img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Phân tích một tác phẩm thơ| Văn 8 tập 2 cánh diều

Tác giả Hoàng Uyên 09:49 12/03/2024 5,385 Tag Lớp 8

Phân tích một tác phẩm thơ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, cảm thụ và sáng tạo văn học, đồng thời góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm và tư tưởng cho các em. Soạn bài Phân tích một tác phẩm thơ là một yêu cầu quan trọng trong chương trình Ngữ văn 8 tập 2 Cánh diều. Mời các em học sinh tham khảo bài soạn dưới đây của VUIHOC.

Soạn bài Phân tích một tác phẩm thơ| Văn 8 tập 2 cánh diều
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

Soạn bài Phân tích một tác phẩm thơ văn 8/2 Cánh diều

Đề bài : Phân tích bài thơ “Vịnh khoa thi Hương” của Trần Tế Xương.

1. Lập dàn ý phân tích một tác phẩm thơ

A. Mở bài:

Giới thiệu đôi nét về tác giả Tú Xương:

- Là nhà thơ trào phúng nổi tiếng thời đầu thế kỷ 20.

- Thơ ông thể hiện sâu sắc sự châm biếm và đả kích xã hội thối nát đương thời.

Giới thiệu khái quát về bài thơ "Vịnh khoa thi Hương":

- Bài thơ được sáng tác vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

- Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Tú Xương.

- Phản ánh rõ hiện thực xã hội và nền giáo dục nước ta thời kỳ Pháp thuộc.

B. Thân bài:

- Nội dung bài thơ: Tái hiện lên bức tranh một kì thi Hương cuối triều Nguyễn với sự nhốn nháo, ô hợp và lố lăng, với sự giám sát của bọn thực dân Pháp.

a) Hai câu đề: Giới thiệu về trường thi.

- Nói về sự kiện: Mở đầu là đặc điểm thường thấy trong quy cách thi cử xưa nay. Theo thường lệ thời phong kiến, nhà nước mở khoa thi Hương ba năm một lần. ⇒ Sự kiện ấy  tưởng như không có gì đặc biệt, chỉ có tính chất như một thông báo một thông tin bình thường.

- Sử dụng từ “lẫn” trong câu “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”: ⇒ Đây chính là điều bất thường của kì thi.

  • Trường Nam: chỉ Trường thi ở Nam Định, trường Hà: chỉ Trường thi ở Hà Nội

  • Lý do: bọn thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi ở Hà Nội bị bãi bỏ ⇒ Các sĩ tử hai trường phải thi chung một địa điểm.

⇒ Hai câu đề với kiểu câu tự sự mang tính chất kể lại kỳ thi với tất cả sự hỗn tạp, ô hợp và thiếu nghiêm túc trong buổi giao thời.

b. Hai câu thực: Khung cảnh của trường thi:

- Hình ảnh: Khung cảnh nhốn nháo của các sĩ tử, quan trường lẫn lộn với nhau

     + Sĩ tử: lôi thôi, vai đeo lọ. Đáng lẽ hình ảnh người đi thi phải trang trọng, nho nhã nhưng ở đây lại "lôi thôi" → dáng vẻ luộm thuộm, nhếch nhác

     + Quan trường: ậm ọe, miệng thét loa → nạt nộ, ra oai nhưng đó là cái oai cố tạo, giả vờ. → Đám quan lại làm mất đi cái phong thái tôn kính, trang nghiêm của kẻ làm quan.

- Nghệ thuật:

     + Sử dụng các từ láy tượng thanh và tượng hình: ậm ọe, lôi thôi.

     + Phép đối: lôi thôi sĩ tử >< ậm ọe quan trường.

     + Phép đảo ngữ: Đảo trật tự cú pháp “lôi thôi sĩ tử”, “ậm ọe quan trường”.

⇒ Hai câu thơ đối song song đã cho thấy khung cảnh láo nháo, lộn xộn và ô hợp của trường thi, mặc dù đây là một kì thi Hương quan trọng của nhà nước lúc bấy giờ. 

⇒ Cảnh trường thi đã phản ánh sự suy vong của một nền học vấn, sự lỗi thời của đạo Nho. Trường thi thật hỗn tạp giống như tình cảnh của đất nước lúc bấy giờ.

c. Hai câu luận: Cảnh đón rước quan sứ và phu nhân.

- Hình ảnh:

    + Quan sứ: Viên quan người Pháp, đứng đầu bộ máy cai trị của tỉnh Nam Định nhưng lại được tiếp đón trọng thể.

     + Mụ đầm: vợ của quan sứ, ăn mặc diêm dúa, điệu đà.

⇒ Hình thức phô trương, không đúng với nghi lễ của một kì thi.

- Nghệ thuật đối: Lọng >< váy, quan sứ >< mụ đầm, trời >< đất → Thái độ mỉa mai và châm biếm hạ nhục bọn quan lại, thực dân.

⇒ Tất cả hình ảnh đều báo hiệu về một sự sa sút  của chất lượng thi cử, bản chất của xã hội thực dân phong kiến.

d) Hai câu kết: Lời kêu gọi tới những kẻ sĩ.

- Tâm trạng và thái độ của tác giả trước cảnh tượng trường thi: Vừa ngao ngán vừa xót xa trước sự sa sút của đất nước.

  • Niềm đau xót bật ra khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan.

  • "Đất Bắc": Chỉ kinh đô Hà Nội - nơi hội tụ của tinh hoa, anh tài

  • "Nhân tài": Từ phiếm chỉ, dùng để chỉ những người là kẻ sĩ trong xã hội, những người đã quay đầu và làm ngơ trước nhân tình thế thái.

  • "Ngoảnh cổ": Nhìn lại

⇒ Thái độ mỉa mai và phẫn uất của nhà thơ với chế độ thi cử đương thời và đối với con đường khoa cử của riêng ông. Hai câu kết cuối giống như một lời nhắn nhủ các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Nhà thơ hỏi người nhưng dường như cũng chính là hỏi mình.

C. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

  • Nội dung: Phản ánh hiện thực xã hội và nền giáo dục thối nát, bế tắc ngày ấy.

  • Nghệ thuật: Sử dụng các biện pháp tu từ cùng giọng điệu mỉa mai, châm biếm, ngôn ngữ giản dị.

>> Mời bạn tham khảo: Soạn văn 8 cánh diều 

2. Thực hành viết 

Mẫu thực hành viết 1:

Tú Xương là một nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm châm biếm, hài hước trên diễn đàn thơ ca Việt Nam. Trong sự nghiệp đồ sộ của mình, Tú Xương có tới mười ba bài vừa thơ vừa phú nói thuộc đề tài "thi cử" với thái độ mỉa mai và phẫn uất với chế độ thi cử đương thời. "Vịnh khoa thi Hương" là một trong số mười ba bài thơ đó. Qua bài thơ này, Tú Xương muốn tái hiện lên cái hiện thực vừa nhốn nháo vừa ô hợp của xã hội nửa thực dân nửa phong kiến qua hình ảnh của một kì thi Hương quan trọng. Đồng thời, tác giả mượn hình ảnh đó để nói lên tâm sự của mình trước tình cảnh đất nước.

"Nhà nước ba năm mở một khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến

Váy lê quét đất mụ đầm ra

Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà".

"Vịnh khoa thi Hương" chính là một bức tranh chân thực sống động về chế độ thi cử của Việt Nam vào những năm cuối triều Nguyễn, trước sự giám sát của bọn thực dân Pháp. Đó là một bức tranh về một kì thi long trọng nhưng lại được tổ chức một cách lố lăng, nhốn nháo. Mở đầu bài thơ, tác giả Tú Xương đã khéo léo dẫn vào trong thơ của mình khung cảnh của một kì thi Hương với những đặc điểm giống và khác so với trước kia. Đầu tiên, thi Hương là một kì thi được "nhà nước" mở ba năm một lần như thường lệ:

"Nhà nước ba năm mở một khoa

Trường Nam thi lẫn với trường Hà"

Đây là đặc điểm quy định như thường lệ của luật thi cử nước nhà xưa nay. Thế nhưng, một điều lại khiến cho ta thấy kinh ngạc bởi sự bất thường của nó. Hai trường thi khác nhau vốn ở hai nơi khác nhau, vậy mà năm nay thí sinh của cả hai trường này lại ngồi trộn "lẫn" với nhau. Lý do là vì khi bọn thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi ở Hà Nội đã bị bãi bỏ, "nhà nước" dồn tất cả các sĩ tử ở Hà Nội phải xuống trường ở Nam Định để thi. Đây chính là điểm bất thường mà năm nay mới có. Hơn thế, trong câu thơ này, nhà thơ Tú Xương cũng dùng chữ "lẫn" để diễn tả khung cảnh nhốn nháo, ô hợp của trường thi, đối lập hoàn toàn với sự trang nghiêm cần có trong một kì thi hương quan trọng của triều đình.

Hai câu đề của bài thơ đã làm tốt vai trò mở đầu và giới thiệu của nó, để đến hai câu tiếp theo, người đọc đã được chứng kiến, kiểm nghiệm ngay cái sự nhốn nháo đã nhắc đến ở trên:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”

Hai câu thơ thực đã làm hiện ra một khung cảnh thật là tạp nham, thật là nhốn nháo. Nào là các sĩ tử đi thi, nào là quan lại coi thi nhốn nháo hết cả lên, chẳng có quy cách của một kì thi Hương quan trọng của triều đình lúc bấy giờ. Hai nhân vật chính của kì thi được bộc lộ, khắc họa thật rõ nét. Đồng thời cũng cho độc giả chúng ta thấy được cái quy cách của trường thi năm nay thật khác biệt so với thời xưa. "Sĩ tử" thân là những người đi thi, đáng ra dáng vẻ phải trông thật nho nhã, trang trọng, vậy mà ở đây chỉ toàn thấy là sự luộm thuộm, lôi thôi với bao nhiêu chai với lọ, thật quá đỗi nhếch nhác. Tác giả Tú Xương đã cố ý đảo chữ "lôi thôi" lên đầu câu để có thể nhấn mạnh cái sự nhếch nhác của các sĩ tử trong mùa thi Hương lần này. Hình ảnh cái "lọ" - vốn là vật dụng được cho là đựng mực, đựng nước uống của sĩ tử, nhưng lại được "đeo" trên vai, nghe lời văn sao có vẻ mỉa mai đến thế. Cái hình ảnh ấy dường như đang gợi lên sự xiêu vẹo, đổ gãy, cùng sự lếch thếch của những kẻ mà sau này vốn sẽ trở thành những trụ cột cho tương lai của đất nước. Và hơn thế, nhà thơ cũng muốn nhấn mạnh rằng những kẻ "vai đeo lọ" kia là những kẻ sĩ, những kẻ có tri thức ở trong xã hội mà lại không thể giữ cho bản thân cái phong thái mang danh kẻ sĩ ấy. Không chỉ vậy, tác giả cũng nhấn mạnh thật kĩ hình ảnh của lũ "quan trường" - có nhiệm vụ coi thi ở trường thi. Tú Xương cũng đã tìm ra cho chúng một từ ngữ thật xứng đáng "ậm ọe".

"Ậm ọe quan trường miệng thét loa"

Nếu như lũ sĩ tử gắn với hình ảnh "lôi thôi", nhếch nhác bao nhiêu thì lũ quan trường cũng "ậm ọe", lố lăng bấy nhiêu. Cách dùng từ ngữ sáng tạo quả đúng xứng danh cái tên Tú Xương. Cái âm thanh "ậm ọe" ấy rõ ràng chỉ là những thanh âm ú ớ, không rõ tiếng rõ lời, nhưng nó lại được gân lên bằng sự la lối của đám quan lại trường thi. Nó cũng miêu tả cái sự giáo điều, phách lối, ra vẻ của đám quan trường ấy. Tú Xương đã đóng vai một nhà nhiếp ảnh để có thể thu lại những hình ảnh vô cùng chân thực nhất ở trường thi năm ấy. Bởi cuộc thi Hương xưa có số lượng sĩ tử rất đông, được diễn ra trên bãi đất trống, vậy nên phải dùng loa mới có thể nghe rõ được việc gọi tên. Thế nhưng, cái sự trang trọng trong việc gọi tên vào thi của kì thi hương ấy lại bị những kẻ làm quan kia lấn át và làm cho lu mờ bởi sự vênh váo, phách lối, của những kẻ dựa hơi mà chẳng có chút thực quyền nào. Chính vì vậy, kì thi hương ấy không chỉ có đám sĩ tử mất đi cái phong thái của một kẻ sĩ học chữ Nho mà cả đám quan lại cũng mất đi sự trang nghiêm, tôn kính của một kì thi lớn của đất nước. Hai câu thơ song song đối nhau đã làm nổi bật lên cái khung cảnh của trường thi. Nhưng trong đó, người ta không chỉ thấy bóng dáng của trường thi với kì thi hương mà còn thấy cả khung cảnh hỗn tạp, nhốn nháo của đất nước khi rơi vào tình cảnh nửa thực dân nửa phong kiến. Và triều Nguyễn lúc bấy giờ chẳng khác gì bức bình phong, giống như một con rối bị điều khiển bởi chính quyền Pháp.

Chúng ta cũng thấy được rõ ở trong câu thơ, cái sự mỉa mai đến tột độ của tác giả về sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn, đồng thời, trong hai câu thơ tiếp, Tú Xương đã bộc lộ một sự mỉa mai, khinh ghét đối với chính quyền thực dân:

"Lọng cắm rợp trời quan sứ đến

Váy lê quét đất mụ đầm ra"

Vẫn trung thành với lối tả thực, nhà thơ tiếp tục vẽ lại bức tranh khung cảnh trường thi khi mà nó được viếng thăm bởi tên Toàn quyền người Pháp cùng với vợ của hắn. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Tú Xương lại đặt hình ảnh này vào trong hai câu thơ chủ chốt của bài thơ. Là bởi hình ảnh của một "ông Tây" với "bà đầm" đã phản ánh thật đúng với cái tình cảnh của nhà nước ta thời bấy giờ. Đó là xã hội mà khi đó người dân trở thành nô lệ, triều đình là một bức bình phong còn thực quyền lại ở trong tay người Pháp. Một kẻ cướp nước mà lại được đến tham quan một trường thi quan trọng, không chỉ vậy, hắn còn được đón tiếp bằng "lọng" bằng "cờ" thì thật là sự long trọng, kính cẩn nhưng đầy mỉa mai. Bên cạnh đó, quan Tây bà đầm còn được Tú Xương miêu tả là được ngồi lên vị trí cao nhất của trường thi. Ở đây Tú Xương đang ám chỉ điều gì? Phải chăng chính là cảnh nước mất nhà tan đã diễn ra ngay trước mắt?

Thế nhưng, phải thật tinh tế mới có thể nhận ra, Tú Xương đã dùng thơ Đường để làm vũ khí để mỉa mai thật sắc bén và bày tỏ thái độ của mình đối với lũ cướp nước kia. Nhà thơ đã khéo léo khi sử dụng nghệ thuật thơ đối xứng, cái "váy" của bà đầm và cái "lọng" của ông quan Tây được Tú Xương đặt ngang bằng. Khi ghép hai hình ảnh đó lại, người ta thấy đó là sự mỉa mai đầy châm biếm, câu thơ giống như "chửi thẳng" vào mặt viên quan sứ người Tây kia. Không chỉ thế, tác giả đã dùng từ "quan sứ" khi nói về ông quan tây nhưng lại dùng từ "mụ đầm" khi nói về người vợ của ông ta, chẳng phải đây là một sự khinh bỉ, một sự "chơi xỏ" mà Tú Xương dành cho viên Toàn quyền Pháp kia hay sao? Bởi ai cũng biết, từ "mụ" dùng để chỉ những hạng đàn bà không ra gì, tác giả gọi vợ của "quan sứ" là "mụ" thì đồng nghĩa với việc nói ông "quan sứ" kia chỉ là "thằng" mà thôi sao? Quả thật, cái cách chửi của Tú Xương sâu cay và thâm thúy đến nhường nào!

Thế mới thấy rằng, thơ Tú Xương không chỉ miêu tả cái hiện thực tàn khốc, lạnh lùng mà còn lồng cả vào đó tiếng cười sâu cay, đắng ngọt, đồng thời phơi bày trong đó cái tâm của một kẻ sĩ yêu nước, lòng đau vì nước mất nhà tan nhưng vì lực yếu sức mỏng mà chỉ đành dùng lời văn làm vũ khí cho mình. Để đến cuối cùng, cái cười ấy chẳng thể át nổi niềm đau xót trong tâm của ông, nó bật ra thành tiếng:

"Nhân tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà".

"Đất Bắc" trong câu thơ vốn là từ chỉ Hà Nội, đây là nơi hội tụ của ngàn năm kinh đô, là nơi của bậc đế vương ngự trị, và cũng là nơi của anh tài khắp đất nước hội tụ về. Lời thơ  nghe như một tiếng than đau xót vô vàn của Tú Xương khi mắt phải chứng kiến đất nước đang dần rơi vào tay giặc. Ông đang tự nói với chính mình hay là đang kêu gọi ai, liệu ai còn nghĩ tới nỗi nhục mất nước, liệu ai còn tự hào với dân tộc bốn ngàn năm lịch sử này chăng? Đọc câu thơ mà ta thấy được rõ sự xót xa, đau lòng của tác giả trước tình cảnh của đất nước. Từ "Nhân tài" ở đây chỉ ai, nó đơn giản là một từ phiếm chỉ, chỉ những kẻ đã từng một lần mơ ước được bước qua cánh cửa thi Hương này, hay là những kẻ đã từng đặt chân đến nơi đây hãy nhìn xem "cảnh nước nhà"? Ở đây, nhà thơ Tú Xương không quyết liệt thể hiện tư tưởng kêu gọi mọi người chung tay dẹp loạn như trong thơ của Nguyễn Đình Chiểu:

"Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

Ở thơ Tú Xương, người ta chỉ thấy gợi lên sự nhục nhã khi mất nước, nó không mạnh bạo, quyết liệt như trong thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ổng chỉ chỉ ra sự làm ngơ của những kẻ sĩ yêu nước đã quay đầu, không quan tâm đến, tai nghe mắt thấy nhưng vẫn để lũ giặc cướp nước và bè lũ tay sai của chúng đã làm tan nát đất nước của mình. Ông kêu gọi họ "ngoảnh cổ mà trông" - "ngoảnh cổ" ngoái lại nhìn, để thấy và để chứng kiến đất nước đang suy tàn trước lũ giặc ngoại xâm. Ở hai câu kết này, cái cười châm biếm của tác giả Tú Xương chẳng còn nữa mà thay vào đó nhường chỗ cho nỗi đau xót vô vàn khi đất nước lâm nạn. Dường như người đọc còn thấy được cả những giọt nước mắt của ông cả trong tiếng cười sâu cay kia.

Bài thơ "Vịnh khoa thi Hương" của Tú Xương được viết bằng thể thơ Đường thất ngôn bát cú. Với tài hoa, cùng nghệ thuật châm biếm sâu cay, nhà thơ đã dựng lên bức tranh về khung cảnh trường thi Hương những năm cuối triều Nguyễn với sự nhốn nháo, lố lăng của lũ quan trường cùng sự nhếch nhác của đám sĩ tử. Đồng thời, qua đó, tác giả cũng muốn vẽ lên cái hiện thực về xã hội phong kiến nửa thực dân lúc bấy giờ bằng cái nhìn đầy mỉa mai của mình và gửi vào trong đó, đó là tâm tư của một kẻ sĩ yêu nước trước tình cảnh của đất nước.

Vịnh khoa thi Hương là một trong những tác phẩm thơ đặc sắc nhất của Tú Xương vừa hiện thực lại vừa trữ tình. Qua đó đã khẳng định được tài năng của ông, khi chỉ cần vẽ lên một khung cảnh một kì thi Hương mà đã có thể nói lên được cả cái bản chất của xã hội lúc bấy giờ.

Mẫu thực hành viết 2:

Tác phẩm Vịnh khoa thi Hương (Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu) là một trong số 13 tác phẩm của nhà thơ Trần Tế Xương viết về đề tài thi cử. Trong bản chất, việc thi cử bao giờ cũng vô cùng cần thiết. Có thể khẳng định rằng phần lớn những người đỗ đạt (kể cả những người đã đỗ vào chính các khoa thi mà Tế Xương từng phê phán), họ đều là những người tài giỏi, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đất nước. Với Tế Xương, ông triệt để khai thác đề tài thi cử, những điều tai nghe mắt thấy, chủ yếu là những việc liên quan đến lề lối, cung cách trong thi cử, lối thi cũ cũng như khi đổi mới, cả người đỗ đạt cũng như người hỏng thi.

Vì thế, việc đọc hiểu bài thơ Vịnh khoa thi Hương cần phân biệt rõ thủ pháp biếm họa, cực tả (bao gồm cả việc châm biếm những phương diện trong bản chất vốn là sự cải cách, đổi mới, tiến bộ trong xã hội) và cần được đặt trong tương quan với nhiều thi phẩm của chính Tế Xương (Đổi thi, Than sự thi, Đi thi nói ngông, Ông tiến sĩ mới...) cũng như so với thơ ca cùng dạng đề tài khoa cử của nhiều tác giả đương thời khác .

Trong tầm quan sát của nhà thơ Tế Xương, tất cả mọi vấn đề liên quan đến thi cử đều bị "biến dạng" trong mối quan hệ giữa danh và thực, giữa tài và lực và giữa cái cũ lạc hậu nhưng chưa thể tiêu tan và cái mới vẫn chưa thắng thế. Nói cách khác, thơ Tế Xương đã hoán cải ngay cả những bi kịch thi cử và sự thất vọng cá nhân thành một chuỗi cười dài. Mở đầu bài thơ Vịnh khoa thi Hương, tác giả đã vẽ lên khung cảnh về việc nhà nước mở khoa thi theo lối mới và thay đổi cách thức tổ chức thi cử- trường thi ở Hà Nội thi chung với trường Nam Định - cũng trở thành vấn đề:

“Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”

Trong hai câu thơ ở phần thực, nhà thơ đã thực hiện thủ pháp cực tả, nói quá và biếm họa để diễn tả hình ảnh sĩ tử cũng như các quan coi thi:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”.

Với hình thức đảo ngữ cùng cách đặt tính từ "Lôi thôi..." lên đầu câu, nhân vật sĩ tử "vai đeo lọ" bỗng trở thành những kẻ nhếch nhác, luộm thuộm, được chăng hay chớ. Tiếp theo, việc tác giả đảo tính từ đồng thời là từ láy "Ậm ọe..." lên trước câu cũng biếm họa những vị quan coi thi "miệng thét loa" thành những người ngu ngơ, ấm ớ, dớ dẩn. Trên thực tế, việc quan trường "miệng thét loa" là hành động đúng – đúng cả về mục đích lẫn ý thức trách nhiệm, nhằm vãn hồi trật tự, xác lập sự nghiêm túc nơi trường thi, có gì là sai đâu? Hai câu thơ đã thành công khi giới thiệu hai kiểu nhân vật vốn là chủ nhân nơi trường thi nhưng đã bị biếm họa trở thành hình ảnh những người thô kệch, thiếu tư cách, không phù hợp với khung cảnh việc thi cử. Ở đây, kiểu nhân vật sĩ tử và quan trường từ bao năm xưa vốn luôn được coi trọng mà nay mất thiêng, hóa thành loại người láo nháo, nhếch nhác, đáng bị chê cười. Tế Xương đã lược giản, bỏ qua cái phần phẩm cách mà chính bản thân họ từng đại diện cho các giá trị tinh thần truyền thống và ngược lại, ông chỉ tập trung khai thác, tô đậm và biếm họa ngay cả những hành động, việc làm nghiêm chỉnh của họ ở nơi trường thi. Tiếp đến hai câu ở phần luận, Trần Tế Xương còn giới thiệu thêm hai loại nhân vật mới mà từ cổ xưa đến nay mới lần đầu xuất hiện giữa nơi trường thi:

“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra”.

Hoạt cảnh nổi bật chính là sự khoa trương hình thức với hình ảnh những chiếc lọng "cắm rợp trời" và sau đó là ông quan sứ cai trị người Pháp xuất hiện. Ngay câu thơ sau, tác giả miêu tả hình ảnh chiếc váy xòe xa lạ "lê quét đất" và liền đó là hình hài "mụ đầm"- ý chỉ vợ ông quan sứ Pháp, oai vệ bước ra. Có thể nói rằng chính sự hiện diện của hai kiểu nhân vật "quan sứ" và "mụ đầm" là một sự thay đổi cơ bản,  khiến cho hoạt cảnh nơi trường thi càng thêm phần xa lạ và phản cảm. Hai kiểu nhân vật này là đại diện cho một thời đại mới, một chế độ, một thế lực và một nền giáo dục mới mẻ. Cách gọi "quan sứ" đăng đối với "mụ đầm" của nhà thơ đã hàm chứa sự giễu cợt, châm biếm mát mẻ cùng thái độ xa lánh, coi thường... Tuy nhiên, ngay cả khi trong sách giáo khoa có chú dẫn về khung cảnh đón rước: "Khoa thi Hương này có Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Pôn Đu - me (Paul Doumer) cùng vợ đến dự" thì xét về bản chất, khoa thi Hương rất được chú trọng, có cả quan Toàn quyền đến tham dự, chứng kiến. Và cũng xét về bản chất, có điều gì cần phê phán không? Thêm nữa, hình ảnh vợ tên quan sứ với trang phục đúng kiểu Tây cũng bị giễu nhại: Váy lê quét đất... Ở thời Pháp thuộc, phần nhiều dân ta đều xa lạ với kiểu váy đầm, tóc phi dê: Cô phi dê là con chó xồm/ Đứng bên tôi làm tôi hết hồn... Bà đầm – vợ ông Toàn quyền – vốn chẳng có lỗi gì cũng bị săm soi, chê trách, biếm họa.

Có thể nói, nhà thơ Tế Xương đã đứng trên lập trường đạo đức và thậm chí là một chiều khi quy kết rồi châm biếm cả những phương diện thuộc về cải cách thi cử và tiến bộ xã hội. Cho đến hai câu kết bài, Tế Xương đã nâng cấp sự ý thức của các sĩ tử trong khoa thi thành vấn đề quốc thể:

“Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà”.

Câu hỏi được đặt cho nhân tài đất Bắc "nào ai đó" đã góp phần tô đậm, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của kẻ sĩ trước hiện tình đất nước. Bởi lẽ những con người được gọi là "Nhân tài" ở đây trước hết phải kể đến các sĩ tử, những người mà đang có mặt dự thi và mong được đỗ đạt để làm quan, thành nhân tài cai quản xã hội. Nhìn rộng ra, xếp vào hệ thống nhân tài còn có giới quan trường và các bậc trí thức đều là những người có trách nhiệm với non sông đất nước. Tác giả đã đặt ra câu câu hỏi nhưng ngay trong đó đã có sẵn câu trả lời mà ai cũng rõ "ai" được xếp vào loại "nhân tài". Câu thơ tuy bình dị mà đa nghĩa, khơi gợi lên ý thức trách nhiệm của mọi người: “Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà…” "Ngoảnh cổ mà trông..." cũng chính là tự trông lại, tự xét đoán và nhìn nhận lại thân phận của mình. Có thể nói hai câu kết bài đã nâng tầm tư tưởng của bài thơ, gián tiếp đưa ra câu hỏi cho tất cả các sĩ tử, quan trường cùng nhân tài đất Bắc với bên kia là những quan sứ, mụ đầm được xuất hiện trong hoạt cảnh thi cử nhố nhăng thời thực dân nửa phong kiến. Chính điều này đã tạo nên tiếng cười lưỡng phân trong thơ Tế Xương: vừa chịu bất lực trước quá khứ vừa ngơ ngác trước một thực tại mới, vừa kỳ vọng xa xôi vào lớp người mới "Nhân tài đất Bắc", cũng vừa bàng hoàng trước phong vận đổi thay "Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà".

Bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Tế Xương đã thể hiện vô cùng sắc nét hệ thống hình tượng tác giả vừa trong tư cách cảm hứng sáng tác vừa là sự bày tỏ nỗi niềm của chủ thể và cũng như sự miêu tả về một kiểu nhân vật trữ tình khách thể "bên ngoài mình". Nhà thơ vừa đóng vai chứng nhân, vừa là tác giả và đồng thời cũng là sĩ tử và là "nhân tài" của đất nước. Với tiếng cười trào lộng, nhà thơ đã đi sâu khai thác và biếm họa mọi nhân vật, từ vẻ bề ngoài đến vai trò, vị thế rồi đi đến khái quát được bản chất xã hội qua thực trạng hình thức thi cử.

Có thể thấy bằng thủ pháp châm biếm, "hí họa" trong bút pháp trào phúng của Trần Tế Xương đã làm nổi bật nên mối quan hệ hai chiều: trào phúng gắn quyện với trữ tình, vẽ nên hoạt cảnh thi cử vô cùng bi hài và lên tiếng thức tỉnh lương tâm những con người trí thức trước thực trạng xã hội đương thời.

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Phân tích một tác phẩm thơ| Văn 8 trang 48 tập 2 cánh diều. Phân tích một tác phẩm thơ là một yêu cầu quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao năng lực văn học cho các bạn học sinh. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Hotline: 0987810990