Soạn bài Gió lạnh đầu mùa| Văn 8 tập 1 cánh diều
Văn bản Gió lạnh đầu mùa nói về sự khác biệt giữa những đứa trẻ sống ở trong gia đình khá giả với những đứa trẻ sống trong gia đình nghèo khó. Qua đó, ta thấy được nỗi bất hạnh của những con người nghèo khổ, lại vừa cảm nhận sâu sắc về tình người ấm nồng, để từ đó càng thấy biết ơn và trân trọng cuộc sống hơn. Cùng theo dõi bài soạn dưới đây cùng VUIHOC nhé!
1. Soạn bài Gió lạnh đầu mùa văn 8 tập 1 cánh diều: Chuẩn bị
1.1 Tìm hiểu về tác giả Thạch Lam
- Nhà văn Thạch Lam (sinh năm 1910, mất năm 1942):
+ Tên thật của ông là Nguyễn Tường Lân, sinh ra và học tập ở thủ đô Hà Nội nhưng thuở nhỏ sống tại phố Cẩm Giàng – Hải Dương. Sau khi đỗ Tú tài, ông nghỉ học về làm báo với anh và gia nhập vào nhóm Tự Lực văn đoàn.
+ Ông là một người thông minh, điềm đạm, trầm tính, đôn hậu và rất tinh tế.
+ Về quan điểm sáng tác: theo Thạch Lam, văn chương chính là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó đã tác động sâu sắc tới tư tưởng và tình cảm của con người. Ông quan niệm rằng “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
+ Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Gió đầu mùa (năm 1937), Nắng trong vườn (năm 1938), Sợi tóc (năm 1942), Ngày mới (năm 1939), Theo dòng (năm 1941), Hà Nội băm sáu phố phường (năm 1943),…
+ Về phong cách nghệ thuật: ông thường sáng tác hướng đến cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo khó và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật, cốt truyện thì cực kỳ đơn giản hoặc là không có cốt truyện. Đồng thời, có sự hòa quyện vô cùng tuyệt vời giữa hai yếu tố hiện thực với lãng mạn, tự sự với trữ tình.
1.2 Tác phẩm Gió lạnh đầu mùa
a. Thể loại
Gió lạnh đầu mùa thuộc vào thể loại truyện ngắn.
b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
Trích ở trong tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”, xuất bản vào năm 1937.
c. Phương thức biểu đạt
Văn bản Gió lạnh đầu mùa có phương thức biểu đạt chính là Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
d. Người kể chuyện
Văn bản Gió lạnh đầu mùa được kể dựa theo ngôi thứ ba.
e. Tóm tắt văn bản Gió lạnh đầu mùa
Sơn và Lan là hai chị em được sinh ra trong một gia đình khá giả. Không giống với những đứa trẻ có điều kiện khác, hai chị em Sơn và Lan luôn sống hòa đồng, gần gũi với những đứa trẻ nghèo khó trong cùng phố huyện. Vào một ngày trời bắt đầu chuyển lạnh, hai chị em mặc áo ấm và ra chợ chơi thì thấy Hiên – cô bé hàng xóm đang co ro ở bên cột quán với manh áo rất mong manh, lại rách tả tơi. Thấy vậy, hai chị em bèn đem tặng cho Hiên một chiếc áo bông cũ. Chính chiếc áo bông đó đã thắp sáng lên tình yêu thương, sưởi ấm cho Hiên cũng như biết bao đứa trẻ nghèo nơi đây trải qua mùa đông giá rét. Câu chuyện đã để lại dư âm ở trong lòng độc giả, khiến cho độc giả vừa thấm thía được nỗi khổ đau, bất hạnh cùng với hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, lại vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý và thiêng liêng; từ đó biết trân trọng cuộc sống này hơn.
f. Bố cục bài Gió lạnh đầu mùa
Gió lạnh đầu mùa có bố cục bao gồm 3 phần:
+ Phần 1 (Từ đầu tới rơm rớm nước mắt): Cảnh sinh hoạt ở trong gia đình Sơn vào ngày gió đầu mùa.
+ Phần 2 (Tiếp tới ấm áp vui vui): Cảnh hai chị em Sơn cùng vui đùa và chia sẻ áo ấm cho Hiên.
+ Phần 3 (Còn lại): Sự lo lắng của Sơn với cảnh mẹ Hiên trả lại áo.
g. Giá trị nội dung
Gió lạnh đầu mùa đã thể hiện được tình thương giữa con người với nhau ở trong hoàn cảnh khổ cực và khắc nghiệt.
h. Giá trị nghệ thuật
Nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả cùng biểu cảm tinh tế thêm với các thủ pháp đối lập và miêu tả tâm lí xuất sắc.
>> Xem thêm: Soạn văn 8 Cánh diều
2. Soạn bài Gió lạnh đầu mùa văn 8 tập 1 cánh diều: Đọc hiểu
2.1 Chú ý vào nhan đề và bối cảnh của truyện.
Trả lời:
Nhan đề của truyện đã gợi lên một bối cảnh mùa đông lạnh giá, ẩn trong đó chính là một câu chuyện ấm áp về tình đời cũng như tình người.
2.2 Những chi tiết nào cho thấy rằng trời đang rất lạnh?
Trả lời:
- Những chi tiết cho thấy rằng trời đang rất lạnh:
+ Qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.
+ Trời không u ám, toàn một màu trắng đục.
+ Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.
+ Sơn kéo chăn lên đắp cho em, rồi co ro đứng dậy sang phản bên này…
+ Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp và mặt, vào má cho ấm, rồi để miệng chén cho hơi bốc lên.
+ Người vú già xù xù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói: - Rét quá! Múc nước cóng cả tay.
2.3 Chú ý vào chi tiết cái áo bông của Duyên.
Trả lời:
Chi tiết cái áo bông của Duyên tuy cánh đã cũ nhưng vẫn còn lành lặn.
2.4 Thử hình dung về dáng điệu và tâm trạng của Sơn khi chuẩn bị đi chơi.
Trả lời:
Sơn xúng xính rủ chị đi ra chợ chơi.
2.5 Tại sao lũ trẻ khi thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng lại không dám vồ vập?
Trả lời:
Lũ trẻ muốn ngắm nghía các bộ quần áo mới của chị em Sơn những vì lo sợ sự nghèo hèn của mình cho nên không dám lại gần. Khi chị em Sơn đã có áo ấm mặc thì lũ trẻ ấy vẫn ăn mặc như thường ngày và phải chịu cái rét đến cắt da, cắt thịt.
2.6 Các câu đối thoại ở đây cho thấy gì về thái độ của bọn trẻ?
Trả lời:
Các câu thoại thể hiện thái độ của bọn trẻ: hồn nhiên, ngây thơ và hằng ao ước mình có được chiếc áo ấm.
2.7 Chú ý vào hoàn cảnh của Hiên.
Trả lời:
Hoàn cảnh của Hiên: nhà nghèo, mẹ của Hiên chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc, Hiên phải mặc manh áo rách tả tơi, hở cả lưng lẫn tay, đứng co ro ở trong tiết trời mùa đông buốt giá.
2.8 Tại sao Sơn lại cảm thấy “ấm áp vui vui”?
Trả lời:
Sơn cảm thấy ấm áp vui vui là vì đã có thể giúp đỡ được cho Hiên - một người bạn của bé Duyên, đứa em gái của Sơn. Chị em Sơn muốn tặng cho Hiên một cái áo ấm để Hiên không còn bị lạnh.
2.9 Sinh là người ra sao?
Trả lời:
Sinh là một đứa em họ của Sơn, hay nói hỗn cho nên bị vú ghét.
2.10 Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn đã được thể hiện thông qua những chi tiết nào?
Trả lời:
- Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn đã được thể hiện thông qua những chi tiết:
+ Lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van.
+ Vội vàng ra chợ tìm cái Hiên…
+ Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp.
2.11 Vì sao chị em Sơn lại nghĩ rằng khi cho cái áo ấy lại có thể bị mẹ mắng?
Trả lời:
- Chị em Sơn cho cái áo ấy có thể lại bị mắng vì: chiếc áo chính là kỉ vật đầy thiêng liêng của em Duyên đã mất mà khi nhắc tới mẹ luôn cảm thấy rất đau lòng và xúc động cho nên chiếc áo ấy không thể cho đi.
2.12 Câu nói của mẹ Hiên thể hiện điều gì?
Câu nói của mẹ Hiên đã thể hiện rằng bà là một người có lòng tự trọng, dù cho nghèo khó, không thể mua áo mới cho con mình nhưng bà sẽ không tham lam. Khi thấy con gái mặc chiếc áo của bé Duyên, mẹ của Hiên đã dắt con sang trả lại chiếc áo ấy.
2.13 Kết thúc truyện có điều gì bất ngờ?
Hai chị em Sơn không bị mắng như những gì đã nghĩ mà còn được mẹ âu yếm vào trong lòng. Mẹ con Hiên cũng được mẹ Sơn cho vay tiền để có thể may áo ấm cho Hiên.
3. Soạn bài Gió lạnh đầu mùa văn 8 tập 1 cánh diều: Trả lời câu hỏi cuối bài
3.1 Câu 1 trang 24 SGK văn 8/1 Cánh diều
Hãy tóm tắt lại nội dung chính của truyện Gió lạnh đầu mùa. Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (tác giả Thạch Lam) và Tôi đi học (tác giả Thanh Tịnh) có điểm gì giống nhau?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại văn bản sau đó tóm tắt các nội dung chính.
Lời giải chi tiết:
- Tóm tắt:
Cách 1:
“Gió lạnh đầu mùa” kể lại một buổi sáng mùa đông tới bất ngờ, mẹ và chị Lan đã thức dậy từ rất sớm, đều mặc áo ấm cả. Đến khi Sơn tỉnh dậy, cậu được mẹ cho mặc một chiếc áo màu nâu sẫm cùng với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sau đó chị em Sơn đi ra ngoài chơi, bộ quần áo của cả hai chị em Sơn đều khiến lũ trẻ trong xóm không khỏi hiếu kì và vô cùng ngưỡng mộ, bởi lẽ chính chúng không có được quần áo rét để mặc vào thời tiết giá rét. Bỗng nhiên, Lan nhìn thấy cô bé Hiên đang đứng cách đó không xa, chỉ mặc mỗi manh áo rách tả tơi, hở cả lưng lẫn tay. Biết được sự tình, chị em Sơn đã động lòng thương. Sơn đã nói với chị Lan rằng đem chiếc áo của em Duyên tới cho Hiên mặc. Đến khi về nhà, Lan và Sơn nghe người vú già nói rằng mẹ đã biết chuyện. Cả hai đều lo lắng và sợ sệt nên đã chạy sang nhà Hiên để đòi lại áo nhưng lại không có ai ở nhà. Đến khi Sơn và Lan về đến nhà đã thấy mẹ con Hiên đem áo tới trả. Mẹ Sơn biết rõ được mọi chuyện, liền cho mẹ Hiên vay năm hào để may áo cho con. Khi họ ra về, mẹ Sơn đã nhẹ nhàng và âu yếm ôm hai con vào lòng mà nói rằng: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta, không sợ mẹ mắng ư?”.
Cách 2:
Một buổi sáng, Sơn thức dậy và cảm nhận rằng mùa đông đã đến. Chị và mẹ Sơn đều đã tỉnh dậy, ngồi quạt hỏa lò để có thể pha nước chè uống. Mọi người ở trong nhà đều đã mặc áo ấm. Riêng có Sơn được mẹ mặc cho một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm cùng với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sau đó, hai chị em đi ra ngoài chơi. Những đứa trẻ ở trong xóm nhìn thấy chị em Sơn có những chiếc áo ấm liền tới gần xuýt xoa khen ngợi. Chị Lan nhìn thấy Hiên đứng ở phía xa, liền tới gần hỏi han. Nhà nghèo, Hiên không có một chiếc áo ấm nào để mặc. Sơn nhìn thấy động lòng thương, nói với chị Lan rằng về nhà lấy chiếc áo bông cũ để cho Hiên mặc. Khi nghe thấy người vú già nói, sợ mẹ sẽ mắng, Sơn và Lan sang nhà Hiên để đòi lại áo nhưng không có người ở nhà. Về nhà thì thấy mẹ của Hiên đang ngồi nói chuyện với mẹ của mình. Mẹ Sơn thấy nhà Hiên nghèo khổ nên đã cho mẹ Hiên mượn năm hào để may áo ấm cho con. Khi mẹ con của Hiên ra về, mẹ Sơn đã ôm lấy hai đứa con vào lòng rồi hỏi rằng: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta, không sợ mẹ mắng ư?”.
- Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (tác giả Thạch Lam) và Tôi đi học (tác giả Thanh Tịnh) có điểm giống nhau đó là:
+ Đều kể lại sự việc một cách giản dị, gần gũi và đời thường
+ Có những dòng cảm xúc cùng với diễn biến tâm trạng khác nhau của nhân vật
3.2 Câu 2 trang 24 SGK văn 8/1 Cánh diều
Những chi tiết nào ở trong truyện giúp em hình dung được bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả ở trong truyện?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại văn bản, chú ý vào những chi tiết miêu tả bối cảnh mà chị em Sơn cho chiếc áo bông
Lời giải chi tiết:
- Chi tiết cho thấy rằng chị em Sơn có một cuộc sống khá giả:
+ "Chị Lan từ trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo..... đống quần áo rét."
+ "Sơn đã mặc xong áo ấm: cả cái áo dạ chỉ đỏ ....thâm dài."
+ "Nhà Sơn quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn."
- Chi tiết miêu tả về lũ trẻ nhà nghèo:
+ "Chúng nó thấy chị em Sơn...Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy."
+ "Sơn nhận thấy chúng ăn mắc không khác ngày thường.... hàm răng đập vào nhau."
+ "Sơn bây giờ mới chợt nhớ đến là mẹ cái Hiên rất nghèo....cho con nữa."
→ Sơn và Lan là hai chị em được sinh ra trong một gia đình khá giả, còn những đứa trẻ khác là những đứa trẻ có cuộc sống nghèo khó cùng phố huyện. Hoàn cảnh sống của người dân vẫn còn vô cùng khó khăn, nhà nghèo, đều phải mặc những chiếc áo rách tả tơi, không có đủ áo ấm để mặc vào tiết trời mùa đông giá rét.
3.3 Câu 3 trang 24 SGK văn 8/1 Cánh diều
Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Sơn trước và sau khi cho chiếc áo. Chi tiết nào làm cho em chú ý và xúc động nhất? Tại sao?
Phương pháp giải:
Chú ý vào các chi tiết miêu tả về tâm trạng của Sơn trước và sau khi cho chiếc áo trong phần (2)
Lời giải chi tiết:
- Tâm trạng của Sơn trước khi cho chiếc áo: động lòng thương khi thấy được hoàn cảnh của Hiên và nhớ tới đứa em gái đã mất của mình mà ngày trước cũng thường hay chơi, đùa nghịch với Hiên trong vườn nhà, thì thầm với chị mong muốn được đem cho Hiên chiếc áo bông cũ, trong lòng tự nhiên cảm thấy ấm áp vui vui.
- Tâm trạng của Sơn sau khi cho chiếc áo: niềm vui không được bao lâu thì Sơn lại cảm thấy lo lắng và sợ hãi khi biết được tin rằng cái Sinh sẽ đi mách với mẹ mình về việc cho đi chiếc áo. Cậu muốn giúp đỡ Hiên nhưng trong lòng lại cảm thấy lo lắng rằng mẹ sẽ trách phạt nên đã đi kiếm Hiên để đòi lại áo.
- Chi tiết làm em thấy xúc động nhất: chi tiết Sơn thấy động lòng thương trước hoàn cảnh của Hiên và muốn cho chiếc áo bông cũ để Hiên mặc. Qua đây, nhân vật Sơn đã cho em biết được rằng ở đâu đó ở trong xã hội cũ, tình người, sự thương yêu ấm áp cùng lòng nhân ái với những hoàn cảnh bất hạnh ở ngoài xã hội vẫn còn đó.
3.4 Câu 4 trang 24 SGK văn 8/1 Cánh diều
Nhận xét về thái độ cùng với cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn với mẹ Hiên) trong phần cuối của truyện. Theo em, vì sao mẹ Sơn lại không thấy hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông đó?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại phần (3) và nhận xét về thái độ của hai người mẹ.
Lời giải chi tiết:
- Thái độ cùng với cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn với mẹ Hiên) ở trong phần cuối của truyện:
+ Mẹ Hiên: không cho con được lấy đồ của người khác, đem trả lại món đồ cho chủ nhân của nó dù biết món đồ đó vô cùng cần thiết. Qua đó, ta thấy được rằng bà là người có tính cách chất phác, sống thật thà, hiền hậu và giàu lòng tự trọng mặc dù có sống trong hoàn cảnh nghèo túng nhưng vẫn không đánh mất đi phẩm giá của mình.
+ Mẹ Sơn: câu kết ở cuối bài "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng à?", với cử chỉ là "âu yếm ôm con vào lòng" chứa đựng biết bao nhiêu tình yêu thương. Người mẹ ấy rất hiểu và cảm thông cho hành động của hai đứa con nên không hề trách mắng mà còn muốn giúp đỡ cho gia đình Hiên. Người mẹ đó cũng không hề trách cứ gì mẹ con Hiên hay là có thái độ khó chịu và trịch thượng. Sự giúp đỡ của bà trong ngày đông cũng chính là ngọn lửa của tình người ấm áp.
- Theo em, mẹ Sơn lại không hài lòng khi mà chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông đó là vì nó là kỉ vật thiêng liêng của người con đã mất cho nên không thể cho.
3.5 Câu 5 trang 24 SGK văn 8/1 Cánh diều
Có người cho rằng, truyện Gió lạnh đầu mùa chỉ mang ý nghĩa đơn giản là việc cho đi chiếc áo bông cũ. Em có đồng ý hay không? Tại sao? Theo em, truyện ngắn ấy có ý nghĩa như thế nào?
Phương pháp giải:
Dựa vào hiểu biết của cá nhân để đưa ra ý kiến và lí giải một cách hợp lí
Lời giải chi tiết:
- Em không đồng ý với ý kiến ấy. Bởi ẩn sâu bên trong câu chuyện cho đi chiếc áo bông cũ thì chính là tình người với nhau ở trong cuộc sống. Câu chuyện đã để lại dư âm sâu sắc ở trong lòng độc giả, khiến cho độc giả vừa thấm thía được nỗi khổ đau, bất hạnh và hoàn cảnh éo le của những con người sống trong sự nghèo khổ, vừa cảm nhận được sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý và thiêng liêng; từ đó cảm thấy trân trọng cuộc sống này hơn.
- Ý nghĩa của truyện Gió lạnh đầu mùa: Truyện cho thấy về sự khác biệt giữa những đứa trẻ sống ở trong gia đình khá giả với cuộc sống nghèo khổ. Đồng thời, truyện còn ca ngợi về tình yêu thương và tấm lòng nhân ái của con người. Truyện mãi mãi để lại ở trong lòng người về sự ấm áp của tình người và tình đời.
3.6 Câu 6 trang 24 SGK văn 8/1 Cánh diều
Vẻ đẹp của truyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ thể hiện thông qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn trong tình cảm trong sáng của những tấm lòng vô cùng nhân hậu bao dung. Hãy viết một đoạn văn (độ dài khoảng 10 – 12 câu) làm rõ về điều đó.
Phương pháp giải:
Viết đoạn văn để làm rõ nhận xét.
Lời giải chi tiết:
Đoạn tham khảo 1:
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của tác giả Thạch Lam là một tác phẩm không chỉ mang vẻ đẹp hình thức mà còn mang cả vẻ đẹp về tình cảm trong sáng của những tấm lòng vô cùng nhân hậu bao dung. Mở đầu câu chuyện chúng ta thấy được hình ảnh của gia đình Sơn hiện lên rất đủ đầy và ấm cúng. Thế nhưng trái ngược lại hoàn toàn với sự đủ đầy ấy chính là sự thiếu thốn, nghèo khổ của những đứa trẻ hàng xóm. Trong ngày cái lạnh bất ngờ đến ấy, lũ trẻ ngồi run rẩy trong những manh áo rét, đặc biệt là cái Hiên mặc mỗi chiếc áo rách tả tơi. Từng câu chữ được sử dụng ở trong tác phẩm đã góp phần tạo ra những hình ảnh rõ nét về nông thôn ở Việt Nam vào thế kỉ trước. Bên cạnh ấy ta còn thấy được thông điệp vô cùng nhân đạo mà tác giả đã gửi gắm thông qua hành động hết sức ấm áp của hai chị em Sơn. Tuy còn nhỏ nhưng hai chị Sơn đã thấy động lòng trước những hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng cho đi mà chẳng màng tới hậu quả. Đó cũng chính là chi tiết sáng giá nhất làm nên sự ấm áp giữa con người với con người. Ngoài ra chi tiết người mẹ đã bao dung cho lỗi lầm của hai chị em cũng là một tình tiết hết sức đắt giá. Cách cư xử của người mẹ khi thấy các con mắc lỗi cho thấy rằng tấm lòng bao dung mà người mẹ dành cho các con của mình. Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là một bức tranh vô cùng ấm áp về tình người được vẽ lên bởi ngôn từ, hình ảnh cùng với tấm lòng của nhà văn với con người.
Đoạn tham khảo 2:
Thạch Lam là một trong những cây bút vô cùng xuất sắc trong nền văn xuôi Việt Nam với những đóng góp hết sức tiêu biểu để lại cho đời. Một trong số ấy là tác phẩm Gió lạnh đầu mùa, một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật mà ông theo đuổi. Truyện là dòng chảy tâm trạng với nhiều biến thái tinh vị, chất trữ tình cùng với hiện thực đan cài và đằng sau tác phẩm có thấp thoáng một cái tôi rất giàu lòng nhân hậu. Với Gió lạnh đầu mùa, vẻ đẹp của tình yêu thương của con người, viết về mùa đông cùng với cái rét khắc nghiệt nhưng câu chuyện lại đem đến cho chúng ta cảm giác ấm áp đến lạ kì. Cái ấm áp của tình người không thể phân biệt đẳng cấp hay sang hèn. Cái ấm áp của một gia đình bé nhỏ nhưng lại dạt dào tình yêu thương từ vú già, mẹ, cho đến các con và đặc biệt đối với người em gái nhỏ đã mất. Cái ấm áp ấy được tạo ra nhờ vào những đứa trẻ nhỏ cùng với tâm hồn ngây thơ và trong sáng chưa vướng vào chút bụi trần nào. Qua đó, tác phẩm đã truyền tải cho người đọc về một thông điệp sâu sắc, giàu ý nghĩa nhân văn chính là: gió lạnh nhưng tình người thì không lạnh.
Đoạn tham khảo 3:
Vẻ đẹp trong truyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ hiện ra thông qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,...) mà còn ở tình cảm vô cùng trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Thạch Lam đã vô cùng thành công trong việc sử dụng phương thức nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm tinh tế cùng với nhiều thủ pháp đối lập và miêu tả tâm lí vô cùng xuất sắc. Đồng thời truyện cũng rất thành công trong việc xây dựng được hình tượng nhân vật Sơn - một cậu bé vô cùng tốt bụng, lương thiện và hòa đồng. Nếu mấy đứa em họ của Sơn đều rất “kiêu kì và khinh khỉnh” với bọn trẻ con sống ở khu chợ thì Sơn và chị Lan vẫn rất vui vẻ, thân mật chơi đùa cùng với họ. Đặc biệt nhất, khi thấy Hiên - một cô bạn có gia cảnh vô cùng nghèo khó, Sơn đã nghĩ tới việc đem chiếc áo bông cũ của em Duyên đã mất cho Hiên mặc. Điều đó thể hiện rằng Sơn là một cậu bé rất biết quan tâm và chia sẻ với bạn bè. Qua nhân vật Sơn, nhà văn Thạch Lam đã đem tới cho bạn đọc một bài học vô cùng ý nghĩa về tấm lòng nhân ái.
Đoạn tham khảo 4:
Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam là trang văn đã thể hiện được thấm đẫm dư vị của tình yêu thương. Tác phẩm không cần có quá nhiều cuộc đối thoại mà chỉ thông qua những con chữ, độc giả đã có thể dễ dàng thể hiện được vẻ đẹp ẩn sâu bên trong của mỗi nhân vật. Có lẽ, mỗi nhân vật đều mang một kích thước tâm hồn giống với tác giả nên ở họ luôn có sự đa cảm cùng với tinh thần lạc quan, dù những con người đó sống trong nghịch cảnh nhưng vẫn biết tự tạo hạnh phúc cho riêng mình. Mẹ của Sơn là một người mẹ vô cùng yêu thương con và có tấm lòng rất đôn hậu, thể hiện thông qua những chi tiết bà chăm sóc cho con mình và cho các con có một tuổi thơ đầy đủ “Mẹ đưa cho Sơn một chiếc áo khoác mới, dày và ấm hơn, sau đó hai chị em cùng nhau ra chợ tìm những đứa trẻ khác trong làng để chơi.”. Về những đứa trẻ nghèo khổ trong xóm, dù đã mấy năm trôi qua, mùa đông cứ thế đến rồi lại đi nhưng chúng nó vẫn phải mang đi mang lại mấy bộ đồ cũ, chỉ có những mảnh vá thì ngày càng có nhiều thêm mà thôi. Trong số ấy có Hiên, đứa trẻ duy nhất chỉ mang trên mình mỗi manh áo rách tả tơi lộ hết cả phần lưng lẫn cánh tay, vì mẹ của em làm nghề mò cua bắt ốc, chẳng khấm khá được bao nhiêu cho nên cũng không có tiền để mua lại đồ cũ hay dù chỉ vài đồng để có thể may áo cho con. Thế rồi sự thương cảm của chị em Sơn đã trỗi dậy, hai đứa trẻ đã quyết định về nhà lấy cho Hiên một chiếc áo bông cũ. Hành động của Sơn chính là tình nhân ái được nảy sinh từ sự tự nguyện, một tấm lòng luôn biết đồng cảm với các kiếp người nghèo khổ. Dẫu lo sẽ bị mẹ mắng nhưng em vẫn quyết định sẽ tặng chiếc áo bông cũ cho Hiên, chúng ta có thể xem hành động đó như tình thương yêu xuất phát từ sâu trong trái tim thuần khiết. Bên cạnh đó cũng không thể nào không nhắc tới mẹ con Hiên, dù được chị em Sơn cho chiếc áo cũ nhưng họ vẫn nhất quyết chạy sang nhà để trả lại, tuy có nghèo khổ nhưng hai con người đó vẫn có lòng tự trọng và luôn biết ơn những ai đã quan tâm tới cuộc sống của họ. Từ đó chúng ta có thể thấy được rằng, giữa dòng đời trôi nổi vô định ấy, không phải ai cũng vô tâm, lạnh lùng mà còn rất nhiều người mang trong mình một tâm hồn trong sáng và nặng trĩu tình thương.
Trên đây là toàn bộ phần Soạn bài Gió lạnh đầu mùa. Khi các em tham khảo những câu trả lời trong phần soạn bài này, các em sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Ngoài bài soạn này ra, khi muốn tham khảo thêm bất kỳ bài soạn nào khác có trong chương trình ngữ văn nói riêng hay những bài soạn khác có trong môn học khác nói chung, các em hãy truy cập nhanh vào website của VUIHOC là vuihoc.vn để có thể tự đăng ký khoá học một cách nhanh chóng và được giảng giải trực tiếp từ các thầy cô giáo VUIHOC vô cùng đáng yêu và nhiệt huyết.
>> Mời bạn tham khảo thêm: Tôi đi học