, là cội nguồn cứu vớt chúng ta khỏi những sai lầm, bất hạnh trong cuộc sống.

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em chi tiết cách soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội trong chương trình Soạn văn 12. Hi vọng rằng có thể giúp các bạn đạt điểm cao trong bài làm văn số 1 sắp tới. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>>> Xem thêm:

Soạn bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Hotline: 0987810990